Mỗi tuần một cổ phiếu: HPG của Hòa Phát sẽ vượt qua sóng gió?

CTCK Bản Việt (VCSC) vừa đưa ra khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát với giá mục tiêu 33.000 đồng/cp, tương ứng với tổng mức sinh lời dự phóng 52,8%.
Mỗi tuần một cổ phiếu: HPG của Hòa Phát sẽ vượt qua sóng gió?

Tại mức giá như hiện nay, cổ phiếu HPG đang giao dịch với P/E và P/B dự phóng năm 2019 lần lượt là 8 lần và 1,2 lần.

Theo kết quả kinh doanh mới được Tập đoàn Hòa Phát công bố, quý III/2019, công ty đạt 15.350 tỷ đồng doanh thu và 1.974 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát đã hoàn thành 66% kế hoạch doanh thu và 84% lợi nhuận sau thuế năm 2019 với 5.655 tỷ đồng.

Theo VCSC, mặc dù kế quả kinh doanh không mấy khả quan nhưng quý III thường là mùa thấp điểm cho hoạt động xây dựng, vì vậy, diễn biến cổ phiếu HPG không bị tác động nhiều. Kể từ tuần trước (21-25/10) tới nay, cổ phiếu HPG đã ghi nhận 4 phiên tăng giá từ mức 21.200 đồng/cp lên 22.200 đồng/cp, tương đương 4,7%.

Biên lợi nhuận cốt lõi của Hòa Phát hiện nay là 15,9% với ưu điểm lò sản xuất giúp giảm chi phí nguyên liệu và giá thành thép thấp hơn 20% so với công ty khác.

Chuyên gia của VCSC nhận mạnh, nhìn vào kết quả kinh doanh của Hòa Phát có thể thấy dù lợi nhuận giảm nhẹ nhưng doanh thu vẫn tăng trưởng. Điều này chứng tỏ doanh nghiệp vẫn đang kinh doanh tốt, vừa bán nhiều hàng và mở rộng thị phần nhưng do giá bán ra giảm nhiều nên lợi nhuận cũng giảm theo.

Tuy nhiên, với tốc độ giảm mạnh của giá nguyên liệu đầu vào hơn so với giá thép bán ra từ đầu tháng 8/2019, thì chắc chắn quý IV Hòa Phát sẽ có một con sóng nhỏ cho sự hồi phục của lợi nhuận.

Trong 9 tháng vừa qua, thép Hòa Phát đã cho ra thị trường gần 2 triệu tấn, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Thị phần thép Hòa Phát vững vàng ở vị trí số 1 Việt Nam với 25%. Sản lượng bán hàng khu vực miền Nam tăng mạnh nhất, gần gấp đôi cùng kỳ năm trước với 280.000 tấn. Tiếp đó là khu vực miền Trung với gần 300.000 tấn, tăng 53% so với 9 tháng 2018.

Đối với mảng xuất khẩu, thép cuộn chất lượng cao của Hòa Phát được đón nhận tích cực trên thị trường thế giới, đặc biệt là Nhật Bản, Campuchia và một số quốc gia khác. Tổng lượng xuất khẩu từ đầu năm đến nay đã đạt 191.600 tấn, tăng trên 32%, chiếm gần 10% tổng sản lượng bán hàng.

Sản phẩm ống thép của Hòa Phát thời gian vừa qua đạt sản lượng 550.100 tấn, tăng 14,5% so với cùng kỳ, duy trì thị phần số 1 với 30,66%. Ngoài ra, Công ty tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm tới nhiều quốc gia với sản lượng 14.100 tấn, tăng gần 10%. Trong quý IV/2019, Ống thép Hòa Phát sẽ cho ra đời ống thép cỡ lớn.

Khu liên hợp gang thép Dung Quất
Khu liên hợp gang thép Dung Quất 

Điểm sáng khác trong quý III vừa qua là lĩnh vực nông nghiệp, trong đó sản lượng cung cấp bò Úc, trứng gà sạch, heo an toàn sinh học đã vươn lên top dẫn đầu cả nước và đóng góp doanh thu lớn thứ 2 cho Hòa Phát với 12% (khoảng 1.840 tỷ).

Trong thời gian tới, Tập đoàn tiếp tục dồn lực để hoàn thành dự án Dung Quất theo tiến độ đề ra, phấn đấu chạy thử lò cao số 2 trong tháng 11 tới. Dự kiến, cuối quý I/2020, Hòa Phát sẽ có sản phẩm thép dẹt cán nóng (HRC) cung cấp cho thị trường. Đây cũng là thời điểm dự kiến mở bán khu đô thị Bắc Phố Nối – Hưng Yên, do Hòa Phát làm chủ đầu tư. 

Từ những yếu tố trên, rõ ràng Hòa Phát là một doanh nghiệp rất tiềm năng nhưng cổ phiếu HPG lại có diễn biến ngược chiều khi đi ngang tạo đáy trong một thời gian khá dài tại vùng giá 21.000-22.000 đồng/cp khiến các nhà đầu tư chán nản.

Tuy nhiên, nhìn về quá khứ không thiếu những lúc mã này “trồi sụt” mạnh nhưng sau mỗi giai đoạn đó, giá trị mà HPG đem lại cho cổ đông là không hề nhỏ.

Giai đoạn 2014 – 2015, giá cổ phiếu HPG đã giảm liên tục trong hơn 9 tháng liên tục từ mức giá 14.930 đồng/cp (giá điều chỉnh ngày 8/9/2014) xuống còn 9.510 đồng/cp (phiên 5/6/2015), tương đương mức giảm hơn 36%.

Nếu nhà đầu tư kiên trì nắm giữ cổ phiếu HPG từ thời điểm đó đến hiện tại, họ sẽ hưởng mức sinh lời là 133,4%, tương đương bình quân sinh lời 33%/năm.

Ở giai đoạn 2017 – 2018, cổ phiếu HPG cũng có thời điểm giảm giá mạnh xuống 18.730 đồng/cổ phiếu (giá điều chỉnh). Thời điểm đó, một số ý kiến lý giải cổ phiếu giảm do Tập đoàn chi “lớn” khen thưởng Ban điều hành, nhân viên tập đoàn (500 tỷ đồng) trong bối cảnh phải đầu tư thực hiện dự án thép ở Dung Quất với tổng mức là 52.000 tỷ đồng; ngoài ra, HPG trong năm 2017 cũng đặt mục tiêu doanh thu tăng khoảng 12% so với năm 2016 lên 38.000 tỷ đồng, nhưng mục tiêu lợi nhuận sau thuế giảm trên 24% còn 5.000 tỷ đồng. Cho đến hết năm 2018, cổ phiếu HPG tăng trưởng 78,72%.

Tuy vậy, VCSC cho rằng rủi ro cũng đến từ chính Khu liên hợp gang thép Dung Quất trong trường hợp hiệu suất hoạt động thấp hơn so với dự kiến, biên lợi nhuận giảm mạnh hơn so với dự kiến do biến động của giá quặng sắt.

Có thể bạn quan tâm