“Ma trận” các quy định đầu tư kinh doanh, bao giờ thay đổi?

Nhiều phát hiện về sự chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập giữa các quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh đã tiếp tục được nêu lên tại Hội thảo về Luật sửa đổi bổ sung các luật về đầu tư kinh doanh do Việ
“Ma trận” các quy định đầu tư kinh doanh, bao giờ thay đổi?
Nhiều phát hiện về sự chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập giữa các quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh đã tiếp tục được nêu lên tại Hội thảo về Luật sửa đổi bổ sung các luật về đầu tư kinh doanh do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) vừa tổ chức.
Nhóm nghiên cứu CIEM và dự án GiG của USAID đã nêu lên 12 phát hiện về những tồn tại và mâu thuẫn giữa các luật liên quan đến thủ tục xin cấp phép đầu tư, thành lập DN và cấp phép sử dụng đất trong các dự án đầu tư. Đơn cử, theo kết quả rà soát của nhóm nghiên cứu, chỉ riêng ở giai đoạn hình thành dự án đã phát hiện 5 vấn đề liên quan đến thủ tục giới thiệu địa điểm xây dựng, thủ tục xác định nhu cầu sử dụng đất, thực hiện thủ tục đánh giá môi trường, thủ tục chấp thuận chủ trương đối với dự án xây dựng nhà ở và giấy phép quy hoạch, chủ trương đầu tư gắn liền với quy hoạch. Ở giai đoạn này, các công đoạn thực hiện thủ tục được quy định không tương thích, thiếu thống nhất giữa Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư và nhiều luật chuyên ngành khác. “Thủ tục xác định nhu cầu sử dụng đất không thống nhất về thời điểm thẩm định giữa các văn bản thi hành pháp luật, hay thủ tục giới thiệu địa điểm xây dựng không tương thích giữa Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Đầu tư đã dẫn đến việc thực hiện không thống nhất giữa các địa phương, gây lúng túng cho nhà đầu tư”, đại diện nhóm nghiên cứu chỉ rõ. Điều này dẫn tới nhiều hệ lụy, như tăng thẩm quyền cho cơ quan trung ương trong việc thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công của dự án cấp 1, gây khó khăn và lãng phí cho DN.

"Tổn thất mà DN phải chịu rồi sẽ được đưa hết vào giá bán sản phẩm. Và cuối cùng, người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu hết"- Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, hiện là chuyên gia trực tiếp tham gia nhóm nghiên cứu, sự mâu thuẫn trong thủ tục quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) giữa Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường đã khiến nhà đầu tư phàn nàn rất nhiều, bởi sự phức tạp và tốn kém, mang lại rủi ro lớn cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, ông Hiển đưa ra một sơ đồ tổng quan các thủ tục hành chính để thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, mà ông đánh giá là không khác gì một “ma trận”, với hơn 24 đầu mục, quy trình, được quy định bởi một loạt các cơ quan trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm tài nguyên - môi trường, đầu tư, công thương, phòng cháy chữa cháy - công an, được quy định bởi rất nhiều văn bản luật. DN tuần tự thực hiện hết tất cả các công đoạn này không chỉ mất rất nhiều thời gian, mà còn tốn kém các loại chi phí. Trong khi bản thân các cơ quan địa phương nhiều khi cũng lúng túng vì quá nhiều quy định. Đứng ở góc độ DN, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành nhận định, DN và người tiêu dùng suy cho cùng sẽ là những người hứng chịu nhiều hậu quả nhất từ sự rối rắm, chồng chéo của luật pháp. “Tổn thất mà DN phải chịu rồi sẽ được đưa hết vào giá bán sản phẩm. Và cuối cùng, người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu hết”, ông Đực nói. Từ thực tiễn thực hiện các thủ tục để triển khai dự án bất động sản, ông Đực cho rằng, giai đoạn trước năm 2006, thủ tục rất đơn giản, chỉ cần duyệt quy hoạch 1 năm xong là khởi công. Từ khi có Nghị định 90/2006/NĐ-CP, trong giai đoạn 2006 - 2010, chủ đầu tư phải thực hiện thêm thủ tục dự án đầu tư và giấy phép xây dựng. Từ năm 2010 đến nay, DN phải trải qua quá nhiều loại thủ tục, góp phần khiến các dự án bất động sản bị đội giá. Với việc tăng thêm nhiều thủ tục, như phải có hạ tầng, phòng cháy chữa cháy rồi mới được thiết kế cơ sở, làm giấy phép đầu tư, sau đó làm giấy phép xây dựng mới được khởi công, chưa kể phần thẩm định thiết kế đã khiến chi phí gia tăng, thời gian kéo dài, dẫn đến giá bán chung cư đội lên rất nhiều lần khi đến tay người tiêu dùng, từ 5 - 6 triệu đồng/m2 ở giai đoạn đầu tăng lên tới trên 16 triệu/m2, thậm chí 20 triệu đồng/m2. Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, thực tế này cho thấy việc sửa đổi các luật sao cho đồng bộ, tránh chồng chéo, mâu thuẫn là một đòi hỏi bức thiết, phải tiến hành ngay để tháo gỡ vướng mắc cho DN. Dù đây là một tiến trình đầy thách thức, bởi nó đụng chạm đến quyền lợi của nhiều cơ quan, bộ ngành, song không thể vì thế mà không làm hay trì hoãn. “Quan trọng là phải sửa đổi một cách đồng bộ, thống nhất giữa các luật, mục đích cuối cùng là đưa ra quy trình hợp lý, ít tốn kém, minh bạch nhất”, ông Cung nhấn mạnh.
Theo Hiếu Minh/ĐTCK

Có thể bạn quan tâm