KSB đang chờ quyết định cấp giấy phép mới mỏ Tân Đông Hiệp

Ông Phan Tấn Đạt, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ KSB cho biết hiện công ty đang chờ giấy phép mới mỏ Tân Đông Hiệp, cổ đông lớn Lê Quốc Hưng (Hưng Gimiko) khẳng định đầu tư lâu dài.
KSB đang chờ quyết định cấp giấy phép mới mỏ Tân Đông Hiệp

Ngày 7/9, CTCP Đầu tư Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (mã chứng khoán KSB) đã tổ chức buổi gặp gỡ nhà đầu tư tại Sở GDCK TP.HCM.

"Theo BCTC soát xét bán niên năm 2017 đã công bố, doanh thu 6 tháng đầu năm của KSB đạt gần 517,5 tỷ đồng, tăng hơn 110 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016, trong đó riêng doanh thu quý 2 đạt 277 tỷ đồng, tăng 23,3% so với quý 2 năm ngoái.

Lợi nhuận sau thuế đạt 143,9 tỷ đồng, tăng trưởng 60% so với cùng kỳ, hoàn thành 60% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ đặt ra. Năm 2017, Khoáng sản Bình Dương đặt mục tiêu doanh thu 1.025 tỷ đồng, tăng 18% so với doanh thu đạt được năm 2016 và LNST ước đạt 240 tỷ đồng, tăng 7% so với lợi nhuận đạt được trước đó. Phấn đấu chia cổ tức tỷ lệ 25%.

Ông Phan Tấn Đạt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc KSB báo cáo tình hình hoạt động 8 tháng đầu năm và kế hoạch 4 tháng cuối năm 2017. 

Ông Phan Tấn Đạt cho biết hiện công ty đang khai thác vật liệu xây dựng ở 3 mỏ gồm Tân Mỹ, Phước Vĩnh, Tân Đông Hiệp trên địa tỉnh Bình Dương. Các sản phẩm gồm đá xây dựng, cát và cao lanh. Hiện KSB đang tiến hành khảo sát, tìm kiếm mua thêm những mỏ mới.

Rất đông các nhà đầu tư quan tâm đến sự kiện đặc biệt là những cổ đông lớn của KSB như ông Lê Quốc Hưng - Hưng Gimiko, hội trường không còn một chỗ trống, Ban tổ chức phải kê thêm ghế phụ
Rất đông các nhà đầu tư quan tâm đến sự kiện đặc biệt là những cổ đông lớn của KSB như ông Lê Quốc Hưng - Hưng Gimiko, hội trường không còn một chỗ trống, Ban tổ chức phải kê thêm ghế phụ

Cùng với đà phục hồi của thị trường Bất động sản, hoạt động xây dựng, đặc biệt là khu các tỉnh thành như Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai có bước tăng trưởng đột biến. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ đá xây dựng của các tỉnh Đông Nam Bộ là lớn nhất. Mà đây lại là thị trường tiêu thụ chính của các công ty như KSB, C32, NNC và DHA. Trong năm 2016 ước tính nhu cầu của thị trường này đạt 35 triệu m3, và dự báo có thể sẽ cần khoảng 45 triệu m3 vào năm 2020. Hiện tại, KSB đứng đầu về năng lực khai thác đá xây dựng trong nhóm 4 doanh nghiệp kể trên. Năm 2015 sản lượng khai thác đá là hơn 3,3 triệu m3, ước tính cho năm 2016 là 3,7 triệu m3.

Trữ lượng đá xây dựng của KSB sau khi xin cấp phép, gia hạn và xuống sâu.
Trữ lượng đá xây dựng của KSB sau khi xin cấp phép, gia hạn và xuống sâu.

Nói về kế hoạch 4 tháng cuối năm 2017, ông Phan Tấn Đạt nhận định: Diễn biến thất thường về thời tiết sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khai thác. Nhưng thuận lợi là nhu cầu thị trường tăng, không có sản phẩm tồn kho. 

"Năm 2017 sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch doanh thu, lợi nhuận do đại hội cổ đông giao”, ông Đạt khẳng định.

Dự kiến 4 tháng cuối năm, KSB sẽ đạt tổng doanh thu gần 400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 90 tỷ đồng.

