Luật Cạnh tranh chưa làm tròn sứ mệnh

Sau hơn 10 năm ra đời, Luật Cạnh tranh chưa thực sự phát huy được hiệu quả trong quá trình thực thi. Có thể nói hình ảnh của cơ quan cạnh tranh còn mờ nhạt.
Luật Cạnh tranh chưa làm tròn sứ mệnh
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu nêu ra khi tham dự Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức ngày 10/5.

Không bảo vệ được doanh nghiệp

Cụ thể, trong thời gian đầu thực thi Luật Cạnh tranh (đến năm 2007) mới chỉ xử phạt được trên 80 triệu đồng về hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Đến năm 2016, số tiền này dù đã tăng lên 2,1 tỷ đồng, nhưng vẫn là con số rất nhỏ.

Theo phân tích của Bộ Công Thương, mặc dù trên thị trường đã xuất hiện nhiều hành vi phản cạnh tranh, nhưng pháp luật cạnh tranh Việt Nam hiện hành chưa có đầy đủ căn cứ pháp lý điều chỉnh các loại hành vi thực hiện ở ngoài lãnh thổ. Vì vậy, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với những hành vi cạnh tranh diễn ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có tác động hạn chế cạnh tranh tới môi trường kinh doanh của Việt Nam là cần thiết.

Không chỉ vậy, mô hình cơ quan thực thi cũng được Bộ Công Thương đánh giá là chưa phù hợp (hiện Việt Nam có 2 cơ quan thực thi Luật Cạnh tranh là Cục Quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương và Hội đồng Cạnh tranh). Từ đó dẫn đến thực trạng là công tác phát hiện, điều tra, xử lý chưa đáp ứng được yêu cầu.

"Vì lẽ đó, ông Vũ Văn Thành, Phòng Điều tra pháp luật cạnh tranh (Cục Quản lý cạnh tranh) cho rằng, Luật Cạnh tranh chưa làm được sứ mệnh là bảo vệ môi trường cạnh tranh, bảo vệ động lực của nền kinh tế, không bảo vệ được bất cứ doanh nghiệp hay nhóm doanh nghiệp nào.

Bảo vệ môi trường cạnh tranh bình đẳng

Từ thực tiễn phát sinh trong quá trình thực hiện, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) cho phù hợp và sát thực tế hơn để Luật Cạnh tranh trở thành một công cụ quản lý nhà nước quan trọng nhất trong nền kinh tế thị trường hiện đại.

Nói rõ hơn, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cho biết, dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở và định hướng bảo vệ môi trường cạnh tranh và hoạt động cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trên thị trường. Qua đó tăng cường hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam.

Đồng thời, bảo đảm tính công bằng, minh bạch, khách quan trong quá trình tố tụng; kết hợp chặt chẽ giữa tư duy kinh tế và tư duy pháp lý, trong đó, nhấn mạnh mục tiêu tăng cường hiệu quả cho công tác thực thi luật; Nhà nước phải bảo đảm vai trò trung tâm trong hoạt động bảo vệ cạnh tranh trên thị trường.

Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ thể chế hóa, hiện thực hóa và cụ thể hóa một cách nhanh chóng, kịp thời chủ trương xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, hợp tác, văn minh, cạnh tranh vì mục đích phát triển đất nước và bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, kiểm soát độc quyền trong kinh doanh, chống cạnh tranh không lành mạnh mà Nhà nước đề ra

Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, sau thời gian thực thi chưa hiệu quả thì việc sửa đổi Luật Cạnh tranh là tốt, nhưng việc thực thi luật mới là vấn đề lớn.

Ông Thành cho rằng, dù dự thảo sửa đổi có nội dung tiến bộ, nhưng việc đưa luật vào cuộc sống, duy trì sự cạnh tranh lành mạnh, tức là cơ quan thực thi thực hiện như thế nào mới đáng bàn.

Tìm mô hình phù hợp

Liên quan đến vấn đề mô hình chưa phù hợp, trong bản dự thảo của Bộ Công Thương có đề xuất, sáp nhập Cục Quản lý cạnh tranh và Hội đồng Cạnh tranh vào thành một cơ quan duy nhất là Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, là cơ quan thuộc Chính phủ, do Chính phủ thành lập để thực thi Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Tuy nhiên, đề xuất này của Bộ Công Thương đang nhận được những quan điểm trái chiều.

Theo đó, mặc dù đồng tình với đề xuất sáp nhập, song bà Đinh Thị Mỹ Loan, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh lại không đồng tình với đề xuất cơ quan duy nhất này sẽ trực thuộc Chính phủ.

Bởi theo bà Loan, vị trí cơ quan cạnh tranh nhằm bảo đảm tính độc lập cho cơ quan cạnh tranh là tối cần thiết, nhưng cơ quan cạnh tranh, dù ở đâu mà tinh thần không chủ động, không bảo vệ tính cạnh tranh, thì không ai bảo đảm được cơ quan ấy hoạt động độc lập.

Bà Loan còn đưa ra dẫn chứng, 50 cơ quan cạnh tranh trên thế giới đang được Việt Nam tham khảo mô hình hoạt động chỉ có 4 cơ quan trực thuộc Quốc hội; 14 cơ quan trực thuộc Chính phủ; 32 cơ quan trực thuộc cục hoặc vụ của một bộ, nhưng cơ quan này hoàn toàn độc lập khi ra quyết định.

“Như vậy, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đại đa số nằm trong bộ là hoàn toàn phù hợp. Ở Việt Nam, cơ quan cạnh tranh nằm trong Bộ Công Thương là hoàn toàn phù hợp về mặt cơ cấu tổ chức, thị trường, hoạt động”, bà Loan nói. 

Có thể bạn quan tâm