Kinh tế ngầm sẽ được tính vào GDP từ năm 2020

Theo thông tin tại buổi họp báo về Đề án Khu vực kinh tế chưa quan sát diễn ra vào sáng nay (20/2), do Tổng cục Thống kê tổ chức, từ năm 2020, việc thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát vào GDP
Kinh tế ngầm sẽ được tính vào GDP từ năm 2020

Trước đó, tại buổi làm việc đầu năm với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho rằng, GDP kinh tế vừa qua đã tính sót rất lớn. Nhà lầu, xe hơi, môi giới trung gian... hoạt động kinh tế phi chính thức diễn ra rất rầm rộ nhưng chưa được tính vào quy mô kinh tế. Chính vì vậy, ngày 1/2/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, nhằm phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn phạm vi, quy mô của nền kinh tế.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - cho biết, kinh tế chưa được quan sát gồm 5 khu vực: Kinh tế ngầm (khu vực kinh tế hợp pháp nhưng bị giấu giếm có chủ ý để tránh thuế, thủ tục hành chính và trách nhiệm xã hội); Kinh tế bất hợp pháp (khu vực bị luật pháp cấm hoặc hợp pháp nhưng chưa đăng ký); Kinh tế chưa chính thức; Kinh tế tự sản tự tiêu (hộ gia đình); Kinh tế bị bỏ sót (khu vực, hoạt động bị sót trong quá trình thu thập thống kê).

Để thực hiện đề án, Tổng cục Thống kê sẽ khảo sát, đánh giá cụ thể, chi tiết, toàn diện thực trạng các hoạt động kinh tế chưa được quan sát theo 5 nhóm hoạt động của ba khu vực kinh tế; loại hình sở hữu; ngành nghề lĩnh vực và địa bàn..., từ đó xây dựng danh mục các hoạt động kinh tế chưa quan sát được.

Sẽ xây dựng, ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê nguồn thông tin đầu vào đo lường khu vực kinh tế chưa được quân sát, đảm bảo toàn diện, khả thi và phù hợp. Sử dụng đồng thời 3 hình thức: Điều tra thống kê, báo cáo thống kê và khai thác dữ liệu hành chính trong thu thập thông tin. Cài đặt nội dung khu vực kinh tế chưa được quan sát vào các hệ thống chỉ tiêu thống kê hiện có... Đồng thời, sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách quản lý kinh tế và đăng ký sản xuất kinh doanh, nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách, nghĩa vụ xã hội...

Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát là khó khăn, thách thức, “cần sự vào cuộc của các bộ, ngành có liên quan và sẽ có lộ trình thực hiện cụ thể từng năm... để Tổng cục Thống kê thực hiện thành công Đề án trong những năm tới” - Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - cũng cho biết, tới đây sẽ xác định và tính toán thu nhập của những nghệ sĩ có thu nhập cao trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và điện tử để phản ánh đúng sự đóng góp phần lao động của lĩnh vực này vào GDP.

Ngoài ra, với quan điểm ngay cả những đối tượng như xe ôm hay bán hàng rong cũng đưa ra thống kê để tận thu thuế, bà Hương cho rằng, hoạt động sản xuất kinh doanh phải có đóng góp với xã hội và đảm bảo trật tự an ninh xã hội.

Do đó, mục tiêu cao nhất trong việc thống kê khu vực chưa quan sát được là nhận diện các hoạt động, tổ chức quản lý tốt hoạt động sản xuất kinh doanh từ hộ cá thể đến tập đoàn, chứ không phải bất kỳ hoạt động nào cũng thống kê để đánh thuế.

Được biết, Đề án này được triển khai từ năm 2019. Cụ thể: Tổng cục Thống kê sẽ hoàn thành nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm quốc tế; xác định phạm vi, quy mô khu vực kinh tế chưa được quan sát trong nền kinh tế. Từ đó, lựa chọn phương pháp đo lường và tiến hành đo lường thử nghiệm; đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm, để năm 2020 đo lường chính thức và hàng năm sẽ có đánh giá kết quả, cập nhật phương pháp biên đoạn các chỉ tiêu kinh tế.

Có thể bạn quan tâm