Ngoài ra hiện nay công ty đang triển khai thêm dự án Khu dân cư Bình Đức Tiến và khu công nghiệp Đất Quốc. Doanh thu 8 tháng đầu năm của KSB đạt hơn 600 tỷ.

Về chiến lược phát triển từ năm 2017 – 2022 ông Đạt cho biết, phấn đấu đưa KSB trở thành công ty sản xuất vật liệu xây dựng, đặc biệt là đá xây dựng đứng đầu thị trường phía Nam, sở hữu chuỗi sản phẩm và dịch vụ chuyên nghiệp, uy tín. Bằng khát vọng tiên phong, chiến lược đầu tư và phát triển bền vững.

Với sứ mệnh luôn sáng tạo, mở rộng tài nguyên và quy mô hoạt động, áp dụng công nghệ tiên tiến, tối ưu sản xuất, tiêu chuẩn hóa các sản phẩm dịch vụ. Trở thành đối tác tin cậy của các nhà thầu xây dựng lớn, tham gia cung cấp các sản phẩm và dịch vụ vào các công trình trọng điểm của đất nước tại Đông Nam Bộ.

Về định hướng phát triển doanh nghiệp, ngoài việc đẩy mạnh và tăng hiệu quả khai thác đá xây dựng, từ thời điểm tháng 6/2017, KSB bắt đầu sản xuất sản phẩm cát nhân tạo và đá ly tâm. Ông Đạt cho biết: Năng lực sản xuất cát nhân tạo và đá lý tâm của KSB vào khoảng 10.000 tấn/tháng. Dự kiến sẽ tăng công suất cát nhân tạo và đá ly tâm lên 30.000 tấn/tháng.

“Cát nhân tạo này có thể thay thế được cát tự nhiên, không phải đá nào cũng có thể làm cát nhân tạo được. Hiện KSB đã cung cấp cát nhân tạo cho các công ty xây dựng trên địa bàn để đưa vào sử dụng”, ông Đạt nói.

Trong chiến lược phát triển, KSB cũng đang nghiên cứu phát triển các dự án khác sau khi hết thời hạn khai thác, đóng cửa mỏ. Theo ông Đạt, nhiều mô hình khai thác bất động sản du lịch sau khi đóng cửa các mỏ rất thành công. Chẳng hạn tại Malaysia có khu Sunway Lagoon, biển nhân tạo lớn nhất thế giới được phát triển từ khu mỏ có độ sâu -45m, diện tích 90ha. Các mỏ của KSB hoàn toàn có thể phát triển các dự án du lịch đạt hiệu quả.

Sau khi ông Phan Tấn Đạt trình bày xong báo cáo kinh doanh, các nhà đầu tư có thời gian nghiên cứu thông tin, tiếp theo là phần hỏi đáp giữa nhà đầu tư và đại diện lãnh đạo KSB.

Từ trái qua phải: Ông Hoàng Văn Lộc, Phó Tổng giám đốc KSB, ông Nguyễn Thế Minh, Phó Giám đốc khối phân tích và Khách hàng cá nhân Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) và ông Phan Tấn Đạt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc KSB sẵn sàng cho phần giao lưu với các nhà đầu tư.

Cổ đông đầu tiên đặt câu hỏi:

- Vừa rồi có thông tin DRH tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của KSB, vậy xin hỏi DRH có gắn bố lâu dài với KSB không?

Ông Phan Tấn Đạt: KSB là công ty con của Công ty Căn nhà Mơ ước (DRH). Tôi khẳng định đây là khoản đầu tư lâu dài và là quyết định chiến lược. Chính vì vậy DRH sẽ làm thế nào để KSB tăng trưởng tốt nhất và mang lại quyền lợi cao nhất cho cổ đông.

- Thời gian vừa qua DRH có đầu tư qua mảng bất động sản vậy việc làm này có tác động thế nào đến KSB?

Ông Phan Tấn Đạt: DRH đầu tư qua mảng bất động sản sẽ hỗ trợ cho KSB. Như những dự án của DRH sẽ ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu xây dựng do KSB đang sản xuất.

