Một năm bão tố, ai chèo lái JVC?

Những gương mặt mới xuất hiện và sự ra đi của các thành viên trong gia đình ông Hướng tại Công ty CP thiết bị Y tế Việt Nam (mã: JVC) sau một năm sóng gió, liệu giúp công ty thoát khỏi bão tố?
Một năm bão tố, ai chèo lái JVC?

Đã một năm kể từ sự kiện xảy đến với CTCP Y tế Việt Nhật (HOSE: JVC) liên quan đến người đứng đầu Công ty - Chủ tịch Lê Văn Hướng, khiến cổ phiếu này trở thành nỗi ám ảnh và là bài học “xương máu” của không ít nhà đầu tư trên thị trường.

Niêm yết lên Sở GDCK Tp.HCM (HOSE) vào năm 2011, với 4 lần phát hành cổ phần tăng vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, JVC đã nâng vốn điều lệ cgấp 5 lần lên 1.125 tỷ đồng. JVC  trở thành một trong những công ty dẫn đầu về lĩnh vực cung cấp các sản phẩm y tế với lợi thế là đơn vị phân phối độc quyền của Hitachi, bên cạnh một số thương hiệu khác như Fujifilm, Konica, Horizon…

Khi đó, quỹ DI Asian Industry (DI) là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 19.4%, đứng thứ hai là Chủ tịch Lê Văn Hướng đang sở hữu 11.9% cổ phần. Cổ phiếu JVC cũng được rất nhiều công ty chứng khoán (CTCK) đánh giá là một cổ phiếu có cơ bản tốt, được nắm giữ bởi nhiều tổ chức lớn như DI Asian Industrial Fund, Dragon Capital, Vietnam Equity Holding… và luôn trong trạng thái “kín room” khi khối ngoại đã nắm đến 49% tỷ lệ sở hữu.

Tuy nhiên, cổ phiếu bắt đầu trượt dốc thảm hại khi xuất hiện tin đồn Chủ tịch Lê Văn Hướng đã bị bắt. Từ mốc hơn 22.000 đồng/cp vào ngày 08/06/2015, với dư bán hàng triệu cp mỗi phiên cổ phiếu JVC đã lao dốc không phanh dưới sự ngỡ ngàng của bao nhà đầu tư.

Đến ngày 23/06/2015, thông tin liên quan đến Chủ tịch Lê Văn Hướng đã được JVC chính thức công bố. Theo đó, ông Lê Văn Hướng đã bị tạm giam (17/06/2015) để phục vụ điều tra làm rõ một số sai phạm cá nhân. Thời điểm này, cổ phiếu JVC chỉ còn khoảng 11.000 đồng/cp, bốc hơi 50% giá trị tính từ khi tin đồn xuất hiện. Tiếp sau đó là hàng loạt thông tin giải chấp cổ phiếu của ông Hướng và các thành viên trong gia đình.

Những nhịp hồi chóng vánh không thể giúp chặn đà rơi của cổ phiếu, tính đến đầu năm 2016, cổ phiếu JVC đã xuống tới ngưỡng 4,000 – 5,000 đồng/cp và đi ngang cho đến hiện tại. Như vậy, cổ phiếu JVC đã bay hơn 82% giá trị qua câu chuyện này. Cũng cần lưu ý là những nhịp hồi trong quá trình lao dốc của cổ phiếu JVC trước đây đều ít nhiều có liên quan đến những tin đồn về sự trở lại của Nguyên Chủ tịch Lê Văn Hướng, mặc dù cho hiện tại đã hơn một năm qua đi vẫn chưa có thông tin gì mới được tiết lộ.

Ngã rẽ mới?

Một năm sau sự kiện này, JVC tiếp tục có những biến động lớn về nhân sự. Những thành viên HĐQT và BKS của nhiệm kỳ 2011 – 2016 được bầu ra trước đây, những cá nhân có mối liên quan đến ông Hướng đã dần rút lui khỏi những vị trí quan trọng trong ban lãnh đạo, thay vào đó là sự xuất hiện của những nhân vật có chuyên môn về tài chính, kế toán, kiểm toán. Cuối tháng 4/2016, HĐQT JVC đã nhận được đơn từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT của bà Nguyễn Phương Hạnh (nguyên Thành viên HĐQT JVC, vợ ông Lê Văn Hướng) và bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh vì lý do cá nhân.

Sau đó, HĐQT cũng thông qua việc miễn nhiệm chức danh người đại diện vốn góp/người đại diện theo ủy quyền của bà Hạnh tại Công ty TNHH Kyoto Medical Science (công ty con do JVC sở hữu 100% vốn). Chỉ sau đó 6 ngày (04/05/2016), HĐQT tiếp tục miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT của ông Lê Văn Hướng do HĐQT xét thấy ông Hướng không tham gia cuộc họp định kỳ của HĐQT liên tục 6 tháng kể từ ngày bị tạm giam.

Ngày 06/06, bà Đỗ Thị Ngọc Hoa đã có đơn xin từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT và 8 ngày sau đó (14/06), Chủ tịch JVC Lê Văn Giáp, từng là trợ lý của ông Hướng đã được HĐQT thông qua miễn nhiệm chức danh Chủ tịch kiêm Giám đốc.

