Mô hình của UBCKNN làm nóng nghị trường

UBCKNN nên trực thuộc Bộ Tài chính hay Chính phủ là vấn đề thu hút các đại biểu cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV tại hai phiên họp thảo luận về dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), thậm ch
Mô hình của UBCKNN làm nóng nghị trường

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến thành viên Ủy ban cho rằng việc xác lập UBCKNN trở thành cơ quan độc lập, thuộc Chính phủ là cần thiết nhằm nâng cao vai trò, vị thế của cơ quan này là yêu cầu khách quan trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.

Trong giai đoạn trước đây, khi quy mô thị trường còn nhỏ, UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính là nhằm có sự hỗ trợ về chính sách, nguồn lực và các yếu tố để thúc đẩy phát triển, đặc biệt là gắn với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, “giờ chúng ta đã ở tình thế khác”.

“Đủ lớn để ra riêng”

Như hiện nay, việc ban hành các văn bản xử lý khá chậm trễ, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý chậm bởi UBCKNN thuộc Bộ Tài chính nên không được ban hành văn bản pháp quy mà thẩm quyền thanh tra xử lý vi phạm cũng không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Với quy mô gần 3.000 công ty niêm yết và đại chúng và sự phát triển sau này thì việc chậm trễ như hiện nay “sẽ có vấn đề”. Hơn nữa, UBCKNN độc lập sẽ đảm bảo tuân thủ các nguyên tác của Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán (IOSCO) nhằm đáp ứng những yêu cầu đổi mới và cấu trúc lại thị trương tài chính theo hướng giảm áp lực đối với nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng.

Ngoài ra, việc tiện cận với thông lệ quốc tế sẽ giúp tăng sự minh bạch và góp phần nâng hạng thị trường, tạo niềm tin và thu hút nhiều hơn nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Lý do nữa là, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Chính phủ sẽ khắc phục được những tồn tại, bất cập hiện nay, giảm bớt các khâu trung gian trong xử lý các tình huống biến động đáp ứng tính chủ động, kịp thời.

Đồng tình với ý kiến của UBKT, tại phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn tỉnh Bến Tre) cho biết thêm, hiện nay đã có đến 121/128 quốc gia thành viên IOSCO có vị trí độc lập, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán các nước và khu vực đã tạo khoảng cách đối với thị trường Việt Nam.

Sau hơn 10 năm hoạt động, thị trường đã ghi nhận tăng cả về lượng công ty niêm yết lẫn số vốn huy động cho thấy sự ổn định, quy mô của thị trường chứng khoán đã đủ lớn để “ra riêng”. Trong tương lai, khi hệ thống pháp luật và chứng khoán hoàn chỉnh và đầy đủ hơn thì quy mô vốn còn lớn hơn nữa. Do đó, đã đến lúc tách chức năng quản lý nhà nước về tài chính ra khỏi các tổ chức dịch vụ, tổ chức trung gian tài chính, để đạt mục tiêu sứ mệnh của thị trường chứng khoán là kênh quyết định huy động vốn trung dài hạn cho nền kinh tế, không chỉ dừng lại ở mức 71,6% GDP như hiện nay.

Trước đó, tại phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm UBKT Dương Quốc Anh cho biết, vai trò được cho là quá thấp của UBKCNN như hiện nay là rất đáng lo ngại. IOSCO yêu cầu UBCKNN phải có đủ vị thế độc lập và có đủ thẩm quyền trong khi dự thảo luật chưa đảm bảo được hai nguyên tắc này. Từ sự phụ thuộc khiến vai trò của UBCKNN đối với các Sở GDCK và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán cũng hết sức “lơ lửng”.

Bộ trưởng nói trực thuộc là phù hợp

Nêu quan điểm ở hướng ngược lại, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, UBCKNN thuộc Bộ Tài chính như hiện nay là phù hợp với thực tiễn tình hình trong nước, mô hình tổ chức theo thông lệ quốc tế. Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trong thời gian qua, UBCKNN đã phát huy tốt vai trò, hỗ trợ gắn kết cổ phần hóa với niêm yết, đặc biệt là huy động vốn… Trong nhiều năm qua, tình hình kinh tế toàn cầu biến động lớn, thị trường chứng khoán thế giới chao đảo nhưng TTCK Việt Nam vẫn giữ được ổn định, tăng trưởng dù cũng bị ảnh hưởng, tỷ lệ vốn hóa/GDP đạt mục tiêu.

Ngoài ra, theo thông lệ quốc tế, cơ quan quản lý chứng khoán thuộc một trong 3 nơi: Bộ Tài chính, như Malaysia, Bồ Đào Nha; hoặc thuộc Ngân hàng Trung ương (Singapore, Nga...) hay cơ quan giám sát tài chính thuộc Chính phủ (Nhật Bản, Mỹ...). Dù ở mô hình và thuộc cơ quan nào thì cơ quan quản lý chứng khoán cũng đều phải đáp ứng nguyên tắc hoạt động độc lập, có năng lực, thẩm quyền và nguồn lực.

Nêu lên quan điểm cá nhân, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh tinh giản bộ máy, việc để UBCKNN thuộc Bộ Tài chính là điều bình thường.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBCKNN nên là một Thứ trương có thể thay mặt Bộ Tài chính để xử lý nhanh hơn những thủ tục hành chính.

Tương tự, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, cho rằng cơ quan này vẫn nên trực thuộc Bộ Tài chính thay vì là một cơ quan trực thuộc Chính phủ. Theo bà Mai, cần việc rà soát các quy định để đảm bảo chính chủ động và thẩm quyền giải quyết cũng như trách nhiệm của UBCKNN thay vì thành lập một cơ quan mới thuộc Chính phủ.

Vị đại biểu này cho rằng, để nâng cao hiệu quả hoạt động một bộ máy thì không phải cơ quan đó trực thuộc đơn vị nào mà là phải trao cho nó quyền năng gì? Đặt giả thuyết UBCKNN được tách ra hoạt động riêng nhưng không được trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, điều đó cũng không đem lại hiệu quả tích cực. Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (tỉnh An Giang) lại cho rằng, TTCK Việt Nam đã phát triển nhưng chưa thực sự lớn, để tránh những xáo trộn, trước mắt UBCKNN vẫn nên thuộc Bộ Tài chính nhưng cần cho cơ quan này quyền “to hơn” để có thể “quản chứng khoán tốt”.

Trước tình trạng thao túng, làm giá, lũng đoạn thị trường đang gây nhiều bức xúc trong giới đầu tư như hiện nay thì việc UBCKNN hoạt động độc lập hay trưc thuộc Bộ Tài chính thì điều cốt lõi vẫn là thẩm quyền của cơ quan này.

Thực tế, phần lớn các nhà đầu tư nhỏ lẻ trên sàn đều thua chứ không thắng thì việc sửa đổi luật và các quy định liên quan để tăng tính độc lập, quyền của UBCKNN để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư – yếu tố gây dựng sự phát triển của thị trường chứng khoán, làm tăng minh bạch cho thị trường mới là cấp thiết.

>> Luật chứng khoán sửa đổi dự kiến có hiệu lực từ năm 2021

Có thể bạn quan tâm