Lo ngại bị sóng penny "vùi dập"

Với mức tăng hàng chục tới hàng trăm phần trăm chỉ trong vài phiên giao dịch nhóm cổ phiếu penny đang “làm mưa làm gió” trên thị trường chứng khoán trong thời gian qua. Tuy nhiên, trước lực tăng quá l
Lo ngại bị sóng penny "vùi dập"

Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/3, cổ phiếu VCR của CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC) ghi nhận phiên tăng trần thứ 7 liên tiếp lên 8.900 đồng/cp từ mức 4.800 đồng/cp, tương đương 85,4% .

Khối lượng giao dịch cũng bất ngờ tăng đột biến trong những phiên tăng trần vừa qua, trung bình đạt gần 101.638 đơn vị/phiên, đặc biệt phiên giao dịch ngày 13/3 thanh khoản đạt gần 369.000 cổ phiếu, cao nhất một năm qua.

Đáng chú ý, đà tăng của VCR diễn ra trong bối cảnh kết quả kinhdoanh của công ty liên tục thua lỗ trong 2 năm gần đây.

Năm 2017, công ty chỉ ghi nhận 2,75 tỷ đồng doanh thu thuần và lỗ ròng hơn 15,8 tỷ đồng. Kết quả cải thiện trong 2018 nhưng công ty vẫn lỗ với hơn 11 tỷ đồng. Giai đoạn 2014-2016, công ty duy trì mức lãi chỉ 2-7,5 tỷ đồng.

Nguyên nhân dẫn đến sự sa sút này do từ năm 2017 UBND TP Hải Phòng đã yêu cầu tạm dừng các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Khu đô thị du lịch Cái Giá - dự án duy nhất mà công ty sở hữu và triển khai.

Điều này dẫn đến sự đình trệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trong khi công ty vẫn tiếp tục phải trả lãi vay cho các khoản nợ tài với nhà thầu, ngân hàng và các khoản chi phí để duy trì bộ máy hoạt động.

Cũng tính tới phiên giao dịch ngày 15/3, cổ phiếu KSQ của CTCP CNC Capital Việt Nam ghi nhận 11 phiên tăng trần liên tiếp từ đầu tháng 3, tương đương mức tăng đạt 116,7% từ mức giá 1.200 đồng/cp lên 2.600 đồng/cp.

Thanh khoản cũng tăng đột biến xuất hiện những phiên giao dịch có thanh khoản lên tới hàng trăm nghìn đơn vị như phiên giao dịch ngày 5/3 với 106.200 đơn vị, phiên 7/3 đạt 291.650 đơn vị, đáng chú ý nhất là phiên 8/3 với 390.800 đơn vị - đây là mức thanh khoản lớn nhất của KSQ trong vòng 1 năm qua.

Chỉ trong 3 phiên giao dịch cuối tuần qua (13-15/3), cổ phiếu JVC ghi nhận mức tăng 18,2% từ mức giá 3.080đồng/cp lên 3.640 đồng/cp, trong đó có 2 phiên tăng trần cũng trong 2 phiên này thanh khoản của JVC cũng tăng đột biến lên trung bình 2,1 triệu đơn vị/phiên.

Ngoài ra, còn rất nhiều cổ phiếu penny khác cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng trong thời gian qua là PXL của CTCP Đầu tư Xây dựng Thương mại Dầu khí – IDICO (103%), OGC của Ocean Group (33%), cổ phiếu VPH của CTCP Vạn Phát Hưng từ đầu tháng 3 cũng tăng từ 5.000 đồng/cp lên 6.200 đồng/cp cùng với thanh khoản tăng hàng chục lần,…

Cổ phiếu TTF của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành cũng gây ấn tượng khi tăng 20,9% chỉ sau 1 tuần giao dịch (11-15/3). Hiện tại trên thị trường cũng không có thông tin gì đủ giúp TTF bứt phá mạnh như vậy, có lẽ cổ phiếu này tăng một phần nhờ xu hướng chung của nhóm cổ phiếu penny.

Trên thực tế, cổ phiếu thị giá thấp hấp dẫn nhiều nhà đầu tư ưa mạo hiểm, lướt sóng, bởi lượng vốn ít vẫn có thể mua được số lượng lớn. Bên cạnh đó, thay đổi giá nhỏ, nhưng tỷ lệ biến động lớn, nhà đầu tư có thể kiếm lời hàng chục phần trăm trong thời gian ngắn, điều mà những mã vốn hóa lớn thường phải mất một vài năm mới đạt được.

Nhưng cũng có những cổ phiếu sau giai đoạn tăng mạnh đã quay đầu giảm kịch sàn khiến nhà đầu tư “cháy túi”.

Có thể kể đến như cổ phiếu PVX của Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) sau giai đoạn tăng một mạch 80% lên 1.800 đồng/cp chỉ trong 9 phiên giao dịch đã giảm sàn 4 phiên đưa thị giá về 1.400 đồng/cp , tương đương giảm gần 30% cũng chỉ trong thời gian ngắn.

Hay cổ phiếu GDW của CTCP Cấp nước Gia Định là cái tên đứng đầu danh sách giảm giá trên sàn với 26,62% trong tuần giao dịch vừa qua (11-15/3). Trước đó, GDW đã có chuỗi tăng trần 6 phiên liên tiếp (từ 28/2- 7/3).

Trước tình trạng “dậy sóng” của các mã penny nhiều chuyên gia đã đưa ra cảnh báo dù mang lại mức sinh lợi lớn nhưng đây cũng là nhóm cổ phiếu thường có rủi ro lớn nhất thị trường. Lý giải cho những rủi ro này là bởi đây thường là cổ phiếu của các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh không mấy khả quan cũng như chiến lược phát triển chưa vững vàng.

Thật vậy, do kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không tốt, thì các mã cổ phiếu này mới bị các nhà đầu tư đánh giá thấp khiến giá giảm sâu và thanh khoản kém từ đó lọt nhóm penny.

Thậm chí có chuyên gia còn cho rằng, xu hướng tăng của nhóm cổ phiếu nhỏ này chỉ trong ngắn hạn và không loại trừ khả năng việc các cổ phiếu thị trường  này tăng mạnh chỉ là yếu tố tạo lập của các nhà đầu tư lớn hay nói cách khác là có bàn tay của “đội lái”.

Tuy nhiên, những năm vừa qua cũng đã có không ít doanh nghiệp “rũ bùn đứng dậy” từ khó khăn, đem lại lợi nhuận cao cho những nhà đầu tư mạo hiểm, nhạy bén với sự biến chuyển của doanh nghiệp nhưng ngay cả với những doanh nghiệp như vậy nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng để nhận ra câu chuyện nào chỉ là “bánh vẽ” rồi mới đi đến quyết định giải ngân.

 >>> Nhiều cổ phiếu penny bứt tốc, VN-Index vượt ngưỡng 1.054 điểm

Có thể bạn quan tâm