Lo chiến tranh thương mại, chứng khoán châu Á đồng loạt giảm điểm

Tính từ đầu năm 2018, Shanghai Composite giảm tổng cộng 13,9%, hướng đến năm tồi tệ nhất kể từ 2011 khi chỉ số này giảm hơn 20%.
Lo chiến tranh thương mại, chứng khoán châu Á đồng loạt giảm điểm

Kết thúc tuần trước, chứng khoán châu Á đã khép lại quý tồi tệ nhất kể từ 2015. Tuy nhiên trong phiên đầu tuần hôm nay (2/7), sắc đỏ lại bao trùm khu vực khi mà nhà đầu tư phải đối phó với nỗi lo thuế quan mà Mỹ đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có thể làm hoạt động xuất khẩu trên toàn châu Á suy giảm.

Các thị trường từ Trung Quốc, Nhật Bản đến Hàn Quốc đều giảm điểm. Shanghai Composite giảm 1,13%. Đồng nhân dân tệ tiếp tục suy yếu, nối dài đà giảm giá mạnh nhất kể từ khi Trung Quốc phá giá đồng nội tệ và gây sốc cho thế giới hồi tháng 8/2015.

Ở Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,95% với các cổ phiếu bán lẻ và thực phẩm giảm mạnh nhất. Trong đó cổ phiếu của tập đoàn Fast Retailing giảm 1,37%.

Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm 1,5%, hướng tới mức thấp nhất trong hơn 1 năm trở lại đây. Cổ phiếu Samsung mất 1,18% và các nhóm công nghệ và công nghiệp cũng là lực đẩy lớn nhất kéo chỉ số Kospi đi xuống. Cổ phiếu của tập đoàn thép Posco giảm 4,1%.

Tính từ đầu năm đến nay, hầu hết các thị trường châu Á đều giảm điểm khá mạnh. Tính đến cuối tuần trước, Shanghai Composite giảm tổng cộng 13,9%, hướng đến năm tồi tệ nhất kể từ 2011 khi chỉ số này giảm hơn 20%. Các thị trường khác sáng sủa hơn nhưng vẫn đang tăng trưởng âm: Nikkei 225 giảm 2,02% và Kospi giảm 5,73%.

Cuối tuần này, ngày 6/7, thuế quan mà Mỹ đánh vào 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ bắt đầu có hiệu lực. Trung Quốc chắc chắn sẽ đáp trả bằng cách đánh thuế với 1 lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ có giá trị tương đương.

Trong mấy tuần gần đây tâm trạng của nhà đầu tư luôn bị đè nặng bởi chính sách thương mại khó đoán trước (mà đặc biệt là những chính sách liên quan đến đầu tư nước ngoài vào ngành công nghệ của Mỹ) cùng với nỗi lo hành động trả đũa sẽ ngày mạnh mẽ hơn, dẫn đến kết cục là những ảnh hưởng tiêu cực đến đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

Có thể bạn quan tâm