“Lỡ duyên” với Vietinbank, PGBank vào tầm ngắm sáp nhập của Ngân hàng Quân đội

Tại ĐHCĐ thường niên sáng nay 29/3, Tổng giám đốc MB Lưu Trung Thái tiết lộ, ngân hàng đang nghiên cứu việc sáp nhập với một số tổ chức tín dụng, trong đó có PGBank- nhà băng gây ồn ào với chuyện sáp
“Lỡ duyên” với Vietinbank, PGBank vào tầm ngắm sáp nhập của Ngân hàng Quân đội

Lãnh đạo Ngân hàng MB cho biết đang nghiên cứu "kết duyên" với PGBank 

Thị trường tài chính vẫn đang quan tâm tới thông tin Ngân hàng TMCP Quân Đội (Mã: MBB) có thể sáp nhập một ngân hàng quy mô nhỏ. Tại kỳ họp ĐHCĐ năm nay, HĐQT ngân hàng  MB đã có tờ trình cổ đông thông qua việc ủy quyền cho HĐQT tìm kiếm, triển khai các cơ hội sáp nhập/hợp nhất nếu có phù hợp với chiến lược của ngân hàng và chủ trương Nhà nước về tái cơ cấu.

Chia sẻ với cổ đông, ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MBB xác nhận ngân hàng đang trong quá trình nghiên cứu một số tổ chức tín dụng để tính tới việc sáp nhập. Đối tượng nhắm tới có PGBank - nhà băng đang có sở hữu lớn của Petrolimex.

Hai bên đang có trao đổi sâu thêm về việc sáp nhập. “Tuy nhiên, chưa có một thỏa thuận cuối cùng nào được công bố, nên ban lãnh đạo xin phép tiếp tục đánh giá và sẽ tiến hành các thủ tục nếu có các thỏa thuận chính thức”, ông Thái cho hay.

Trước đó, PGBank cũng là đối tượng nhắm tới sáp nhập của Vietinbank thu hút sự quan tâm của giới đầu tư từ năm 2014 đến nay. Trong các kỳ ĐHCĐ của Vietinbank 2 năm qua, cổ đông liên tục chất vấn về tiến độ sáp nhập PGBank sau khi được ĐHCĐ thông qua với tỷ lệ hoán đổi là 0,9:1.

Tuy nhiên, ĐHĐCĐ thường niên 2017 vào giữa tháng 04/2017, lãnh đạo VietinBank cho biết việc sáp nhập với PGBank vẫn chưa hoàn thành do NHNN chưa phê duyệt chấp thuận nguyên tắc. NHNN đã yêu cầu VietinBank tiếp tục rà soát kết quả định giá cổ phiếu PGBank và đàm phán lại tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu. Từ đó đến nay chuyện “kết duyên” của cặp đôi VietinBank và PGBank vẫn chưa có thông tin tiến triển rõ ràng.

Báo cáo về kết quả kinh doanh, Ban điều hành MB cho biết ngân hàng đã hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu ĐHCĐ giao. Cụ thể, tổng tài sản tăng 22% đạt gần 313.900 tỷ đồng. Dư nợ cho vay tăng 22%, vượt 3% so với kế hoạch và tỷ lệ nợ xấu giảm về 1,2%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 4.616 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra.

Chỉ số an toàn vốn CAR đạt 12%, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn là 41,11% đều đảm bảo mức quy định của Ngân hàng Nhà nước…

Năm 2018, MB đặt mục tiêu kinh doanh tăng trưởng cao hơn, trong đó, tổng tài sản đến cuối năm 2018 đạt 347.600 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2017. Trong đó, huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế tăng tương ứng 11% đạt 245.400 tỷ đồng và dư nợ cho vay tăng 15% (theo quy định của NHNN) đạt 212.500 tỷ đồng và duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5% tổng dư nợ.

Ngân hàng phấn đấu lợi nhuận năm 2018 sẽ tăng mạnh 47% đạt mốc 6.800 tỷ đồng lãi trước thuế. Dự kiến chia cổ tức không thấp hơn 11% vốn cổ phần.

Ông Lưu Trung Thái cho biết, trong quý I/2018 doanh thu của MBB đã đạt khoảng 3.500-3.600 tỷ đồng và lợi nhuận dự kiến tối thiểu 1.600 tỷ đồng, tăng trưởng 35% so với cùng kỳ năm trước.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển, HĐQT cũng trình ĐHCĐ thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ hơn 18.000 tỷ đồng hiện nay lên 21.605 tỷ đồng. Thời gian thực hiện sớm nhất trong quý II/2018.

Phương án tăng vốn là chia cổ tức năm 2017 (đợt 2) bằng cổ phiếu tỷ lệ 5%, tương đương hơn 90,7 triệu cổ phiếu và tăng vốn từ các nguồn vốn chủ sở hữu chiếm 14% trong tổng số vốn tăng, tương đương 254 triệu cổ phiếu phát hành thêm.

Nguồn tăng vốn sẽ lấy từ lợi nhuận sau thuế còn lại của ngân hàng trong năm 2017 sau khi đã chia cổ tức, trích lập các quỹ; các nguồn vốn chủ sở hữu. Số cổ phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu không bị hạn chế chuyển nhượng.

MB cho biết kế hoạch phân bổ số 3.449 tỷ đồng vốn tăng thêm như sau: 1.319 tỷ được sử dụng để đầu tư năng lực bao gồm xây dựng trụ sở, văn phòng chi nhánh, đầu tư công nghệ và trang thiết bị khác, bổ sung 2.130 tỷ đồng cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Trên sàn chứng khoán, trong 1 năm qua giá cổ phiếu MBB đã tăng rất mạnh, từ mức 13.000 đồng/CP đầu tháng 3/2017, lên giao dịch ở mức 35.500 đồng/CP.

Liên quan tới hoạt động của Công ty bảo hiểm MBLife vừa thành lập, ông Lê Hữu Đức, Chủ tịch HĐQT cho biết công ty mới chỉ đi vào hoạt động từ tháng 3/2017. Do đặc thù của bảo hiểm nhân thọ những năm đầu là giai đoạn tích lũy nên thu nhập chưa lớn hơn chi phí. Năm 2017, MBLife ghi nhận tổng doanh thu 300 tỷ đồng, chủ yếu là nguồn doanh thu phí bảo hiểm, lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro là 5 tỷ đồng. Năm 2018, Mblife phấn đấu đạt doanh thu khoảng 1.100-1.200 tỷ đồng, lãi trước trích lập dự phòng hơn 200 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ĐHCĐ năm nay cũng thông qua việc thành lập ngân hàng MB có 100% vốn hoặc liên doanh, cổ phần ở nước ngoài tại Lào và Campuchia trên cơ sở chuyển đổi hình thức pháp lý hai Chi nhánh MB tại Lào, Campuchia.

Đại hội cũng tiến hành biểu quyết miễn nhiệm chức danh thành viên Ban Kiểm soát nhiệm ký 2014-2019 đối với bà Nguyễn Thanh Bình và tiến hành bầu bổ sung một thành viên vào Ban kiểm soát.

>> Lợi nhuận tăng đột biến 35,6%, giá cổ phiếu MBB tăng 81%

Có thể bạn quan tâm