Liệu hiệp định TPP có được QH Mỹ phê chuẩn?

Mới đây chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan, đảng Cộng hòa, là Chủ tịch Hạ viện, nhân vật đứng đầu ngành lập pháp Mỹ, nói rằng sẽ không có cuộc bỏ phiếu nào ở Hạ viện trong kỳ họp “vịt què” (lame duck – chỉ
Liệu hiệp định TPP có được QH Mỹ phê chuẩn?

Mới đây chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan, đảng Cộng hòa, là Chủ tịch Hạ viện, nhân vật đứng đầu ngành lập pháp Mỹ, nói rằng sẽ không có cuộc bỏ phiếu nào ở Hạ viện trong kỳ họp “vịt què” (lame duck – chỉ khoảng thời gian sau cuộc tổng tuyển cử đầu tháng 11-2016 đến khi tổng thống mới tuyên thệ nhậm chức vào cuối tháng 1-2017) để phê chuẩn các hiệp định thương mại, điều này khiến cho việc Quốc hội Mỹ phê chuẩn hiệp định TPP trở nên hết sức mong manh.

Khi chính phủ của Tổng thống Obama cam kết sẽ tạo bước đột phá trong những thái tới để thuyết phục Quốc hội Mỹ bỏ phiếu phê chuẩn. Hiện nay, cả hai ứng cử viên tổng thống đại diện cho hai đảng Dân chủ và Cộng hòa – bà Hillary Clinton và ông Donald Trump – đều phản đối hiệp định thương mại tự do giữa 12 nền kinh tế ven bờ Thái Bình Dương (Trans Pacific Partnership - TPP). Tại nhà trắng tuần qua trong cuộc hội kiến giữa tổng thống Obama và Thủ tướng Lý Hiển Long, ông Obama đã một lần nữa trấn an Thủ tướng Singapore rằng Quốc hội Mỹ sẽ phê chuẩn hiệp định TPP trước khi ông Obama rời ghế tổng thống vào tháng 1/2017. Theo tờ The Washington Post. Trong cuộc hội kiến với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đầu tuần này tại Nhà Trắng, ông Obama đã một lần nữa trấn an ông Lý rằng Quốc hội Mỹ sẽ phê chuẩn hiệp định TPP trước khi ông Obama rời ghế tổng thống Mỹ vào tháng 1-2017. Obama viết trong bài trả lời phỏng vấn nhật báo The Straits Times (Singapore) nhân chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Lý: “Tôi biết cuộc đấu tranh chính trị chung quanh hiệp định tự do thương mại là hết sức khó khăn, nhất là trong một năm bầu cử… song chúng ta không thể quay lại hướng nội và đi theo chủ nghĩa bảo hộ. Chúng ta không thể quay lưng với thương mại. Trong kinh tế toàn cầu, nơi mà nền kinh tế và dây chuyền cung ứng của chúng ta đã hòa quyện sâu sắc với nhau thì điều đó là không thể”. Như vậy, Ông Obama cũng dùng chuyến viếng thăm cấp nhà nước của ông Lý Hiển Long để vận động công khai lần cuối cùng cho hiệp định quan trọng này. Nhà Trắng coi kỳ họp “vịt què” của Quốc hội Mỹ sau cuộc tổng tuyển cử ngày 8-11 là cơ hội cuối cùng để hiệp định TPP được đưa ra biểu quyết; tuy nhiên cả ông Paul Ryan, lãnh đạo Hạ viện lẫn nghị sĩ Mitch McConnell – đảng Cộng hòa, bang Kentucky, lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện – đều cho rằng cơ hội đó rất mong manh. Được sự hậu thuẫn của các tổ chức thương mại và công nghiệp, các quan chức Bộ Thương mại và Đại diện Thương mại Mỹ, cũng như quan chức Nhà Trắng đều nói rằng họ đang làm việc chặt chẽ với từng nghị sĩ, dân biểu quốc hội để thuyết minh về lợi ích của hiệp định, nhất là tác động của TPP đối với vai trò lãnh đạo của Mỹ tại châu Á. Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore cho rằng, thất bại của TPP sẽ là “tin cực xấu” cho nước Mỹ, vì uy tín và vị thế lãnh đạo của Mỹ tại châu Á sẽ gặp rủi ro trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. “Giờ đây, nếu người Mỹ nói, chúng tôi không còn tin vào những hiệp định thương mại như vậy nữa thì mọi người trong khu vực sẽ phải tính toán lại”, ông Lý nói với báo The Washington Post. Trong nội bộ đảng Dân chủ, vấn đề TPP gây tranh cãi sâu sắc. Các ứng viên Bernie Sanders và Elizabeth Warren ngay từ đầu đã phản đối mạnh mẽ với lập luận rằng TPP dành quá nhiều ưu đãi cho các tập đoàn đa quốc gia và đe dọa quyền lợi của người lao động Mỹ. Ứng cử viên Hillary Clinton trước đây ra sức ủng hộ TPP: tháng 11-2012, phát biểu tại Singapore với tư cách Ngoại trưởng Mỹ, bà Clinton cho rằng TPP sẽ giúp nâng cao tiêu chuẩn lao động và tạo ra nhiều công việc làm có lương bổng cao hơn; đồng thời giúp ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc. Nhưng nay thì bà “xoay 180 độ” để thu hút lá phiếu của những người ủng hộ ông Sanders và bà Warren, phản đối TPP quyết liệt tại Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ (DNC) trong tuần trước, làm cho cả những nhà phân tích chính