Kinh doanh liêm chính: Hiểu thế nào, làm ra sao?

“Kinh doanh liêm chính” đã trở thành “cách định nghĩa” về con đường làm ăn của doanh nghiệp Việt Nam để thành công, để bền vững và quan trọng hơn là để tăng sức cạnh tran
Kinh doanh liêm chính: Hiểu thế nào, làm ra sao?

Tham nhũng: Một góc nhỏ - hậu quả lớn

Tại một cuộc hội thảo về chủ đề cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã từng nói, "kết quả mà chúng tôi điều tra nhiều năm liền cho thấy, chi phí không chính thức hầu như giảm không đáng kể, doanh nghiệp nhỏ lại phải chi nhiều hơn".

Thậm chí, ông Tuấn còn nhấn mạnh rằng, "có doanh nhân khái quát nói là, nhắc đến chi phí của doanh nghiệp thì tăng là từ quen thuộc còn giảm lại là từ xa lạ".

Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế (CIEM) cũng cho biết, giảm chi phí cho doanh nghiệp là vấn đề đầy thách thức của Việt Nam.

Theo ý kiến của rất nhiều chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, chi phí không chính thức có thể phát sinh ở mọi công đoạn kinh doanh và trong tất cả quá trình thực thi quy định pháp luật. "Hiện tại thì chưa thể đong đếm đầy đủ về thực trạng này nhưng hệ quả mà nó để lại là rất lớn. Nền kinh tế có chi phí cao thì rất khó để doanh nghiệp có thể cạnh tranh", bà Tuệ Anh nhấn mạnh.

Những bình luận trên đã phản ánh "một phần" của vấn nạn tham nhũng mà ở đó người buộc phải "tiếp tay" là doanh nghiệp, người buộc phải chịu thiệt suy cho cùng chính là doanh nghiệp, đồng thời cho thấy một thực trạng "vốn không mới" được đề cập và nhấn mạnh rất nhiều lần trong công cuộc kinh doanh và hỗ trợ kinh doanh của doanh nghiệp và Chính phủ.

Chỉ một "góc nhỏ" của vấn nạn tham nhũng, chỉ một vấn đề mang tên "chi phí không chính thức" đã, đang làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam ngay từ khi mới khởi sự kinh doanh.

Xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp liêm chính

Kinh doanh liêm chính: Hiểu thế nào, làm ra sao? ảnh 1

Bộ Công cụ “Hướng dẫn doanh nghiệp nhỏ và vừa phòng ngừa tham nhũng” đã chính thức được công bố và khuyến nghị sử dụng khi được đánh giá là “bản lề” để doanh nghiệp áp dụng, thực hành phòng ngừa tham nhũng dưới mọi hình thức cũng như để nâng cao năng lực quản trị.

Để hỗ trợ doanh nghiệp và hướng đến mục tiêu lớn hơn là vươn rộng ra với nền kinh tế khu vực và thế giới, Việt Nam đã bắt đầu xây dựng một Chính phủ liêm chính và giới doanh nghiệp - đối tượng trực tiếp được lợi cũng cần hỗ trợ Chính phủ bằng cách xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp liêm chính.

Từ năm 2016, VCCI đã lựa chọn bộ Công cụ "Hướng dẫn doanh nghiệp nhỏ và vừa phòng ngừa tham nhũng" với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu và được triển khai tại nhiều nước khác nhau thuộc nhóm G20.

Và đến năm 2016, Bộ Công cụ này đã chính thức được công bố và khuyến nghị sử dụng khi được đánh giá là "bản lề" để doanh nghiệp áp dụng, thực hành phòng ngừa tham nhũng dưới mọi hình thức cũng như để nâng cao năng lực quản trị.

Trong suốt năm 2016 vừa qua, với hơn 1100 phản hồi và đánh giá từ doanh nghiệp, VCCI đã nhấn mạnh, để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, Chính phủ cần tiến hành khởi xướng "Sáng kiến thực hành liêm chính" - GBIA để có thể tiếp cận nhiều hơn các bên liên quan.

Không chỉ dừng lại ở quy mô doanh nghiệp, GBIA còn tiến tới cấp quốc gia để thúc đẩy nâng cao nhận thức trên diện rộng, tăng cường việc tuân thủ tốt các quy định được đề cập đến trong Dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi).

Theo đại diện VCCI chia sẻ, để "thoát khỏi" tham nhũng, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp phải tiến hành nhiều các "công đoạn": thực thi, tố cáo, giám sát các cơ quan Nhà nước, khu vực có nhiều nguy cơ; đào tạo, khuyến khích, hỗ trợ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp để tạo thành một vòng tròn liên kết giữa nơi hành pháp và nơi chấp pháp.

Trong thời gian từ 3 - 4 năm, mục tiêu mà GBIA hướng đến chính là những kết quả thành công, những tác động có thể đo lường và những hành động cải thiện cụ thể, trở thành "đầu mối chính" đưa ra các khuyến nghị cải cách pháp luật, cung cấp bộ công cụ, nguồn lực, giáo dục, đào tạo và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về cách thức mới nhất, hiệu quả nhất về phòng, ngừa tham nhũng.

Vì sao tham nhũng "luôn tồn tại"?

Có những người luôn tự đặt câu hỏi đó. Phát triển trong nền kinh tế thị trường có thể nói là đã tạo nên tiền đề cho các quan hệ chính trị - kinh tế để từ đó lợi ích nhóm vô hình chung được hình thành. Khi yếu tố lợi ích kết hợp với sự lạm dụng quyền lực của những người có chức vụ, quyền hạn thì tham nhũng giống như một quy luật tất yếu.

Những con số "20% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ thường xuyên bị vòi vĩnh, phải đưa hối lộ hoặc phí bôi trơn; ¾ doanh nghiệp cho rằng tham nhũng đang huỷ hoại môi trường kinh doanh và không thể biến mất một khi đã xuất hiện" là những lời cảnh báo về thực trạng khó khăn và lòng tin đang mờ dần trong cộng đồng doanh nghiệp.

Và giờ đây, việc hình thành và thực hiện GBIA đã trở thành câu chuyện không chỉ dừng lại ở sự kêu gọi hành động mà còn hướng đến một giá trị tốt đẹp được xây dựng dựa trên "văn hoá nói KHÔNG với tham nhũng" để từ đó, niềm tin và hy vọng của doanh nghiệp dần được củng cố và tạo đà cho những bước chuyển mình tốt đẹp hơn.

Có thể bạn quan tâm