Vừa rồi có thông tin cổ đông lớn ông Lê Quốc Hưng, một trong những cổ đông lớn đầu tư vào cổ phiếu KSB có thay đổi tỷ lệ sở hữu? Vậy thông tin này như thế nào thưa ông?

Ông Phan Tấn Đạt: Sau sự việc này, tôi cũng trao đổi với anh Hưng và anh cũng nói rằng sẽ đầu tư lâu dài vào KSB.

Dự án khu dân cư Bình Đức Tiến có ghi nhận doanh thu trong năm 2017 không?

Ông Phan Tấn Đạt: Hiện đã có quyết định chuyển nhượng dự án của UBND tỉnh Bình Dương như vậy dự án này sẽ ghi nhận doanh thu trong năm 2017.

Vừa rồi nhà đầu tư cá nhân cũng như tổ chức rất quan tâm đến việc liệu mỏ Tân Đông Hiệp có được gia hạn hay không. Xin ông Đạt cho biết thông tin?

Ông Phan Tấn Đạt: Thực ra nói gia hạn là chưa chính xác mà phải nói là cấp mới. Việc cấp mới này phải tuân theo luật Khoáng sản và đúng quy trình, đúng pháp luật. Hiện tại, ban lãnh đạo công ty đã nỗ lực làm việc với các cơ quan ban ngành và thậm chí đàm phán với dân. Kết quả thu lại rất tốt, 94% hộ dân đã đồng ý phương án KSB khai thác tiếp. 

Trong thời gian tới KSB có mua thêm mỏ mới không?

Ông Phan Tấn Đạt: Hiện KSB đang trong giai đoạn tăng trưởng và một số mỏ chưa khai thác hết giấy phép được cấp. Tuy nhiên hiện nay KSB cũng đang tiến hành đàm phán để mua thêm mỏ, doanh nghiệp. Khi có thông sẽ tiến hành công bố ngay đến các cô đông.

Trong năm 2017 và 2018 sẽ có kết quả công bố đến cổ đông chưa?

Ông Phan Tấn Đạt: Việc này phụ thuộc vào đàm phán nhưng tôi có thể khẳng định chắc chắn là có. Mục tiêu của KSB là sở hữu càng nhiều mỏ càng tốt.

Sản lượng cát nhận tạo của KSB hiện nay là bao nhiêu?

Ông Hoàng Văn Lộc, phó tổng Giám đốc KSB: Hiện KSB có 2 mỏ làm được cát nhân tạo là Tân Đông Hiệp và Phước Vĩnh. KSB đang có dự án đầu tư vào cát nhân tạo và dự kiến trong năm 2018 sẽ cho sản lượng 50.000m3.

Xin hỏi ông ưu điểm của cát nhân tạo?

Ông Hoàng Văn Lộc, phó tổng Giám đốc KSB: Ưu thế của nó là chất lượng ổn định và chúng ta làm chủ được chất lượng theo tiêu chuẩn của Việt Nam.

Sau năm 2022, KSB còn có mỏ nào để khai thác không?

Ông Phan Tấn Đạt: Sau năm 2022 KSB còn nhiều mỏ khác. Hai mỏ Tam Lập và Phước Vĩnh sau năm 2022 vẫn còn thời hạn để khai thác. Bên cạnh đó KSB cũng đang chuẩn bị nhiều mỏ khác ở các tỉnh Đông Nam Bộ và các tỉnh xa hơn như Bình Thuận, Khánh Hòa...
Ngoài ra như các nhà đầu tư đã biết, hiện cát sông sắp hết. Theo tính toán của chúng tôi chỉ khoảng 3 năm nữa là hết. Vì vậy chúng tôi đã đầu tư vào cát nhân tạo và đây là chiến lược phát triển của KSB trong thời gian tới.

Trao đổi nhanh với các nhà đầu tư, cổ đông của KSB, tất cả các ý kiến đều tỏ ra lạc quan về triển vọng của KSB. Ông Lê Quốc Hưng, một trong những cổ đông lớn của KSB khẳng định với những thông tin trong buổi chia sẻ này, ông tin tưởng vào sự phát triển của DN và sẽ đưa KSB vào danh mục đầu tư lâu dài.  

Cuộc gặp kết thúc lúc 17h20.

Có thể bạn quan tâm