Làn sóng toàn cầu hóa tiếp theo: Tâm điểm châu Á (Phần II)

Trump đã tuyên bố chống lại toàn cầu hóa từ đầu đến cuối quá trình đương nhiệm, hứa bảo vệ ngành công nghiệp Mỹ khỏi sự cạnh tranh của Trung Quốc, đánh bại "ý thức hệ của chủ nghĩa toàn cầu". Nhưng rốt cuộc, ông ra đi trong cay đắng, không mấy ngạc nhiên.
Làn sóng toàn cầu hóa tiếp theo: Tâm điểm châu Á (Phần II)

Đưa Châu Á đi đúng hướng

Hội nhập thương mại khu vực đã và đang tăng cường trong hơn một thập kỷ. Tại Bắc Mỹ, ông Donald Trump đã ký thỏa thuận Mỹ - Mexico - Canada, khiến cho thương mại Mỹ - Canada và Mỹ - Mexico giữ mức tương ứng ở mức hơn 600 tỷ USD vào năm 2019, tương đương với thương mại Mỹ - Trung. Nhưng khi Mỹ và Trung Quốc tìm cách tách rời nhau, thương mại giữa các quốc gia Bắc Mỹ chắc chắn sẽ tăng hơn nữa với nguồn bổ sung được chuyển từ Trung Quốc sang.

Ở bên này bán cầu, thương mại Trung Quốc - ASEAN hiện đã vượt quá thương mại của Trung Quốc với cả EU và Hoa Kỳ, và đang giúp các nền kinh tế Đông Nam Á phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch theo cách gợi nhớ đến các chính sách "Thu hoạch sớm" sau cuộc khủng hoảng châu Á năm 1998. Về mặt này, "sự phụ thuộc vào Trung Quốc" mà nhiều nhà bình luận đã đưa ra để nói về dấu hiệu của sự phụ thuộc quá mức vào xuất khẩu sang Trung Quốc đang thể hiện rõ tính hai mặt: Các quốc gia vừa hưởng lợi khi xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc, nhưng cũng bất an khi quá lệ thuộc vào một khách hàng thỉnh thoảng lại “lên cơn khó ở”.

Ở châu Á, sự phân công lao động lâu đời giữa 5 nhà xuất khẩu chính của Đông Á - Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc - chiếm hơn 4 nghìn tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng năm, gần bằng EU và Bắc Mỹ cộng lại. Không phải một quốc gia riêng lẻ, mà chính những trung tâm sản xuất năng động này hợp lại, là lý do tại sao châu Á trở thành công xưởng của thế giới.

Với việc ký kết hiệp định thương mại RCEP, bao gồm hơn một phần ba dân số thế giới và tổng sản phẩm quốc nội, châu Á đang trên đường đạt được nhiều tầng kết nối toàn cầu - đặc biệt là các trung tâm sản xuất có mức lương thấp hơn của Đông Nam Á. Tự do hóa thương mại và đầu tư gia tăng là điều đã đưa các quốc gia như Việt Nam vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, với các công ty đa quốc gia từ Nhật Bản, Mỹ và Châu Âu đổ vốn vào. Không có gì ngạc nhiên khi nhiều người ở châu Á nói đùa rằng người chiến thắng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là Việt Nam.

Các lĩnh vực sản xuất và công nghệ của Ấn Độ cũng đang tăng trưởng khi chuỗi cung ứng đa dạng hóa đang chuyển khỏi Trung Quốc. Apple và Samsung Electronics đã dẫn đầu các công ty điện tử đầu tư vào các nhà máy ở Ấn Độ, và Công ty Reliance Jio của Ấn đã dễ dàng huy động được 20 tỷ USD vốn mới, bao gồm 10% cổ phần do Facebook nắm giữ. Tata Consultancy Services gần đây cũng đã vượt qua Accenture để trở thành công ty dịch vụ CNTT có giá trị nhất thế giới, đang tăng cường tuyển dụng để bồi đắp đế chế của mình.

Cần lưu ý rằng Ấn Độ không chính thức tham gia RCEP, nhưng chính sách "Hướng Đông" của nước này mong muốn cắt giảm thâm hụt thương mại của nước này với Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN. Nippon Steel của Nhật Bản và ArcelorMittal của Ấn Độ đang hướng tới hợp tác công nghiệp chặt chẽ hơn, trong bối cảnh giá thép sụt giảm hiện nay, nhưng cũng phải đối mặt với các đối thủ Trung Quốc một cách ghê gớm hơn.

