Kinh tế tốt hơn - Lo xa hơn !

Những thay đổi mang tính nền tảng của nền kinh tế đang thúc đẩy cơ hội tăng trưởng nhanh và bền vững hơn của nền kinh tế Việt Nam.
Kinh tế tốt hơn  - Lo xa hơn !

Nền kinh tế hoạt động hiệu quả hơn

Công bằng là từ mà ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã dùng khi nói về vai trò của DN tư nhân Việt Nam trong tốc độ tăng trưởng GDP lên tới 7,38% của quý I/2018.

“Các DN Việt Nam đang góp vào tăng trưởng rất rõ nét. Số DN thành lập mới tăng, số vốn đăng ký tăng thêm tăng. Đặc biệt sản lượng của các DN công nghiệp tư nhân lớn Việt Nam, như Trường Hải, Hòa Phát... cũng gia tăng rất lớn”, ông Cung phân tích.

Cũng phải nhắc lại, ngay khi con số được cho là bất ngờ của tăng trưởng GDP quý I/2018 được công bố, khá nhiều ý kiến trái chiều. Mặc dù thừa nhận động lực kéo dài từ những thuận lợi trong kinh doanh của giai đoạn cuối năm 2017 kéo sang, nhưng lo ngại về khả năng đột biến và khó kéo dài tốc độ tăng trưởng này trong các quý tiếp theo của năm 2018 không hề nhỏ.

Trong những phân tích về cơ sở của mức tăng trưởng này, vai trò của Samsung và Formosa được nhắc tới như là những bệ đỡ. Ngay trong buổi công bố con số này của Tổng cục Thống kê, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) cũng thừa nhận, ngành sản xuất chế biến các sản phẩm điện tử và linh kiện là ngành công nghệ cao, chủ yếu do đóng góp của khối FDI mà chủ lực là Samsung. Đó là thành công trong thu hút FDI của Việt Nam khi ngành này có sự tăng trưởng rất nhanh. Nếu năm 2010 ngành này mới đóng góp 9,9% giá trị sản xuất công nghiệp thì năm 2015 đóng góp lên gấp đôi, lên tới 17,8%.

Nhưng đây cũng là lý do mà nhiều chuyên gia cho rằng, nếu khu vực này có vấn đề, khả năng tăng trưởng GDP quý sau sẽ thấp hơn.

“Tôi cảm thấy không công bằng trong cách đánh giá này. Việc góp mặt vào tốc độ tăng trưởng GDP của quý 1/2018 và cả giai đoạn tới đây là kết quả của những cải thiện, thay đổi mang tính nền tảng ở phía cầu của nền kinh tế, chứ không phải là những giải pháp kích cầu như vài năm trước”, ông Cung chia sẻ quan điểm.

Thực ra, không phải riêng ông Cung có quan điểm này. Trong phân tích mới đây về chất lượng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng đã nhắc tới sự lớn lên của khu vực tư nhân trong nước.

Sự lớn lên này, được nhấn mạnh cả ở số lượng và chất lượng, đặc biệt là khu vực DN tư nhân quy mô lớn, là kết quả của những nỗ lực của Chính phủ trong thực hiện các cam kết cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cao kỷ luật hành chính...

Cụ thể, các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ trong hai năm qua đã tạo ra những hiệu ứng rất rõ ràng. Một là quyền tự do kinh doanh của người dân tốt hơn. Hai là những hoạt động kinh doanh thuận lợi hơn theo nghĩa gia nhập thị trường ít tốn kém hơn, chi phí kinh doanh giảm hơn, niềm tin của DN và thị trường tăng lên. DN có xu hướng mở rộng kinh doanh hơn, lợi nhuận nhiều hơn.

Khi kinh tế tốt hơn thì phải lo xa hơn cho các năm tiếp theo, để khi khó khăn có dư địa điều chỉnh”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ.Những yếu tố nền tảng đang thay đổi.

“Điều quan trọng, nền kinh tế hoạt động hiệu quả hơn rõ ràng”, ông Cung nói thêm khi phân tích về những cơ sở mà ông tin rằng không chỉ tạo nên tốc độ tăng trưởng GDP của quý I/2018 mà cả giai đoạn sau. Vị chuyên gia này còn dự báo cho rằng, GDP năm 2018 có thể đạt tới 7%, thậm chí hơn, tất nhiên, đi kèm với một số điều kiện.

“Việt Nam đã từng trải qua giai đoạn tương tự, cả về bối cảnh quốc tế và trong nước, đó là giai đoạn 2001-2006. Giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng GDP đạt tới 7,34% trong 2001-2005... Riêng GDP năm 2005 đã lên tới 8,4%”, ông Cung nhắc lại.

Yếu tố tương tự của giai đoạn này, so với hiện tại, đó là sự có mặt của Luật DN với sự công nhận chính thức đầu tiên về việc người dân được kinh doanh những gì pháp luật không cấm, công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép; cuộc chiến với giấy phép con và cơ hội thị trường rộng mở khi Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) được chính thức ký kết vào năm 2001.

“Khi đó, sự DN Việt hào hứng với không chỉ cơ hội thị trường rộng mở mà quan trọng là môi trường kinh doanh cho phép họ được làm nhiều việc mà trước đó DN tư nhân không được làm”, ông Cung nhớ lại.

Hiện tại, các DN cũng đang trong sự hứng khởi lớn. Các DN kinh doanh, sản xuất thực phẩm đang háo hức với Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật An toàn thực phẩm – văn bản được coi là cuộc cách mạng trong tư duy về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, với nguyên tắc hậu kiểm thay vì tiền kiểm.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) thậm chí đã tính toán được Nghị định 15 đã giảm trên 90% chi phí hành chính, tiết kiệm 10 triệu ngày công và 3.700 tỷ đồng chi phí cho DN 1 năm.

Không chỉ riêng các DN trong ngành thực phẩm hưởng lợi, các DN đang tính lại bài toán chi phí khi hàng trăm điều kiện kinh doanh của ngành Công Thương đã được bãi bỏ. Các phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh của ngành giao thông – vận tải, xây dựng... đang được hoàn tất, trình Chính phủ, đúng theo yêu cầu cắt giảm 1/3-1/2 số lượng điều kiện kinh doanh trong ngành...

Những tác động tích cực đã hiện hiện. Trong quý I/2018, trên 26.785 DN đã có tên trong hệ thống đăng ký DN quốc gia, với tổng vốn đăng ký 278.489 tỷ đồng.

“Con số này tăng 1,2% về số DN và tăng 2,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một DN trong quý I/2018 đạt 10,4 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái”, bà Nguyễn Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết.

Như vậy, cộng với số vốn đăng ký tăng thêm của DN là 485.475 tỷ đồng, kinh tế quý này đã có thêm 763.964 tỷ đồng vốn đăng ký. So với cùng kỳ năm ngoái, tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế tăng 28%.

Quan trọng là cơ hội thị trường, chi phí giảm dần... sẽ là lực hút để dòng vốn tư nhân tiếp tục đổ vào.

“Nhìn tổng thể, kinh tế bên trong và bên ngoài là thuận lợi. Thuận lợi bên ngoài là khách quan nhưng thuận bên trong là nỗ lực của người dân, Chính phủ. Đây là lý do tôi tin rằng, xu hướng tăng trưởng GDP sẽ tiếp tục cùng hướng với nỗ lực cải cách của Chính phủ. Tất nhiên, tốc độ như thế nào phụ thuộc vào sự quyết tâm và cường độ của việc thực thi các kế hoạch cải cách”, ông Cung nói.

Có thể bạn quan tâm