Lùm xùm quanh xuất khẩu gạo: Yếu kém về năng lực hay trục lợi chính sách?

Chưa rà soát nguồn cung thóc gạo trong nước nhưng Bộ Công Thương đã vội vàng tham mưu đề xuất với Chính phủ ban hành lệnh cấm XK gạo. Hậu quả là, ngay hôm sau, bộ này lại kiến nghị xin tạm dừng lệnh cấm và đề nghị XK 400 nghìn tấn gạo trong tháng 4/2020.

Thực tế này không chỉ cho thấy yếu kém trong công tác quản lý điều hành của lãnh đạo Bộ Công thương, đồng thời thấy rõ “độ vênh” trong việc phối hợp thực thi công vụ giữa bộ này với các bộ, ngành có liên quan. Mặt khác, khi Thủ tướng chấp thuận cho xuất khẩu 400 nghìn tấn gạo, thì hành lang pháp lý để triển khai thực hiện lại lộ rõ nhiều bất cập, có dấu hiệu trục lợi chính sách và thao túng việc xuất khẩu 400 nghìn tấn gạo lúc nửa đêm...

Khả năng điều hành kém?

Trước tác động kép bởi đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu và hạn hán, hạn mặn xảy ra tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Chính phủ đã áp dụng nhiều giải pháp khống chế đại dịch và đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Đây là việc làm đúng đắn thể hiện sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, được nhân dân cả nước đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, việc Bộ Công thương và một số bộ, ngành vội vàng tham mưu đề xuất ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo đã khiến hàng trăm doanh nghiệp nói riêng và ngành lương thực của Việt Nam đã khó khăn lại càng thêm khốn đốn.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố ngày 27/03 vừa qua, đại dịch Covid-19 là tác nhân chính khiến 18.600 doanh nghiệp của Việt Nam phải tạm ngừng kinh doanh có thời hạn. Cùng với đó, tỷ lệ lực lượng tham gia lao động quý I chỉ đạt khoảng 75,4%, là mức thấp nhất 10 năm qua. Con số thống kê này cho thấy, doanh nghiệp và người lao động của Việt Nam bị ảnh hưởng rất nặng nề trước tác động của đại dịch Covid-19.

Trở lại lệnh cấm xuất khẩu gạo, sau khi lệnh cấm được áp dụng từ 0 giờ ngày 24/03/2020. Cùng ngày 24/03, Bộ Công thương lại có công văn gửi Thủ tướng xin dừng lệnh cấm. Việc làm này đã cho thấy sự yếu kém trong việc tham mưu đề xuất và quản lý điều hành của lãnh đạo Bộ Công thương.

Nhận được kiến nghị của Bộ Công Thương, ngày 25/03, Thủ tướng đã chỉ đạo bộ này chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, NN&PTNT… thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để làm việc với các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ chốt, đánh giá về nguồn cung thóc gạo. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu “Bộ Công Thương và các bộ, ngành cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác tham mưu vừa qua”.

Và, sau khi kiểm tra, rà soát theo chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 06/04, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã ký công văn số 2412 gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị cho phép xuất khẩu 400 nghìn tấn gạo trong tháng 04/2020 và tăng dự trữ gạo trong nước từ 300 nghìn tấn lên 700 nghìn tấn và được Thủ tướng chấp thuận. Kiến nghị này càng khẳng định rằng, trước khi đề xuất ban hành lệnh cấm bộ này chưa hề rà soát nguồn cung thóc gạo trong nước, cũng như chưa có sự phối hợp để nắm bắt số liệu nguồn cung từ Bộ NN&PTNT mà đã vội vàng tham mưu đề xuất với Chính phủ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo.

Có dấu hiệu trục lợi chính sách và thao túng việc xuất khẩu 400 nghìn tấn gạo lúc nửa đêm

Có dấu hiệu trục lợi chính sách và thao túng việc xuất khẩu 400 nghìn tấn gạo lúc nửa đêm

“Độ vênh” giữa bộ này với các bộ ngành có liên quan, càng được thể hiện rõ hơn khi thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành theo chỉ đạo của Thủ tướng để làm việc với các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Bởi, theo chỉ đạo, Bộ Tài chính là thành viên nhưng trên thực tế Bộ Công Thương đã đơn phương chủ trì thực hiện một cuộc họp nửa ngày với các doanh nghiệp và đại diện các tỉnh.

Kiến nghị điều tra dấu hiệu trục lợi chính sách

Ngoài việc đồng ý cho xuất khẩu 400 nghìn tấn gạo trong tháng 04/2020, Thủ tướng còn nhấn mạnh việc xuất khẩu gạo phải đảm bảo công khai, minh bạch, dễ thực hiện giám sát, không để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách. Vậy nhưng, không hiểu sao, sau 02 ngày án binh bất động, đến 0h ngày 12/04 bất ngờ Tổng Cục Hải quan cho mở tờ khai xuất khẩu 400 nghìn tấn gạo.

Việc làm này đã tạo ra sự bức xúc rất lớn trong cộng đồng doanh nghiệp. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã gửi đơn kiến nghị đến Thủ tướng và cho rằng có sự khuất tất trong việc mở tờ khai lúc nửa đêm. Điều khiến dư luận ngỡ ngàng là, lúc cấm xuất khẩu thì hải quan ban hành lệnh thông báo khẩn cấp ngay sau đó, đến khi xuất khẩu trở lại thì cơ quan này giải thích chờ hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền.

“Chúng tôi không thông báo việc mở tờ khai lúc 0 giờ, vì coi việc đó là bình thường”. Tuy nhiên, cán bộ Hải quan này cũng nhận định, khả năng các doanh nghiệp mở tờ khai thành công kia được “phím” trước nên chủ động khai báo, khi nhận được lệnh mở tờ khai lập tức ấn “enter” và được chấp nhận kết quả tự động trong vài giây. “Có chăng là họ phím cho nhau vào thời điểm mở tờ khai. Chứ khi mở hệ thống khai báo rồi can thiệp vào “bể” ngay”, một nguồn tin nói với báo Tiền Phong.

Trước những khuất tất nêu trên, ngày 15/04, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo về trách nhiệm quản lý, kiểm soát số lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 04/2020. Trong đó nêu cụ thể vể quy trình, cách làm, danh sách các doanh nghiệp, thời gian mở tờ khai hải quan và số lượng gạo xuất khẩu của từng doanh nghiệp đã đăng ký thành công trên hệ thống...

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết: “Chúng tôi đang báo cáo Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng cho điều tra, làm rõ có hay không việc trục lợi chính sách, làm trái quy định của Thủ tướng…”

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết: “Chúng tôi đang báo cáo Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng cho điều tra, làm rõ có hay không việc trục lợi chính sách, làm trái quy định của Thủ tướng…”

Trong một diễn biến mới nhất, trả lời báo chí Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết: “Chúng tôi đang báo cáo Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng cho điều tra, làm rõ có hay không việc trục lợi chính sách, làm trái quy định của Thủ tướng, kể cả điều tra với công chức Hải quan và những đối tượng liên quan”.

Có thể bạn quan tâm