Lửa cháy đến chân, ngân hàng cuống cuồng bóc sở hữu chéo

Một số ngân hàng tích cực giảm sở hữu chéo tại nhà băng khác thông qua chuyển nhượng bớt cổ phần, hạn chế mua thêm cổ phần tăng vốn.… Việc thoái vốn cũng có ý nghĩa khi giúp cơ cấu lại danh mục đầu tư
Lửa cháy đến chân, ngân hàng cuống cuồng bóc sở hữu chéo

Một số ngân hàng tích cực giảm sở hữu chéo tại nhà băng khác thông qua chuyển nhượng bớt cổ phần, hạn chế mua thêm cổ phần tăng vốn.… Việc thoái vốn cũng có ý nghĩa khi giúp cơ cấu lại danh mục đầu tư, tạo dòng tiền đáng kể để bổ sung vốn kinh doanh.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 36 (có hiệu lực đầu năm 2011), các ngân hàng đã thực hiện nhiều cách để giảm sở hữu ở các tổ chức tín dụng (TCTD) khác xuống dưới mức trần 5%. Hiện, còn một số đang chịu áp lực thoái vốn để đảm bảo tuân thủ đúng quy định sở hữu như: Vietcombank, Eximbank Southernbank, Saigonbank MaritimeBank... Chạy trần sở hữu dưới 5% Mới đây (ngày 19/2/2016), Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MaritimeBank) đã tiến hành chuyển nhượng lại 64,2 triệu cổ phiếu MBB - Ngân hàng TMCP Quân đội, chiếm tỷ lệ 4% vốn điều lệ. Bên nhận chuyển nhượng là nhóm các nhà đầu tư thuộc Quỹ Dragon Capital. Trong đó, công ty CP Quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam (VEIL) nhận mua gần 25,2 triệu cổ phiếu, Quỹ Amersham Industries Limited mua 13,580 triệu cổ phiếu và Norges Bank mua 25,5 triệu cổ phiếu. Trước đó, tháng 8/2015, MaritimeBank đã nhận thêm hơn 22 triệu cổ phiếu MBB thuộc sở hữu của Ngân hàng Mekongbank sau khi sáp nhập. Nhờ đó, số lượng nắm giữ lên gần 140 triệu cổ phiếu MBB, chiếm tỷ lệ 12,01% vốn điều lệ. Nhưng tháng 9/2015, ngân hàng Quân đội đã phát hành thêm 390 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ nên gần 16.000 tỷ đồng. Do không mua thêm cổ phần đợt này nên MaritimeBank chỉ còn sở hữu 8,96% vốn tại MBB. Với việc bán bớt cổ phiếu MBB cho Dragon Capital, MaritimeBank hiện chỉ còn sở hữu 4,96%, đảm bảo tuân thủ quy định trần sở hữu tối đa không quá 5% vốn điều lệ của MB. Tính theo giá cổ phiếu MBB ngày 19/2, Maritimebank có thể thu về khoảng gần 1.000 tỷ đồng từ thương vụ thoái vốn “khủng” này và đây sẽ là khoản lợi nhuận đột biến ghi nhận vào năm 2016. Được biết, từ năm 2011, Maritimebank đã đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng Quân đội với tỷ lệ 8,86% vốn điều lệ. Số cổ phần này có giá gốc chỉ hơn 647 tỷ đồng, song giá trị sổ sách lên tới 1.214 tỷ đồng. Trong xu hướng giá cổ phiếu MBB giảm mạnh, giá trị khoản đầu tư thực tế cũng bị “bốc hơi” khá lớn. Cùng thời điểm năm 2011, MaritimeBank còn sở hữu vốn tại hai tổ chức tín dụng khác là Mekongbank (tỷ lệ 10,16%), công ty tài chính Dệt may (tỷ lệ 11%). Sau khi sáp nhập MekongBank- MaritimeBank hoàn thành, sở hữu chéo của cặp đôi này đã được “bóc tách” xong. Một trường hợp thâu tóm ngân hàng gây chấn động trước đây là ngân hàng Eximbank (mã: EIB) bất ngờ sở hữu 9,6% cổ phần tại Ngân hàng Sacombank (mã: STB). Sau đợt chào bán 300 triệu cổ phần tăng vốn (thực hiện nhận sáp nhập Southernbank) cuối năm 2015, Eximbank chỉ còn nắm giữ gần 165,23 triệu cổ phiếu STB, tương ứng tỷ lệ 8,76% vốn điều lệ tại đây. Theo Thông tư 36, Eximbank sẽ tiếp tục phải thực hiện giảm tỷ lệ sở hữu tại Sacombank xuống mức dưới 5%.

