Kinh doanh không hiệu quả, Quốc Cường Gia Lai giải thể công ty con

Theo văn bản của Sở GDCK TP.HCM (HoSE), CTCP Quốc Cường Gia Lai (mã: QCG) sẽ giải thể CTCP Bất động sản Hiệp Phát do hoạt động kinh doanh không hiệu quả.
Kinh doanh không hiệu quả, Quốc Cường Gia Lai giải thể công ty con

CTCP Bất động sản Hiệp Phát hiện có trụ sở tại số 26 Trần Quốc Thảo, quận 3, TP.HCM do Quốc Cường Gia Lai sở hữu tới 90% vốn.

Trước đó ngày 29/1, Quốc Cường Gia Lai cũng đã hoàn tất việc chuyển nhượng 49,9% vốn cổ phần tại Công ty Cổ phần bất động sản Sông Mã.

Ngày 9/1, HĐQT của doanh nghiệp cũng đã ra nghị quyết giảm 195,3 tỷ đồng vốn góp ở Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng.

Việc Quốc Cường Gia Lai thoái vốn tại hàng loạt các công ty con cho thấy doanh nghiệp đang trong thời kỳ kinh doanh thiếu thuận lợi và muốn giảm quy mô đầu tư.

Theo BCTC hợp nhất kiểm toán của Quốc Cường Gia Lai năm 2018, tổng doanh thu công ty đạt gần 732,2 tỷ đồng, giảm 14,5% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 101 tỷ đồng đồng, giảm 4 lần so với năm 2017.

Tính đến ngày 31/12/2018, hàng tồn kho của doanh nghiệp ghi nhận 7.480 tỷ đồng, trong đó bất động sản dở dang lên đến 7.020 tỷ đồng, chủ yếu được tính vào chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất, chi phí xây dựng... Giá trị hàng tồn kho của doanh nghiệp đã tăng 554 tỷ đồng so với cuối năm 2017.

Khoản vay ngắn hạn của doanh nghiệp trong năm qua là 173 tỷ đồng, trong khi vay dài hạn cao hơn gấp 2,4 lần, lên đến 420 tỷ đồng. Để đảm bảo khoản vay dài hạn này, công ty thế chấp nhiều tài sản: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các khu đất tại Gia Lai, TP HCM và các dự án cao su, thủy điện.

Năm 2018 được xem là "vận đen" của doanh nghiệp khi vướng vào vụ lùm xùm mua hụt 30 ha đất công của Công ty Tân Thuận tại Phước Kiển, huyện Nhà Bè và bị thành phố yêu cầu thu hồi.

Ngoài ra, khó khăn của doanh nghiệp còn nằm ở vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng dự án quy mô lớn như Phước Kiển bị da beo, kéo dài nhiều năm chưa xử lý xong. Tổng tài sản QCG tính đến ngày 31/12/2018 đạt 11.000 tỷ đồng, nợ phải trả 6.893 tỷ đồng.

Hồi tháng 2/2019, cổ phiếu QCG bị đưa vào diện cảnh báo do Quốc Cường Gia Lai đã chậm báo cáo hàng loạt thông tin về các giao dịch góp vốn, thoái vốn diễn ra từ 2013 đến 2017, và chỉ đến khi báo chí lên tiếng thì Chủ tịch HĐQT công ty này là bà Nguyễn Thị Như Loan mới làm văn bản giải trình.

Cụ thể, từ ngày 24/1/2013 đến ngày 26/8/2017, Quốc Cường Gia Lai có 14 giao dịch chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng với tổng giá trị các giao dịch trên 3.200 tỷ đồng, nhưng không công bố thông tin kịp thời mà chỉ ghi nhận kết quả các giao dịch tại báo cáo tài chính được công bố thông tin theo quy định khi hoàn tất.

Giải trình về sự chậm trễ này, công ty cho biết do liên tục có sự thay đổi nhân sự thư ký quản trị doanh nghiệp nên quá trình cập nhật các quy định quản trị còn hạn chế, hiểu chưa đúng về nội dung và thời hạn công bố thông tin.

Trong cuộc gặp gỡ với lãnh đạo TP HCM vào tuần trước, Chủ tịch HĐQT Quốc Cường Gia Lai - bà Nguyễn Thị Như Loan, cho biết bà đã rất khổ tâm với các dự án chưa thực hiện được. Bà Loan cho rằng hiện QCGL có 12 dự án đầu tư trên địa bàn TP HCM bị ách tắc, với tổng diện tích đất 150 ha.

Theo bà Nguyễn Thị Như Loan, vấn đề doanh nghiệp gặp phải là thủ tục hành chính đang khiến các dự án "mắc kẹt".

 >> “Cường Đô La” không còn là người của Quốc Cường Gia Lai

Có thể bạn quan tâm