Mập mờ đánh lận “sữa tươi”: Cần Quy chuẩn quốc gia về sữa tươi nguyên liệu

Nhiều doanh nghiệp sữa đang kiếm siêu lợi nhuận từ nhập khẩu sữa bột nguyên liệu, chế biến thành sản phẩm gắn mác “sữa tươi”. Còn người nông dân đang phải đổ đi sữa tươi thực sự…
Mập mờ đánh lận “sữa tươi”: Cần Quy chuẩn quốc gia về sữa tươi nguyên liệu


Câu chuyện này liệu sẽ kết thúc khi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã ra “tối hậu thư” yêu cầu lãnh đạo Cục Chăn nuôi phải nhanh chóng hoàn thành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu, nhằm siết lại những quy định, minh bạch hơn cho thị trường sữa trong tháng 6/2016.

Ở Việt Nam đang tồn tại một nghịch lý là trong khi mỗi năm các doanh nghiệp xuất khẩu hơn 600 triệu lít sữa nhưng trẻ em Việt Nam lại rơi vào tình trạng “khát” sữa. Hơn 1 tỷ USD được các DN đầu tư để nhập khẩu sữa bột hoàn nguyên cho trẻ em, trong khi nhiều người nông dân nuôi bò sữa “khóc ròng” vì không bán được sữa, phải đổ đi.

Bất cập từ quy định

Nguyên nhân chính là do các DN trong nước thờ ơ với sữa tươi của nông dân, thích nhập khẩu sữa bột về để pha thành sữa nước kiếm lợi nhuận cao hơn. Những DN mua sữa tươi từ nông dân tạo thành sản phẩm bán ra thị trường lại có lợi nhuận thấp hơn DN dùng nguyên liệu sữa bột nhập khẩu.

Trong khi thị trường thiếu sự minh bạch thông tin về nguồn gốc nguyên liệu sữa, nhiều bất cập trong quy định về quy chuẩn sữa của Bộ y tế có kẽ hở lớn, đã tạo ra hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Người tiêu dùng không phân biệt được đâu là sữa nước được tạo ra từ sữa tươi, đâu là sữa pha lại từ nguyên liệu sữa bột. Điều này vô hình chung đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, thua thiệt thuộc về DN chân chính.

Bức xúc là trạng thái của một số DN sản xuất kinh doanh sữa tươi chân chính khi gặp phải những đối thủ cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường. Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH, cho biết Ủy ban tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế (Codex) đã phân chia rõ ràng sữa dạng lỏng thành hai loại: Sữa dạng lỏng làm từ sữa tươi và sữa dạng lỏng làm từ sữa bột (được gọi là “sữa hoàn nguyên” và “sữa pha lại” – tùy thuộc vào hàm lượng các chất nguyên bản của sữa có trong sản phẩm).

Trong khi đó, thông tư 30/2010 của Bộ Y tế ban hành Quy chuẩn sữa dạng lỏng quốc gia (Quy chuẩn QCVN 5-1:2010) đang gộp chung các loại sữa dạng lỏng làm từ sữa bột và sữa tươi dưới tên gọi “sữa tiệt trùng” ghi trên bao bì sản phẩm. Thời gian qua, rất nhiều người tiêu dùng cho biết, khi đọc khái niệm “sữa tiệt trùng” thì hiểu đó là sữa tươi, trong khi trên thực tế, sản phẩm sữa có nhãn “sữa tiệt trùng” có nguyên liệu làm từ sữa bột.

Một số DN nhập sữa bột về hoàn nguyên thành sữa mác bán với giá đắt hơn sữa tươi. Nhiều loại sữa bán trên thị trường hiện nay, bao bì chỉ ghi sữa thanh trùng hay tiệt trùng, trong khi lại không ghi rõ là nguyên liệu đầu vào là sữa tươi hay sữa bột pha lại.

Thậm chí tình trạng thông tin ghi trên bao bì không chính xác với thực tế của sản phẩm thì hình thức xử phạt hành chính cũng chỉ vài triệu đồng, DN sẵn sàng chịu phạt bởi lợi nhuận của sự nhập nhèm lên tới hàng trăm triệu đồng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cũng nhận định, Bộ Y tế dùng khái niệm “sữa tiệt trùng”, dù có giải thích rõ trong quy chuẩn quốc gia (ban hành theo Thông tư 30/2010 của Bộ Y tế) cũng không đến được với NTD vì đây là tài liệu mang tính kỹ thuật._Nhãn mác là bản rút gọn của quy chuẩn, nếu khái niệm không rõ ràng sẽ khiến NTD nhầm lẫn”.

