Kiến nghị thu hồi hơn 6.000tỷ vụ Phạm Công Danh:Góc nhìn khác

Phải có cơ sở pháp lý cần và đủ để các cơ quan chức năng có thể thu hồi lại số tiền từ sai phạm của Phạm Công Danh.
Kiến nghị thu hồi hơn 6.000tỷ vụ Phạm Công Danh:Góc nhìn khác

TS Nguyễn Trí Hiếu đã đưa ra những giả định liên quan tới yêu cầu của VKS cho rằng, hành vi của Phạm Công Danh đã gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng (VNCB) hơn 6.100 tỷ đồng và phải thu hồi từ 3 ngân hàng BIDV, Sacombank, TP Bank.

Theo ông, những cơ sở pháp lý cần và đủ để các cơ quan chức năng có thể thu hồi lại số tiền trên gồm:

Thứ nhất, các cơ quan chức năng phải chứng minh được nguồn tiền từ VNCB gửi cho 3 ngân hàng kia là nguồn tiền bất hợp pháp. Khi đó, phải thu hồi.

Thứ hai, nếu chứng minh được 3 ngân hàng trên nhận tiền thế chấp từ VNCB là trái với quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), số tiền trên cũng phải được thu hồi.

Thứ ba, chứng minh được những người đứng tên lấy tiền từ VNCB gửi vào 3 ngân hàng kia là không đủ thẩm quyền, không được ủy quyền hoặc có hành vi gian dối thì tiền đó phải được thu hồi.

Thứ tư, chứng minh được người đứng tên tài khoản gửi có hành vi gian dối, lừa đảo, làm sai lệch nguồn gốc khoản tiền gửi... nhằm khuyến khích 3 ngân hàng trên nhận tiền gửi và cho bên thứ ba vay lại, số tiền này phải được thu hồi.

Thứ năm, ngay lúc VNCB phát hiện việc 3 ngân hàng trên nhận tiền thế chấp là không đúng với quy định và đã có thông báo ngay với các cơ quan chức năng, NHNN thì cũng có cơ sở để truy đòi lại số tiền đó.

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng cho rằng, VNCB cũng khó có thể thu hồi lại được số tiền trên nếu gặp phải những vấn đề như sau:

Một, số tiền được mang đi thế chấp đứng trên danh nghĩa là VNCB nhưng hoạt động thế chấp trên trái với quy định của NHNN, trái với quy định của pháp luật thì VNCB không có quyền truy đòi số tiền trên. Việc này có thể ví như "gậy ông đập lưng ông", VNCB cũng đang vi phạm pháp luật thì làm sao đòi được tiền?

Hai, các hoạt động thế chấp cho bên thứ ba vay mà trái với thông lệ quốc tế, trái với thông lệ của ngành ngân hàng Việt Nam thì cũng không có cơ sở đòi lại.

Ba, trong quá trình thực hiện thế chấp, VNCB đã cố tình đưa ra thông tin sai lệch về nguồn tiền để 3 ngân hàng trên đồng ý nhận thế chấp, tiền đó cũng không thu hồi được.

Bốn, nếu những người mang tiền của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (với tên của pháp nhân cũ) đi thế chấp là những người được sự ủy quyền chính thức thì số tiền trên cũng không được truy đòi dưới danh nghĩa tên pháp nhân mới của ngân hàng.

Năm, VNCB là bên thế chấp còn 3 ngân hàng kia là bên nhận thế chấp đã thực hiện theo các hợp đồng hợp pháp, rõ ràng, trong đó có quy định số tiền này do VNCB dùng thế chấp cho những khoản vay của bên thứ ba thì số tiền đó cũng không thể truy đòi được.

Sáu, nếu thời gian thực hiện các giao dịch, hợp đồng thế chấp giữa các bên đã diễn ra quá lâu, vượt quá thời gian quy định được phép thu hồi thì VNCB cũng không thể đòi lại được số tiền trên.

Về phản ứng của Hiệp hội Ngân hàng, ông Hiếu cho rằng quan điểm của NHNN lúc này lại đóng vai trò vô cùng quan trọng.

"Ý kiến cuối cùng như thế nào, có thu hồi hay không đều sẽ trở thành án lệ điển hình giúp tòa án có thể áp dụng đưa ra phán quyết cho những vụ án tương tự sau này. Do đó, tiếng nói của NHNN chính là tiếng nói mang tính quyết định trong trường hợp này", ông Hiếu nói.

Điển hình của sở hữu chéo, lợi ích nhóm

Trở lại vụ việc Phạm Công Danh, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đây là một dạng điển hình của lợi ích nhóm.

Cụ thể, VNCB bị vướng mắc vào vụ việc này là bắt nguồn từ rắc rối từ Ngân hàng Đại Tín, sau đó thông qua VNCB đã thực hiện những giao dịch khác... tạo ra những mối quan hệ lằng nhằng, rất phức tạp, là kẽ hở cho những người như Phạm Công Danh có cơ hội cấu kết với những nhóm người khác thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Đây cũng là một dạng điển hình của sở hữu chéo trong quá trình thực hiện việc cổ phần hóa các ngân hàng thương mại. Việc này được thể hiện rõ khi việc thực hiện cổ phần hóa ngân hàng có dấu hiệu không tuân thủ chặt chẽ các quy định về giới hạn sở hữu, giới hạn cổ phần theo pháp luật, do đó, dẫn tới nhiều lãnh đạo của Ngân hàng Đại Tín, VNCB cùng bắt tay thực hiện các hành vi sai phạm, trục lợi từ quá trình cổ phần hóa ngân hàng.

Một trong những sai phạm điển hình từ kẽ hở quản lý được vị TS chỉ ra đó là cách thức làm tăng vốn ảo của ngân hàng.

"Tôi lấy ví dụ, cổ đông ngân hàng A vay vốn ngân hàng B để đầu tư vào B và ngược lại; hoặc tổng công ty X xở hữu doanh nghiệp Y, đồng thời sở hữu doanh nghiệp Z, khi doanh nghiệp Y và Z cùng đầu tư vào ngân hàng A thì đương nhiên, X là chủ sở hữu của ngân hàng A, trong đó, Y và Z là sở hữu trực tiếp, còn X là sở hữu gián tiếp.

Vì thế, nhiều nguồn vốn của từng ngân hàng tăng nhưng tổng thể nguồn vốn toàn hệ thống thì không hề thay đổi do số tiền chỉ chảy qua, chảy về giữa "túi nọ", "túi kia", "lấy mỡ nó rán nó" giá trị tăng chỉ trên sổ sách, còn thực tế thì không tăng", ông Hiếu nói.

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, muốn ngăn chặn tình trạng trên, yêu cầu trước hết là phải buộc các ngân hàng phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về sở hữu vốn tại các ngân hàng; Không cho phép, chủ tịch ngân hàng này lại đồng thời làm chủ tịch của các tập đoàn khác; đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu, cải tổ lại bộ máy tổ chức, quản lý của ngân hàng.

Theo Dân Việt

Có thể bạn quan tâm