trị lão luyện cũng phải ngạc nhiên. Ngay cả ông Tim Kaine – Thượng nghị sĩ bang Virginia, được bà Clinton chọn làm ứng viên phó tổng thống trong liên danh đảng Dân chủ – cũng bộc lộ sự “xoay chiều 180 độ”: hồi tháng 8-2015, ông Kaine là 1 trong 13 nghị sĩ Dân chủ đứng cùng phe Cộng hòa bỏ phiếu chấp nhận trao quyền đàm phán nhanh” (fast track) hiệp định TPP cho Tổng thống Obama, nay thì ông ra sức chống lại hiệp định. Các quan chức Nhà Trắng nói rằng, những phát biểu hùng hồn chống TPP tại DNC tuần trước chỉ là tiếng nói của thiểu số, không phản ánh lập trường của đảng Dân chủ. Họ dẫn chứng kết quả một cuộc thăm dò dư luận do đài NBC News và báo The Wall Street Journal tổ chức đầu tháng 7 vừa qua cho thấy 60% đảng viên Dân chủ và 51% đảng viên Cộng hòa ủng hộ thương mại tự do và cho rằng mở cửa thị trường nước ngoài là điều tốt cho kinh tế Mỹ. Đảng Cộng hòa có truyền thống ủng hộ tự do thương mại, nhưng với hiệp định TPP mà 12 nước đã kết thúc đàm phán vào tháng 10 năm ngoái, thì quan điểm của đảng này cũng bị phân hóa. Ứng cử viên tổng thống Donald Trump ngay từ đầu đã phản đối TPP dù không đưa ra được lập luận vững chắc nào. Thống đốc bang Indiana Mike Pence, trước khi được ông Trump chọn làm ứng viên phó tổng thống thì lên tiếng ủng hộ TPP rất mạnh mẽ, nhưng sau khi được chọn thì lập tức đổi giọng. Các chính trị gia hàng đầu của đảng này thì phân vân, một mặt họ ủng hộ TPP như một chiến lược tăng cường vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới và tháo gỡ các rào cản đang kìm hãm các tập đoàn kinh tế Mỹ nhưng mặt khác họ không thỏa mãn với những điều khoản của hiệp định. Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan thậm chí còn nói rằng chính quyền Obama đã “bóp méo” một số điều khoản để làm vừa lòng đảng Dân chủ, do đó làm mất sự ủng hộ của các nghị sĩ Cộng hòa như ông. Điều khoản bị “bóp méo”, theo ông Ryan, chẳng hạn như TPP quy định giảm thời gian bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với dược phẩm mới từ 12 năm hiện hành ở Mỹ xuống còn 8 năm. Vì những lẽ đó, đảng Cộng hòa sẽ đòi chính phủ Mỹ đàm phán lại một số nội dung của hiệp định – đồng nghĩa với việc hiệp định TPP sẽ chưa được Quốc hội Mỹ phê chuẩn trong thời gian tới. Những nội dung đó, theo ông Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bao gồm các điều khoản liên quan tới nông nghiệp và nông sản, quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực dược phẩm v.v… “Họ [chính phủ Mỹ] phải sửa chữa hiệp định này, và đàm phán lại một số điều khoản nếu họ vẫn hy vọng có cơ hội thông qua nó”, ông Ryan nói và thêm rằng, ông không tin điều đó có thể xảy ra. “Tôi không thấy họ có cách nào để hiệp định được Quốc hội thông qua”. Chia sẻ trênThe Wall Street Journal một doanh nhân Mỹ chua chát nhận xét  “Đã nhìn thấy những chiếc đinh đóng vào cỗ quan tài [TPP]”. Và theo báo này, nếu TPP chưa được phê chuẩn vào những ngày cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Obama thì điều đó cũng chỉ là sự nối tiếp những “tiền lệ” có trong quá khứ. Tổng thống George W. Bush rời Nhà Trắng tháng 1-2009 mà chưa thông qua được các hiệp định thương mại tự do với Columbia, Panama và Hàn Quốc – công việc mà người kế nhiệm là ông Obama phải hoàn thành vào năm 2011. Các quốc gia châu Á đón nhận “tin xấu” về TPP tại Mỹ với sự bi quan, tức giận lẫn hy vọng. Tại một hội nghị về kinh tế châu Á hôm thứ Năm 4-8, ông Tommy Koh, Đại sứ lưu động về đối ngoại của Singapore, nói rằng số phận của hiệp định TPP cho thấy bầu không khí chính trị ở Mỹ “rất độc hại”, và dường như có “nội chiến” giữa hai đảng chính trị mà đảng nào cũng đặt quyền lợi của đảng mình lên trên lợi ích quốc gia. Còn cựu Bộ trưởng Thương mại Indonesia, bà Mari Pangestu, vẫn hy vọng TPP sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua sớm, sau khi hoàn thành điều chỉnh một số nội dung. Bà cũng cho biết thêm, cho dù TPP có không “lọt qua” được cửa Quốc hội Mỹ, hiệp định cũng đã có tác động tích cực tới khu vực châu Á: nhiều nước đã đẩy mạnh cải cách môi trường pháp lý và kinh doanh, chống tham nhũng, tăng cường minh bạch và đề ra nhiều giải pháp bảo hộ quyền lợi người lao động. Và theo bà Pangestu, sự phản đối TPP ở Mỹ hầu như không làm thay đổi được quan điểm của châu Á về hiệp định này.

Nhất Dương

Có thể bạn quan tâm