Lợi nhuận các ngân hàng liệu có đột biến trong nửa cuối năm?

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2017, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ tín dụng theo hướng giảm lãi suất cho vay, đưa dư nợ tín dụng lên cao
Lợi nhuận các ngân hàng liệu có đột biến trong nửa cuối năm?

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 30/6/2017, tín dụng toàn hệ thống đã tăng trưởng 9,06%, huy động vốn tăng 7,43% so với cuối năm 2016.

NHNN tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng gắn với chất lượng tín dụng, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thời gian thu hồi vốn dài như các dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản, BOT, BT giao thông…

Còn báo cáo về tình hình kinh tế tháng 7/2017 và 7 tháng đầu năm 2017 của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (UBGS) cũng nhận định tín dụng tháng 7 tiếp tục tăng trưởng tích cực. Ước tính đến hết tháng 7/2017, tín dụng tăng 9,3% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 8,8%). Tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn có xu hướng giảm, ước chiếm khoảng 53,9% tổng tín dụng (cuối năm 2016 chiếm 55,1%).

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2017, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ tín dụng theo hướng giảm lãi suất cho vay, đưa dư nợ tín dụng lên cao hơn hoặc bằng 20%.

CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) đánh giá đây có thể là động thái giúp Chính phủ đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay. GDP 6 tháng đầu năm chỉ tăng trưởng 5,73% nên để đạt mục tiêu đề ra, GDP 6 tháng cuối năm phải tăng trưởng 7,4%; là mức cao kể từ năm 2007.

Cũng theo HSC, nếu NHNN cho phép NHTM đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm để đạt mục tiêu 20%, thì đây sẽ là thông tin tích cực cho cổ phiếu ngân hàng. Thu nhập lãi thuần đóng góp 80% vào tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng và thu nhập này phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng và tỷ lệ NIM. Tỷ lệ NIM ở nhiều ngân hàng chỉ tăng nhẹ nhờ tỷ trọng cho vay khách hàng cá nhân với lãi suất cao tăng lên đã bù đắp vào sự sụt giảm ở lợi suất trái phiếu.

Theo ước tính, 7 ngân hàng niêm yết (bao gồm VCB, CTG, BID, ACB, MBB, SHB và STB) đạt 18 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm, tăng 22,7% so với cùng kỳ.

Nếu tín dụng tăng như kế hoạch đầu năm thì HSC giả định tăng trưởng tín dụng tổng hợp của 7 ngân hàng này là 17,2% và dự báo 7 ngân hàng này sẽ đạt 36,2 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho cả năm 2017, tăng trưởng 18%.

Nếu tăng trưởng tín dụng nới lên 20% trong khi những biến số khác giữ nguyên thì lợi nhuận trước thuế của 7 ngân hàng niêm yết có thể cao hơn 12% so với ước tính, tương đương đạt 40,5 nghìn tỷ đồng.

>> Lãi suất liên ngân hàng giảm còn 0,45%/năm, NHNN vẫn bơm 10.500 tỷ đồng ra nền kinh tế

Có thể bạn quan tâm