Những nhân vật được bổ nhiệm, gồm ông Nguyễn Mạnh Cường, ông Nguyễn Thế Hướng và ông Đỗ Thanh Tùng. Theo giới thiệu của JVC, các thành viên mới đều là những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán, từng có thời gian công tác tại các tổ chức tài chính quốc tế, song không có chi tiết lý lịch trích ngang của từng thành viên.

Ông Đỗ Thanh Tùng sau đó đã được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ và là người đại diện theo pháp luật của JVC thay cho ông Lê Văn Giáp. Như vậy, HĐQT JVC sau biến cố đã giảm từ 6 thành viên xuống còn 5 thành viên, trong đó 4 thành viên cũ đã lần lượt có đơn xin nhiệm thay vào đó là 3 thành viên mới. Không chỉ biến động về nhân sự HĐQT, BKS của JVC cũng có sự thay đổi đáng kể. Ngày 07/07/2016, 2/3 thành viên BKS, bao gồm cả Trưởng BKS là ông Nguyễn Hữu Thắng và bà Phạm Thị Thanh Xuân đã có đơn xin từ nhiệm. Theo đó, BKS của JVC chỉ còn lại 1 thành viên là ông Nguyễn Văn Dương.

Điều gì đang chờ đợi phía trước?

Liệu sự thay máu HĐQT có giúp vực lại một JVC đang chìm trong khó khăn, bởi hệ lụy của sự việc đối với Nguyên Chủ tịch HĐQT Lê Văn Hướng đã tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của JVC? Kết thúc năm 2015, JVC lỗ ròng hơn 700 tỷ đồng, trong khi kết quả này ghi nhận năm 2014 là lãi ròng gần 220 tỷ đồng.

Tổng tài sản giảm từ 2,551 tỷ cuối năm 2014 chỉ còn 1,474 tỷ cuối năm 2015.

Biến cố ông Lê Văn Hướng đã có những ảnh hưởng nhất định đến khách hàng, doanh thu bán hàng bị sụt giảm, các dự án chuẩn bị triển khai bị hủy hoặc trì hoãn. Từ đây, lộ diện hàng loạt vấn đề về quản trị phải thu, hàng tồn kho và minh bạch trong số liệu BCTC của JVC.

Trong khoản lỗ hơn 700 tỷ ghi nhận năm 2015, nguyên nhân chính nằm ở vấn đề trích lập dự phòng phải thu khó đòi, xóa sổ một số khoản tạm ứng (bao gồm cả tạm ứng cho một số thành viên trong Ban Giám đốc) và một phần từ hoạt động kinh doanh dưới giá vốn trong quý 4/2015.

Những gì mà HĐQT mới phải đối mặt là uy tín và hoạt động kinh doanh của Công ty đang trên đà giảm sút nghiêm trọng, bắt đầu lộ diện những bất ổn, mất những mối quan hệ bạn hàng và đối tác vốn dĩ đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực y tế.

Riêng trong quý 3 và quý 4/2015, kết quả kinh doanh của JVC đã xuất hiện các khoản giảm trừ doanh thu, trong đó chủ yếu là hàng bán trả lại với giá trị gần 27 tỷ đồng, điều mà trước đây (năm 2013, 2014) chưa từng xuất hiện. Lòng tin của cổ đông đối với Công ty cũng suy giảm thể hiện ở sự tham dự  ĐHĐCĐ thường niên năm 2015, buổi gặp mặt nhà đầu tư ngay sau sự việc của ông Hướng bị bắt.  

Ba lần tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 tại Hà Nội, không có lần nào kết thúc trước 12h trưa, có những cổ đông ở Tp.HCM nhưng cả 3 lần đều có mặt. Những chất vấn căng thẳng về tình hình quản trị, số liệu trên BCTC, tình hình triển khai các hợp đồng, đánh giá ảnh hưởng của việc ông Hướng bị tạm giam, sự tham gia của quỹ DI và đặc biệt là triển vọng tương lai của JVC được các cổ đông đặt ra với HĐQT.

Khi đó, vai trò ông Lê Văn Giáp với cương vị tân Chủ tịch HĐQT đã khiến không ít cổ đông nản lòng, bởi đa phần các chất vấn đều do bà Hồ Thị Bích Ngọc, Kế toán trưởng kiêm Thành viên HĐQT JVC trả lời thay. Những lời hứa của HĐQT khi đó về kết quả kinh doanh, rằng tình hình tài chính khó khăn đã qua đi đã không “ứng nghiệm”.

Mặc dù khoản trích lập dự phòng không còn đột biến như quý 2/2015 (theo niên độ tài chính) nhưng quý 4/2015 Công ty vẫn lỗ ròng hơn 100 tỷ đồng, bên cạnh việc tiếp tục trích lập, nguyên nhân chính dẫn tới khoản lỗ này là việc kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lỗ gộp hơn 44 tỷ đồng, lần đầu tiên kể từ khi JVC niêm yết trên HOSE.

Do khác niên độ kế toán so với đa phần các doanh nghiệp đang niêm yết nên JVC hiện vẫn chưa phải thực hiện tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2016. Tuy nhiên với sự xuất hiện của những nhân vật hoàn toàn mới, Đại hội lần này sẽ là phép thử quan trọng cho sự ra mắt của Ban Lãnh đạo mới và cũng là căn cứ ban đầu để trả lời cho câu hỏi, liệu JVC có thể vượt qua được khó khăn hiện tại và khôi phục lại vị thế như trước đây hay không?

Theo Vietstock

Có thể bạn quan tâm