Kinh tế Việt Nam 2019 - 2020: GDP có thể đạt 6,9%

"Dù thế giới dự báo xu hướng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trung bình đạt 6,5 - 6,6% trong năm 2019 - 2020, song nếu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút FDI, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, thực h
Kinh tế Việt Nam 2019 - 2020: GDP có thể đạt 6,9%

Đây là thông tin được Trưởng ban Phân tích và dự báo, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (NCIF) Đặng Đức Anh nhận định tại tọa đàm khoa học “Kinh tế Việt Nam 2016 - 2018 và dự báo tăng trưởng 2019 - 2020”. 

Chất lượng tăng trưởng chưa chuyển biến rõ

Nhìn lại sự phát triển kinh tế giai đoạn 2016 - 2018, Trưởng ban Phân tích và dự báo NCIF Đặng Đức Anh bình luận “có sự đột phá đa chiều”. Theo đó, khu vực công nghiệp khai khoáng có sự giảm sút do điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo hướng dựa ít hơn vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, chuyển sang công nghiệp cơ khí chế tạo.

Chuyển dịch cơ cấu diễn ra theo hướng tốt khi giảm dần tỷ lệ nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, chuyển sang dịch vụ (hiện đạt gần 42%). Chất lượng tăng trưởng chuyển dịch tích cực, có đóng góp của nhân tố năng suất tổng hợp được cải thiện.

Đáng chú ý, “ổn định kinh tế vĩ mô là điểm sáng khá rõ nét khi lạm phát duy trì ở mức ổn định. Trong 3 năm qua, mức lạm phát được kiềm chế dưới 4% là thành công của Chính phủ”, ông Anh nói. Bên cạnh đó, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư, đạt mục tiêu thâm hụt thương mại dưới 3% kim ngạch xuất khẩu. Đối với tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong việc kiểm soát; chính sách tiền tệ có thận trọng nhất định như đặt mức tăng trưởng tín dụng năm nay là 17% song thực tế có thể đạt mức 15%...

Mặc dù vậy, nền kinh tế cũng bộc lộ nhiều chỉ dấu cho thấy “chất lượng tăng trưởng chưa chuyển biến rõ nét”. Cụ thể, dù có chuyển dịch cơ cấu song “hầu như không có ngành công nghiệp xương sống nào”. Bên cạnh đó, vẫn phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo, tập trung vào một số mặt hàng chủ lực như điện tử, máy tính, điện thoại di động.

Điều này ẩn chứa nhiều rủi ro bởi trong tương lai, các sản phẩm này bão hòa và không tăng trưởng cao như trước. Mặt khác, dù việc điều hành tỷ giá khá thành công, song tâm lý thị trường vẫn khá bất ổn nên khi có cú sốc thị trường thì lập tức tỷ giá có biến động…

Mặt khác, dù cán cân thương mại thặng dư, song Việt Nam vẫn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Điều này có thể hưởng lợi trước mắt là doanh nghiệp mua nguyên liệu, máy móc giá rẻ song có xu hướng ít đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Như vậy, về dài hạn, tác động tiêu cực sẽ lớn vì doanh nghiệp dần mất đi tính cạnh tranh.

Một điểm đáng lo ngại nữa là “tỷ trọng chi thường xuyên đã giảm, nhưng do vay nợ khá nhiều, đặc biệt giai đoạn 2011 - 2015 nên tỷ trọng trả nợ có xu hướng tăng, chi tiêu đầu tư không có sự cải thiện, thậm chí giảm sút. Giai đoạn 2016 - 2018 hầu như chưa có công trình đầu tư quy mô lớn, tạo nền tảng cho giai đoạn tới”, đại diện NCIF bình luận.

Phát triển kinh tế tư nhân là trụ cột tăng trưởng

Thừa nhận những tồn tại trên sẽ tác động không nhỏ tới xu hướng tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2019 - 2020, cùng với dự báo của các tổ chức tài chính quốc tế rằng tốc độ tăng trưởng thế giới sẽ giảm xuống, song nhóm chuyên gia của NCIF cho rằng, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng.

Theo đó, mặc dù tình hình thế giới sẽ rất khó đoán định, đặc biệt là về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, song với việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ thúc đẩy tăng trưởng thương mại của Việt Nam. Bên cạnh đó, Chính phủ vẫn kiên trì với mục tiêu tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh cũng sẽ tạo đà cho tăng trưởng trong thời gian tới.

“Mặc dù thế giới dự báo xu hướng tăng trưởng của Việt Nam trung bình đạt 6,5 - 6,6% giai đoạn 2019 - 2020, song nếu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và thu hút FDI, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, thực hiện các FTA thì tốc độ tăng trưởng có thể đạt khoảng 6,9%”, ông Đặng Đức Anh nói.

Tuy vậy, để đạt được tốc độ tăng trưởng này, Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều rủi ro. Đó là tăng trưởng ngày càng phụ thuộc vào khu vực FDI; tăng trưởng tín dụng và cung tiền vẫn ở mức cao, kéo dài, tiềm ẩn rủi ro về nợ quốc gia và mất ổn định kinh tế vĩ mô; độ mở tài chính quốc gia cao hơn trình độ phát triển của nền kinh tế; tỷ lệ nợ công và nghĩa vụ trả nợ lớn. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, để bảo đảm tốc độ tăng trưởng, Việt Nam cần dựa vào 3 trụ cột: Phát triển khu vực tư nhân; cải cách thể chế và môi trường kinh doanh; khoa học công nghệ và nâng cao năng suất lao động.

Dẫn lại việc tham gia Tọa đàm Tạo đà cho doanh nghiệp tư nhân phát triển do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức mới đây, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ nêu ý kiến, nhiều giải pháp được các ĐBQH, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp phát biểu tại tọa đàm nếu được thể chế hóa sẽ là động lực để thúc đẩy khối tư nhân phát triển.

Trưởng ban Kinh tế Thế giới NCIF Trần Toàn Thắng bổ sung, hiện, khung khổ luật pháp cho hoạt động mua bán và sáp nhập (M & A) không nhiều. “Bây giờ đang nhóm các doanh nghiệp nhà nước từ các bộ chuyển về một chỗ (Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp - PV), vậy sau đó có bán ra không thì không rõ. Nếu doanh nghiệp nước ngoài hay doanh nghiệp tư nhân trong nước muốn mua lại thì khung khổ luật pháp thế nào?”, ông Thắng nêu vấn đề. Do đó, vị chuyên gia này cho rằng, thời gian tới, cần hoàn thiện khung khổ luật pháp cho M & A.

Theo Vũ Thủy/daibieunhandan.vn

>> WB: GDP Việt Nam tăng 6,8% cho năm 2018

Có thể bạn quan tâm