Môi trường kinh doanh tốt là không để đầu tư quan hệ, phong bì

Môi trường kinh doanh như bể cá, môi trường chính là nước, cá ở đó phải bơi bằng trí tuệ, tài năng, lúc cá đánh nhau thì nhà nước mới can thiệp, bằng môi trường minh bạch. Nếu môi trường không rõ ràng
Môi trường kinh doanh tốt là không để đầu tư quan hệ, phong bì

Đó là chia sẻ của TS Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư chia sẻ ngày 26/10 tại diễn đàn về kiến tạo môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp (DN) tư nhân phát triển.

Tại sao không đầu tư bài bản?

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng, muốn giàu nhanh lên phải luồn lách. Theo ông, như ở Nhật, có người chỉ kinh doanh váng đậu mà họ kinh doanh tới 4-5 đời, kéo dài hàng trăm năm. Ở Việt Nam thì chỉ vài năm sau là chuyển sang bất động sản. Vì thế, bảo DN Việt Nam để đầu tư bài bản, lâu dài là rất khó.

“Cùng đó, có kiểu làm ăn theo trào lưu “bầy đàn”, nhìn thấy được ăn là nhảy nháo nhào vào. Ở Việt Nam rất nhiều “quân ta đánh quân mình”, lúc bị thương DN nước ngoài họ hốt hết”- ông Đoàn nói. Ông Đoàn cũng cho rằng, về hỗ trợ, chúng ta đang đi “chữa cháy”, quá nhiều đám cháy, dập mất nhiều thời gian. Cái quan trọng là làm thế nào cho DN khỏe, phòng bệnh còn hơn đi chữa bệnh, nên chính sách phải hướng đến phòng hơn chống”.

Liên quan đến đội ngũ công chức thực thi công vụ, ông Đoàn cho rằng, đa số các chính sách với DN đều tốt, nhưng quan trọng là con người thực thi. Có thể năng lực của họ có vấn đề, hoặc họ nhũng nhiễu, tiêu cực. Do vậy, ông Đoàn đề xuất trong bộ máy chính quyền mở ra để doanh nhân thành công, có cơ hội tham gia.

Từ góc độ của của chính sách, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, những rào cản với DN đó là gánh nặng rủi ro pháp lý, an toàn và bảo vệ quyền tài sản, chính sách cạnh tranh kém và quản trị yếu. Theo ông Hiếu, các nghị quyết của Chính phủ vừa qua chỉ tập trung giảm gánh nặng chi phí và thời gian ở mức gia nhập thị trường, còn vấn đề cạnh tranh, quản trị… thì chưa được nói nhiều đến. Như vậy, còn nhiều dư địa để cải cách nhưng chúng ta chưa nói đến.

Còn vì sao DN không đầu tư lâu dài? Ông Hiếu cho rằng, nhà nước đang có nhiều biện pháp can thiệp quá sâu và thị trường, làm sai lệch tín hiệu thị trường. Đơn cử, như nhà nước quy hoạch bao nhiêu héc ta cà phê, bao nhiêu héc ta cam, chuối… trong khi đây là vấn đề của DN, nhìn vào tín hiệu để quyết định diện tích là bao nhiêu, đầu tư cái gì, thế nào.

Doanh nghiệp không lớn

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, hiện Việt Nam có hơn 600 ngàn DN tư nhân đang hoạt động, dự kiến đến năm 2020 sẽ có 1 triệu DN. Hầu hết các DN tư nhân là DN mới thành lập, siêu nhỏ. Qua khảo sát, DN đang gặp khó khăn về khách hàng, thị trường, tiếp cận vốn, lao động, thanh kiểm tra, tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức…

Theo ông Tuấn, DN quy mô bé, hiệu quả kinh doanh cũng thấp. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên, qua khảo sát, các DN đều khá lạc quan với 48% số doanh nghiệp được điều tra cho biết sẽ mở rộng quy mô trong hai năm tới. Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết, một thực tế là, DN càng lớn càng có khả năng tiếp cận vốn và ngược lại doanh nghiệp càng bé thì khả năng tiếp cận vốn càng thấp. DN nhỏ, phải huy động vốn từ người thân quen, thậm chí từ tín dụng đen.

Có tới 65% DN gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính đất đai. Cùng đó, DN càng lớn càng bị thanh kiểm tra nhiều hơn. “Thực tế này cho thấy, nhiều DN càng không muốn lớn, lớn càng rủi ro, càng tốn chi phí” – ông Tuấn nói. TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng: “Nói DN tư nhân tiếp cận vốn khó hơn, tốn kém hơn? Chi phí không chính thức cao. Thực ra, DN kêu cứ kêu, chi cứ chi vì cuối cùng với DN là lợi nhuận, có lời là họ chi”.

Theo ông Ánh, qua các điều tra, có khoảng 50% DN nhỏ và vừa không không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, thậm chí tiếp cận tín dụng vốn đen. “Quanh nhà tôi, không cần thế chấp gì cả, chỉ cần có điện thoại là có mấy chục triệu!”- ông Ánh nói.

Nói về lý do DN lớn xin đất dễ hơn DN nhỏ, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng: “Muốn lấy đất kinh doanh bây giờ, gần như không có cơ hội cho DN nhỏ. DN thì có tiền để trang trải, đầu tư quan hệ vào người có quyền quyết định. Thậm chí có DN lớn thuê được đất rồi, còn không cần phải nộp tiền thuê đất này. Đây là câu chuyện ít ai biết”.

DN kinh doanh đàng hoàng chỉ lãi 2-4%, nhưng tại sao phải chi tới 10% cho khoản phi chính thức? DN Việt Nam đa số lớn lên bằng đất và cái lãi đó lớn hơn rất nhiều chứ không phải 2-4%, nhưng cái lãi đó phải chia cho nhiều người khác. 80% đại gia Việt Nam lớn lên bằng đất”.

GS Đặng Hùng Võ

 Theo Tiền Phong

Có thể bạn quan tâm