Kiến nghị bổ sung vốn tín dụng cho nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng vừa có đề xuất với Chính phủ bổ sung vốn tín dụng cho nhà ở xã hội.
Kiến nghị bổ sung vốn tín dụng cho nhà ở xã hội

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội trong thời gian vừa qua nhằm thực hiện chủ trương vừa bảo đảm an sinh xã hội, vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và ổn định thị trường bất động sản đã đạt được một số kết quả nhất định.

Nhưng đến thời điểm hiện nay, việc phát triển nhà ở xã hội mới chỉ đạt khoảng 30% so với mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt. Tuy vậy, việc phát triển nhà ở xã hội vẫn tiến triển rất chậm, nhiều khó khăn, ách tắc.

Nguyên nhân chính được Bộ Xây dựng chỉ ra là do lượng vốn ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2018 - 2020 là 1.262,069 tỷ đồng/9.000 tỷ đồng (chỉ đáp ứng khoảng 13% so với yêu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội); riêng năm 2018 ngân hàng này chỉ được giao 500 tỷ đồng nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được giải ngân.

Theo quy định, với số vốn được giao 500 tỷ đồng thì Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ huy động thêm được 500 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội và chỉ cho vay đối với hộ gia đình, cá nhân (chủ đầu tư dự án không được vay nguồn vốn này).

Sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng theo quy định tại Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ đã giải ngân hết vào cuối tháng 12/2016, hiện không có nguồn vốn để tiếp tục cho vay.

Theo báo cáo của các địa phương, hiện nay có 206 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 168.700 căn hộ, tổng diện tích khoảng 8.435.000 m2 đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công, trong đó có một số chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội có nhu cầu xin chuyển đổi sang dự án nhà ở thương mại; số lượng nhà ở xã hội hoàn thành, đưa vào sử dụng trong thời gian gần đây rất hạn chế.

Bên cạnh đó, chính quyền tại một số địa phương chưa quan tâm đến việc phát triển nhà ở xã hội, chủ đầu tư cũng chưa chủ động đầu tư xây dựng loại nhà ở có diện tích nhỏ, giá thấp; cơ cấu nguồn cung căn hộ nhà ở bị mất cân đối, các hộ nghèo, thu nhập thấp không đủ khả năng và điều kiện để cải thiện chỗ ở.

Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do không bố trí được nguồn vốn ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Có thể bạn quan tâm