Loay hoay gánh nặng nợ thuế 15 nghìn tỷ đồng

Theo số liệu từ Tổng cục thuế, số nợ thuế không có khả năng thu ước đến nay đã tăng lên tới 14.970 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20,2% tổng số tiền thuế nợ. Số nợ cứ tiếp tục “phình” thêm vài trăm tỷ đồng m
Loay hoay gánh nặng nợ thuế 15 nghìn tỷ đồng

Trước thực trạng nợ thuế quá khó thu hồi, Bộ Tài chính đề xuất xoá, khoanh nợ thuế

Trong nhiều năm qua, lãnh đạo Tổng cục thuế và các cục thuế địa phương rất đau đầu, khó khăn trong việc đôn đốc, thu hồi nợ thuế. Nhất là các khoản nợ đọng thuế lớn, dây dưa nhiều năm từ khu vực doanh nghiệp.

Nợ thuế ngày càng “phình” to

Ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, ngành thuế đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế. Nhờ đó, tính đến thời điểm 30/9/2016, luỹ kế số tiền thuế nợ mà 63 Cục thuế địa phương đã đôn đốc, thu hồi được ước đạt 31.785 tỷ đồng – là tiền thuế nợ của năm 2015 chuyển sang, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2015. Kết quả thu hồi nợ thuế này mới đạt 60% chỉ tiêu thu nợ năm 2016 (nếu loại trừ tiền chậm nộp thì thu đạt 87%).

Tình hình nợ thuế hiện đã có chuyển biến khả quan hơn, số nợ thuế giảm nhẹ. Cụ thể, tổng số tiền thuế nợ tính đến thời điểm 30/9/2016 ước là 74.140 tỷ đồng, tăng 245 tỷ đồng (+0,3%) so với thời điểm 31/12/2015, nhưng giảm được 440 tỷ đồng so với cuối tháng 8.

Trong đó, tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày (có khả năng thu) ước là 32.239 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 43,5% tổng số tiền thuế nợ, giảm 3.937 tỷ đồng (-10,9%) so với cuối năm 2015. Bên cạnh đó, các khoản thuế, phí ước là 21.382 tỷ đồng, giảm được 2.495 tỷ đồng (-10,4%), nợ liên quan về đất ước là 10.856 tỷ đồng, giảm 1.442 tỷ đồng (-11,7%)…

Với quy mô nợ thuế lớn hơn, nên số tiền phạt và tiền chậm nộp ước là 26.931 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 36,3% tổng số tiền thuế nợ, tăng 4.022 tỷ đồng (+17,6%)… Đáng nói, Tổng cục thuế cho biết có tới 14.970 tỷ đồng được xác định là nợ thuế không có khả năng thu. Số nợ thuế có nguy cơ “mất trắng” này đã tăng nhẹ 1,1% và hiện chiếm 1/5 tổng số tiền thuế nợ.

Theo ông Nguyễn Đại Trí, năm nay nợ đọng thuế vẫn tăng do hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, nợ thuế dây dưa chuyển tiếp từ các năm trước sang. Số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phá sản, giải thể ngày càng nhiều gây khó khăn cho việc thực hiện trả nợ thuế. Tuy nhiên, “một bộ phận doanh nghiệp vẫn còn chây ỳ nộp thuế, chiếm dụng tiền thuế… mà cán bộ thuế cũng rất khó xử lý, thu hồi”- Ông Trí chỉ rõ.

Xoá nợ thuế 15 nghìn tỷ đồng?

Nhằm giải quyết dứt điểm những tồn đọng của nợ thuế, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp thuế hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tăng trưởng tốt hơn. Đáng chú ý, Bộ Tài chính đề xuất xem xét xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt cho người nộp thuế là 7.963 tỷ đồng; khoanh nợ cho những trường hợp thực tế đã giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh 6.731 tỷ đồng. Tổng số nợ đọng thuế xin xoá, khoanh lên tới 14.694 tỷ đồng.

Theo Phó tổng cục trưởng Nguyễn Đại Trí, ngành thuế đề xuất xoá nợ thuế cho những tổ chức, doanh nghiệp cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách Nhà nước, nhưng do ngân sách thanh toán chậm dẫn tới doanh nghiệp bị phát sinh tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp…

Con số này được ước tính cỡ khoảng 542 tỷ đồng là nợ tiền chậm nộp thuế cần xin xoá. Cơ quan thuế sẽ kiểm tra, rà soát và giải quyết đúng quy định các hồ sơ xin gia hạn nộp thuế, xoá nợ thuế, không tính tiền chậm nộp để hỗ trợ gỡ khó cho doanh nghiệp.

Về dự thảo Nghị quyết đề xuất giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp, vừa qua, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã đồng ý về chủ trương xóa nợ tiền chậm nộp đối với người nộp thuế bị nợ thuế, phạt chậm nộp do ngân sách Nhà nước thanh toán chậm.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nêu rõ Nghị quyết này không quy định về xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với trường hợp giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh. Bởi vì đây là vấn đề quản lý thuế, không liên quan đến khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Trường hợp cần thiết thì quy định ở văn bản khác.

Với con số 74.140 tỷ đồng nợ thuế, lãnh đạo ngành thuế cho biết, nhiệm vụ xử lý đôn đốc, thu hồi nợ đọng thuế là rất khó khăn và áp lực lớn trong các tháng cuối năm nay. Để giảm bớt số nợ thuế và thu hồi nợ hiệu qủa, trong năm 2016, Tổng cục thuế và các cục, chi cục thuế địa phương đã đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp thu hồi nợ, cưỡng chế nợ thuế, công khai thông tin người nợ thuế…

Dù vậy, trong quá trình thu hồi nợ thuế, ngành thuế vẫn phải rất cân nhắc đưa ra biện pháp phù hợp với từng trường hợp nợ thuế, ngay như biện pháp cưỡng chế, đình chỉ hoá đơn… cũng là giải pháp cuối cùng tính đến. Một số trường hợp, cơ quan thuế vẫn phải cho phép doanh nghiệp sử dụng hoá đơn lẻ vì nếu siết chặt quá, công ty ngừng hoạt động, sẽ hết cửa thu nợ…

Một biện pháp mạnh hơn được áp dụng là cơ quan thuế phối hơp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, toà án... để lập các tổ công tác liên ngành thu hồi nợ thuế, nhằm giảm nhanh số nợ đọng, tăng thu cho ngân sách.

Thu Hằng

Có thể bạn quan tâm