Kiến nghị xây cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa có vốn hơn 13.200 tỷ đồng

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Thủ tướng kiến nghị về việc đầu tư tuyến cao tốc đoạn Ninh Bình - Thanh Hóa theo hình thức PPP để giảm tải trên QL1A và hoàn thiện hệ thống cao tốc Bắc – Nam.
Kiến nghị xây cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa có vốn hơn 13.200 tỷ đồng

Theo đó, dự án đường cao tốc Ninh Bình (điểm đầu Mai Sơn) - Thanh Hóa (điểm cuối QL45) có tổng chiều dài 63,3km. Giai đoạn 1 đầu tư 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, dự kiến khởi công năm 2019, cơ bản hoàn thành năm 2021.

Bộ GTVT đánh giá, đoạn Ninh Bình - Thanh Hóa là 1 trong 8 đoạn tuyến của dự án cao tốc Bắc - Nam và có nhu cầu vận tải lớn, mật độ phương tiện được tính toán lên đến 20.876 lượt xe/ngày đêm, rất cần được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư sớm.

Ngoài các cầu vượt sông, cầu vượt nút giao, dự án cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 còn xây dựng 2 hầm đường bộ với tổng chiều dài 940m là Tam Điệp và Thung Thi.

Dự án đã được Quốc hội thông qua và có tổng vốn đầu tư khoảng 13.225 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 10.056 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu 2.011 tỷ đồng, vốn vay 8.045 tỷ đồng) và nguồn vốn của Nhà nước khoảng 3.169 tỷ đồng.

Phần vốn Nhà nước sẽ được chi cho công tác GPMB, tái định cư khoảng 1.894 tỷ đồng; hỗ trợ một phần chi phí xây dựng công trình để đảm bảo khả thi về tài chính, khoảng 1.054 tỷ đồng. Chi phí công tác tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị dự án, thiết kế kỹ thuật, dự toán, tư vấn kiểm định chất lượng, rà phá bom mìn và chi phí khác là 203 tỷ đồng.

Mức phí sử dụng đường bộ để nhà đầu tư BOT hoàn vốn được tính toán thu 1.500 đồng/xe (nhóm xe tiêu chuẩn)/km (2021-2023), 1.700 đồng/xe/km (2024-2026) và tăng kịch trần 3.400 đồng/xe/km (2042-2046). Với mức phí này, nhà đầu tư được quyền thu phí hoàn vốn trong 24 năm.

>>Dự án BOT cao tốc Bắc Nam: Cần kiểm soát như đầu tư công

Có thể bạn quan tâm