Lãi suất cho vay trồng mắc-ca có đắt?

Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) sẽ cho nông dân vay vốn trồng mắc-ca của với hạn mức tối đa lên đến 100% nhu cầu vay vốn, lãi suất 9%/năm.
Lãi suất cho vay trồng mắc-ca có đắt?

Nông dân băn khoăn vì sao lãi suất vay trồng mắc-ca của ngân hàng cao tới 9%/năm

Ngân hàng LienVietPostBank vừa tổ chức các buổi tư vấn tiếp cận vốn trồng mắc-ca cho các hộ dân khu vực Tây Nguyên. Hạn mức tối đa lên đến 100% nhu cầu vay vốn, thời gian cho vay lên đến 10 năm, ân hạn nợ gốc và lãi đến 60 tháng, miễn phí bảo hiểm tín dụng đối với các khách hàng thuộc Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam.

Mức lãi suất áp dụng trong chương trình trên là 9%/năm, cố định trong 12 tháng đầu của khoản vay.

Một số hộ dân cho rằng, mức lãi suất cho vay 9%/năm không phải là ưu đãi như chủ trương mà LienVietPostBank giới thiệu; nhiều khoản vay thuộc lĩnh vực nông nghiệp nông thôn hiện vẫn có thể vay dưới 9%/năm.

Trước băn khoăn này, đại diện LienVietPostBank giải thích, mức lãi suất trên là ưu đãi so với nhiều chính sách cho vay khác hiện hành.

Cụ thể, lãi suất cho vay trồng mắc-ca là áp cho các khoản vay dài hạn, trong khi mức lãi suất huy động trung dài hạn của LienVietPostBank cao nhất là 7,4%/năm. Nhưng, đại diện ngân hàng này cho biết, mức lãi suất cho vay 9%/năm của chương trình chỉ là lãi danh nghĩa, vì ngân hàng ân hạn gốc, lãi 5 năm nên lãi suất thực tế chỉ tương đương với lãi suất huy động.

Đại diện trên nêu ví dụ: khách hàng vay 100 triệu đồng trong 5 năm với lãi suất 9% của LienVietPostBank thì gốc lãi phải trả sau 5 năm là 145 triệu đồng. Còn nếu vay với lãi suất 7,5%/năm theo như cách tính thông thường tại các ngân hàng khác, lãi nhập gốc hàng tháng, thì sau 5 năm tổng gốc lãi khách hàng phải trả là 145,32 triệu đồng.

“Như vậy, về bản chất, nếu tình theo cách thông thường như tại các ngân hàng khác, lãi suất cho vay trồng mắc-ca của LienVietPostBank chỉ là 7,45%/năm”, đại diện LienVietPostBank trả lời băn khoăn từ hộ dân.

Bên cạnh lãi suất, có một thực tế đặt ra tại các buổi tư vấn là nhiều hộ dân hiện nay chưa hoặc không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để có thể vay vốn ở chương trình này.

Phía LienVietPostBank cho biết, ngân hàng đang tài trợ cho bà con vay với các hình thức có tài sản hoặc không có tài sản bảo đảm.

Trường hợp khách hàng có đất nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận, khách hàng nộp cho ngân hàng giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp do UBND cấp xã, phường, thị trấn xác nhận một bản duy nhất.

Trường hợp khách hàng vay vốn trồng cây mắc-ca trên đất nhận giao khoán, khách hàng chỉ cần được bên giao khoán xác nhận các thông tin về thửa đất, nhu cầu vay vốn, mục đích sử dụng vốn vay, nơi cư trú của khách hàng. Đồng thời khách hàng nộp cho ngân hàng bản chính hợp đồng giao khoán đất kèm theo các giấy tờ có liên quan.

Đại diện LienVietPostBank cũng cho biết, ngân hàng xác định khoản vay thông thường sau 5 năm khách hàng mới phải trả gốc và lãi, không tính lãi theo cơ chế gộp lãi vào gốc, để phù hợp với năng lực trả nợ khi một dự án mắc-ca trồng mới sẽ cho thu hoạch sau 4 năm, và đến năm thứ 5 dự kiến sẽ bắt đầu cho sản lượng cao.

Có thể bạn quan tâm