 Trong khi nông dân phải đổ bỏ sữa vì không bán được thì mỗi năm Việt Nam phải bỏ ra 1 tỷ USD để nhập khẩu sữa bột nguyên liệu

Trả lại tên cho sữa

Thực tế cho thấy, tình trạng nhập nhèm “đánh lận con đen”, thiếu minh bạch về chất lượng sữa đã diễn ra và kéo dài trong thời gian dài. Câu hỏi đặt ra là đến bao giờ những quy chuẩn mới được hoàn thiện, để NTD được an tâm, đảm bảo đời sống sản xuất cho người nuôi bò sữa, và bảo vệ những DN sữa làm ăn chân chính.

Quy chuẩn quốc gia về sữa do Bộ Y tế ban hành năm 2010 có quy định 7 dòng sản phẩm_ khác nhau. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT): “Quy chuẩn đưa ra lúc đó tương đối phù hợp với thực tế, có quy định rõ ràng thế nào là sữa tiệt trùng, sữa bột, sữa tươi, sữa cô đặc…. Nhưng đến thời điểm hiện tại đã không còn minh bạch nữa”.

Cùng quan điểm này, bà Lê Thị Hợp – Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, nhận định: “Khái niệm “sữa tiệt trùng” làm NTD không phân biệt được đâu là sữa nước làm từ sữa bột, đâu là sữa tươi. “Tiệt trùng” chỉ là khái niệm chỉ công nghệ chế biến, không phải là khái niệm chỉ loại sữa”. Vì vậy, hãng sữa chỉ ghi trên bao bì là “sữa tiệt trùng” mà không chú thích rõ ràng nguyên liệu đầu vào là sữa tươi hay sữa bột hoàn nguyên, là đang “qua mặt” NTD.

Bà Thái Hương cho rằng tình trạng mập mờ nhãn mác đã tước đi quyền được thông tin của người tiêu dùng. Để đảm bảo minh bạch, bảo vệ người tiêu dùng, bà Thái Hương kêu gọi cơ quan chức năng tập trung vào quy chuẩn, bảo vệ cho những sản phẩm chất lượng tốt. Thay vì quy định các DN ghi nhãn sữa thanh trùng hay tiệt trùng, cơ quan chức năng cần quy định nhãn mác các sản phẩm sữa ghi rõ ràng về nguyên liệu đầu vào là sữa bột pha lại (sữa hoàn nguyên), hay sữa tươi.

Đồng tình với quan điểm cần minh bạch thông tin thị trường, ông Nguyễn Quang Thảo, Trưởng Phòng An toàn thực phẩm và Công nghệ sinh học (Vụ KH&CN, Bộ Công Thương), cho biết “Tôi phản đối sử dụng sữa hoàn nguyên nhưng mập mờ khái niệm “sữa tươi” như hiện nay. Sữa tươi là sữa_tươi, còn sữa làm thành bột, đã mất nước, cộng thêm dầu và các thành phần khác vào rồi thì không thể pha lại thành sữa tươi được nữa. Chúng tôi rất không muốn cấp phép lưu hành các nhãn hàng hóa như vậy, nhưng Bộ Y tế đã quy định nên khó thay đổi”.

Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Cao Đức Phát cũng cho rằng chúng ta đang có nguồn cung nguyên liệu sữa tươi rất dồi dào nhưng trong tình trạng vàng thau đang lẫn lộn này nếu không có quy chuẩn chất lượng khó có căn cứ để kiểm soát, xử lý.

Để góp phần trả lại sự minh bạch cho thị trường sữa, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã yêu cầu Cục Chăn nuôi ban hành quy chuẩn chất lượng của sữa tươi nguyên liệu (sữa vắt trực tiếp từ động vật ra, chưa qua xử lý) ngay trong tháng 6/2015.

Rõ ràng, một “tối hậu thư” lúc này là rất cần thiết để ổn định và minh bạch thị trường sữa. Một quy chuẩn hoàn thiện sẽ ngăn chặn doanh nghiệp sẽ lợi dụng “kẽ hở” để nhập khẩu sữa bột hoàn nguyên trục lợi, giúp người nông dân nuôi bò sản xuất ổn định hơn. Và người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em, sẽ được uống sữa tươi thật sự.

Thu Hường- Hiến Nguyễn/Theo TBKD

Có thể bạn quan tâm