Chính quyền Biden có thể mong muốn Hoa Kỳ tham gia lại Hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP (được đổi tên thành Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ cho Đối tác xuyên Thái Bình Dương – CPTPP) - mặc dù có những rào cản đáng kể, chẳng hạn như vấn đề bảo hộ, bảo vệ sở hữu trí tuệ... Điều này cho thây, các tập đoàn Mỹ sẽ tiếp tục chuyển hướng sang châu Á để cạnh tranh với các tập đoàn tư nhân mới nổi tại Trung Quốc, châu Âu. Đầu tư của Hoa Kỳ vào ASEAN đã lớn hơn so với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ cộng lại - và khoảng cách sẽ mở rộng ngay cả khi Mỹ không bao giờ gia nhập lại CPTPP. Một số người gọi đây là chiến lược "Trung Quốc cộng một", nghĩa là thêm một quốc gia khác ngoài Trung Quốc vào khu vực sản xuất ở châu Á. Một phương châm đơn giản hơn mà các công ty đa quốc gia nên áp dụng là: "Bán đâu – Làm đó".

Từ hàng tỷ đến nghìn tỷ

Nhưng hãy nhớ rằng trong khi thương mại nói chung được tính bằng tỷ USD, thì trong tài chính nó sẽ là hàng nghìn tỷ USD. Và giữa Tây và Đông, các dòng chảy đang chiếm ưu thế hơn so với các lực cản. Nếu thương mại ngày càng trở thành chiến trường giữa các nền kinh tế hàng đầu thế giới, thì lĩnh vực tài chính lại không thể hiện sự đổ vỡ của các mối quan hệ ngoại giao.

Điều này đặc biệt đúng ở Trung Quốc. Ngay cả trước khi có thỏa thuận Giai đoạn Một giữa Mỹ và Trung Quốc từ một năm trước, các ngân hàng phương Tây đã tăng cường kiểm soát các hoạt động môi giới và bảo hiểm tại Trung Quốc của họ. Cùng với thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc, Trung Quốc tiếp tục đưa ra các ưu đãi để thu hút vốn nước ngoài vào lĩnh vực tài chính của mình. Tiếp theo, việc Trung Quốc tự do hóa tài khoản vốn để cho phép tự do hơn trong dòng tài chính vào và ra sẽ thu hút hàng nghìn tỷ USD vào thị trường trái phiếu và cổ phiếu của nước này. Trái phiếu Nhân dân tệ kỳ hạn 10 năm cung cấp lợi suất cao hơn 250 điểm cơ bản so với trái phiếu của Kho bạc Hoa Kỳ.

Mặc dù các nhà đầu tư nước ngoài chỉ nắm giữ 2,4% thị trường trái phiếu trị giá 14 nghìn tỷ USD của Trung Quốc và hơn 3% thị trường chứng khoán trị giá 12 nghìn tỷ USD của nước này, một số yếu tố đã thúc đẩy dòng vốn từ nước ngoài vào thị trường trái phiếu Trung Quốc trong 12 tháng qua. “Chúng bao gồm các chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ của Trung Quốc, mức định giá hấp dẫn của trái phiếu Trung Quốc và nhu cầu mạnh mẽ của các nhà đầu tư toàn cầu muốn đa dạng hóa”, theo Ming Leap của HSBC Global Asset Management.

Giai đoạn cuối của quá trình toàn cầu hóa được đặc trưng bởi việc tiết kiệm của người châu Á đang "tăng lên", chuyển sang các tài sản có năng suất thấp hơn nhưng an toàn hơn ở phương Tây. Giờ đây, vốn sẽ chảy theo hướng nên làm: Hướng tới châu Á năng động và tăng trưởng cao.

Nhưng sau khi dòng vốn danh mục đầu tư đáng kể được chứng kiến ​​trong đại dịch, châu Á mới nổi sẽ cần phải thực hiện một làn sóng tư nhân hóa mới để phù hợp với cơ hội của Trung Quốc. Từ Pakistan và Ấn Độ qua Indonesia, Việt Nam và Philippines, các tập đoàn quốc doanh trong lĩnh vực năng lượng, vận tải, hàng không, xây dựng, nông nghiệp, khách sạn và các lĩnh vực khác nên tham gia nhiều hơn vào các liên doanh với đối tác nước ngoài để huy động vốn và tăng cường vị thế của mình.

Điều này cũng sẽ khắc phục một trong những điểm yếu của khu vực châu Á trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài: Các thị trường chứng khoán của khu vực đã tăng trưởng tốt hơn trong năm 2020, nhưng sẽ có vốn hóa thị trường cao hơn nhiều nếu có nhiều vốn chủ sở hữu hơn cho cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Còn tiếp

Có thể bạn quan tâm