Lỏng và chặt trong cải thiện môi trường kinh doanh

Một số quy định được ban hành nhằm siết chặt các hoạt động kinh doanh tiềm ẩn rủi ro lại có thể gây khó cho các hoạt động kinh doanh hợp pháp. Đây là điểm đáng xem xét trong quá trình thực hiện chủ tr
Lỏng và chặt trong cải thiện môi trường kinh doanh

Vẫn còn nhiều hạn chế

Ngay trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2019 nêu rõ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải quyết các lô hàng phế liệu nhập khẩu dùng làm nguyên liệu sản xuất đang tồn đọng tại các cảng trên cả nước. Theo Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân của tình trạng tồn đọng là các đoàn kiểm tra phế liệu “quá cồng kềnh”, phương pháp kiểm tra có vấn đề.

Sự việc này được giải quyết giữa lúc chủ trương hạn chế nhập khẩu phế liệu vẫn còn tính thời sự với hơn 10 triệu tấn phế liệu được nhập vào Việt Nam trong năm 2018 và cơ quan hải quan đã khởi tố hàng chục vụ nhập khẩu phế liệu “bẩn” vào Việt Nam trong năm qua.

Do đó, tình trạng ùn ứ hàng chục ngàn container phế liệu nhập khẩu tại các cảng trên cả nước là một minh chứng cho thấy việc đặt ra các quy định với mong muốn siết chặt quản lý một hoạt động kinh doanh có dấu hiệu gây hại lại có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) không sai phạm.

Đó cũng là một trong những câu chuyện đáng chú ý trong nỗ lực quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam những năm gần đây. Nhận xét về quá trình này, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nói: “Cần cải thiện theo cách khác hơn để DN hưởng lợi thực tế thì môi trường kinh doanh mới cải thiện một cách thực chất. Tôi không tin là cấp cơ sở và các địa phương sẵn sàng thực hiện cái mới và có sáng kiến để thực hiện, nếu không có áp lực và sự dẫn dắt, hướng dẫn từ cấp trên”.

Cũng theo đánh giá của CIEM, quá trình cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian qua vẫn còn hai điểm hạn chế. Đó là vẫn còn rào cản về điều kiện kinh doanh và việc cải cách các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành mới chỉ đạt những kết quả bước đầu.

Theo đó, một số điều kiện kinh doanh được cắt giảm, sửa đổi nhưng không thật sự tạo thuận lợi hơn cho DN. Chẳng hạn, cắt bỏ điều kiện kinh doanh, nhưng lồng ghép vào các quy chuẩn kỹ thuật; sửa đổi điều kiện kinh doanh với mục đích tránh gây sự chú ý, nhưng bản chất không thay đổi; một số điều kiện kinh doanh sửa đổi thậm chí gây khó khăn hơn cho DN.

Việc cải cách các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành mới chỉ đạt kết quả bước đầu ở một số bộ trong một số lĩnh vực và vẫn còn quá ít so với yêu cầu, mức độ vào cuộc của các bộ vẫn còn khác biệt. Đáng chú ý, những vướng mắc trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành như danh mục mặt hàng nhiều, quản lý chồng chéo, quản lý không theo nguyên tắc rủi ro, chi phí kiểm tra chuyên ngành lớn… vẫn đang gây nhiều trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Cần quản trị rủi ro trong thực thi chính sách

Quan sát những chuyển biến của môi trường kinh doanh thời gian qua, ông Đinh Tuấn Minh - chuyên gia kinh tế cho rằng, giữa việc đặt rào cản và dỡ bỏ các quy định đều có lợi ích và hệ quả. Vấn đề chính là phải xem xét từ góc độ phân tích tổng thể lợi và hại để tìm được cách giải quyết phù hợp. Bởi lẽ, việc dỡ bỏ không hợp lý có thể dẫn đến hành vi lợi dụng để sai phạm. Ngược lại, việc siết quản lý một cách cứng nhắc có thể gây khó cho DN.

“Đây là điều không thể tránh được nhưng cũng không hẳn phổ biến. Khi gặp rủi ro trong quản lý, thay vì dựng rào chắn cản trở hoạt động đó, chúng ta nên tìm giải pháp khác có thể bằng giải pháp công nghệ để sàng lọc sai phạm từ đầu. Hoặc đưa ra các hình phạt rất nặng để DN tự giác tuân thủ. Quản trị rủi ro trong thực thi chính sách nên được liên hệ với cách quản trị rủi ro tại DN để có tính hiệu quả cao hơn”, ông Minh nhấn mạnh.

Từ góc độ cơ quan nghiên cứu, CIEM khuyến nghị: “Ở ngành, địa phương nào mà bộ trưởng, chủ tịch UBND sớm nhận thức rõ vấn đề, chủ động và liên tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, nhất là đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp; cam kết mạnh mẽ và cương quyết đổi mới, không bảo vệ lợi ích cục bộ ngành, địa phương; liên tục giám sát, yêu cầu báo cáo về tiến độ, kết quả thực hiện, thì ở bộ, ngành và địa phương đó có kết quả rõ nét và khác biệt so với nơi khác”.

Theo Hoàng Oanh/Báo Đấu thầu

>> Cải thiện môi trường kinh doanh: Cần thực chất hơn

Có thể bạn quan tâm