Cổ đông có thể “lách” trần sở hữu bằng cách chuyển nhượng bớt cổ phần cho các tổ chức, cá nhân khác đứng tên hộ, đảm bảo tỷ lệ sở hữu dưới 5% tại một TCTD.

Vẫn chây ỳ thoái vốn Thời gian qua, trước chỉ đạo quyết liệt của NHNN trong việc xoá bỏ sở hữu chéo, vốn ảo, các ngân hàng lớn nhỏ đều phải rốt ráo triển khai việc giảm sở hữu tại các TCTD. Tuy nhiên, không ít nhà băng vẫn chậm trễ thực hiện giảm sở hữu vì nhiều lý do như thị trường chứng khoán không thuận lợi, chưa tìm được đối tác mua cổ phần, giá cổ phiếu giảm sâu, tập trung tái cơ cấu… Như trường hợp ngân hàng Vietcombank sở hữu 101,24 triệu cổ phiếu Eximbank, tỷ lệ 8,19% từ năm 2010. Giá trị ghi sổ hơn 1.012 tỷ đồng, tương đương giá cổ phiếu EIB khoảng 9.995 đồng/CP. Trong năm 2015, giá cổ phiếu EIB đã từng tăng lên mức cao nhất là 15.600 đồng/CP. Song những thông tin về hoạt động thanh tra ngân hàng, kết quả kinh doanh thua lỗ lớn, sai phạm tín dụng… đã ảnh hưởng tới giá cổ phiếu giảm mạnh tới 34% thị giá, hiện giao dịch quanh mức 10.400 đồng/CP (ngày 22/2/2016). Do đó, khi giá trị khoản đầu tư “bốc hơi” quá mạnh thì Vietcombank có lẽ cũng phải đắn đo cân nhắc thời điểm thoái vốn tại Eximbank. Bên cạnh đó, sau ĐHCĐ bất thường cuối tháng 12/2015, bộ máy nhân sự của Eximbank đã được kiện toàn với dàn lãnh đạo mới. Lộ trình thoái vốn của Vietcombank cũng được lùi lại để đảm bảo tìm được cổ đông mới phù hợp, không gây xáo trộn… Ngoài ra, Vietcombank cũng chịu áp lực phải thực hiện thoái vốn tại 3 tổ chức tín dụng khác đang sở hữu trên 5% gồm: 9,6% cổ phần MBB, 5,1% cổ phần ngân hàng Phương Đông, 10,9% cổ phần công ty Tài chính Xi măng và nắm 4,3% cổ phần Saigonbank. Tổng giá trị khoản đầu tư này lên tới vài nghìn tỷ đồng nên sẽ không dễ thoái vốn trong một sớm một chiều. Vấn đề đáng nói là, Thông tư 36 đưa ra mức trần sở hữu 5% để hạn chế cổ đông lớn – tổ chức tín dụng - chi phối hoạt động của ngân hàng có vốn góp và hạn chế sở hữu chéo, góp vốn “ảo” tồn tại nhức nhối nhiều năm qua. Thế nhưng, thực tế là cổ đông ngân hàng vẫn có thể “lách” trần sở hữu bằng cách chuyển nhượng bớt cổ phần cho các tổ chức, cá nhân khác đứng tên hộ, đảm bảo tỷ lệ sở hữu dưới 5% tại một TCTD. Đồng thời, tỷ lệ sở hữu của cổ đông cá nhân vẫn đảm bảo dưới 5% và một tổ chức dưới 15% vốn điều lệ… Cách làm này được áp dụng khá phổ biến, giúp nhiều cổ đông lớn là lãnh đạo của các ngân hàng “né” trần sở hữu, mà không hề bị cơ quan quản lý “tuýt còi”. Vậy khi các ngân hàng thoái vốn thì có hay không chuyện bán cổ phần lòng vòng để hợp thức hoá tỷ lệ dưới 5% nhằm “chạy” trần sở hữu?

Thu Hằng

Theo TBKD/Thương Gia

Có thể bạn quan tâm