Một ngày thơm mát thanh hao

Một chiều thu tôi sửng sốt “lạc” vào rừng thông và bãi thanh hao phía nam chân núi Côn Sơn. Trái tim như hẫng nhịp, lòng mềm lại, dường như tôi vừa may mắn “mua được chiếc vé về lại tuổi thơ xưa…”
Một ngày thơm mát thanh hao

Là con gái xứ Đông đã quen với Côn Sơn, Kiếp Bạc và năm ngọn núi thiêng Ngũ Nhạc Linh Từ… Vậy mà một chiều thu tôi sửng sốt “lạc” vào rừng thông và bãi thanh hao phía nam chân núi Côn Sơn. Trái tim như hẫng nhịp, lòng mềm lại, dường như tôi vừa may mắn “mua được chiếc vé về lại tuổi thơ xưa…”

Năm 1977 chúng tôi được cô Mai – cô giáo dạy văn xinh đẹp của trường cấp 3 Hồng Quang đưa đi thi học sinh giỏi văn lớp 10 của tỉnh tại huyện Chí Linh. Chiều, cô trò đạp xe từ thị xã Hải Dương qua Nam Sách tới Chí Linh tầm 30 cây số. Cảm giác trong tôi lúc ấy và đến tận bây giờ vẫn nhớ thấy ngợp vì cây rừng, vì một khung cảnh mới lạ đầy hoang sơ, bí hiểm và cả vì sự tĩnh lặng của trời đất nới này. Chí Linh bắt đầu tôi tối. Hai bên đường rừng thông xanh thẫm im phắc nghiêm nghị ngó theo, chiếc xe đạp cũ một bên phanh bị hỏng cứ lồng cồng cộc chạy tuốt xuống chân đèo. Chỉ có tiếng xe của chúng tôi phá tan sự yên ắng. Dốc cứ như dài mãi ra. May mà chúng tôi không ngã, không đâm vào ai đó mới tài! Mùi đất âm ẩm ngai ngái, mùi cây rừng, nhất là mùi thông thơm hăng hăng cứ dâng ngập trong lồng ngực. Hăm hở đi giữa những cánh rừng thông chúng tôi nghĩ đến những bài thơ về Côn Sơn của Nguyễn Trãi và mơ về đề thi sớm hôm sau. Thế mà đề ra khác hẳn chẳng ăn nhập gì với những điều tưởng tượng bay bổng của những cô cậu học trò ngày ấy…

Sau này tôi còn nhiều dịp đưa bạn bè, trong đó có cả đoàn nhà văn Hàn Quốc về thăm vùng đất địa Linh nhân kiệt này. Chí Linh không chỉ quyến rũ về cảnh mà còn hấp dẫn bởi những con người huyền thoại chọn đây làm điểm tụ. Thiên tài quân sự, anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, tôn thất nhà Trần hiền tướng Trần Nguyên Đán, Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, thầy giáo của muôn đời Chu Văn An…Dường như mỗi ngọn núi mỗi góc rừng ở Chí Linh đều in dấu ấn lịch sử, thấm đẫm văn hóa và trở nên thiêng liêng, thật đúng như người xưa nói:

"Núi không nhờ cao, có tiên mà được tiếng

Sông không nhờ sâu, có rồng mà nên thiêng"

Trong nhiều tiểu thuyết của mình, tôi đã trở đi trở lại với Chí Linh, khi là Ngũ Nhạc Linh Từ với cách tế lễ trời đất cầu quốc thái dân an, mùa màng bội thu. Vào mùa xuân, vua phát thóc, đỗ, lạc, vừng năm loại đã được hấp thu tinh khí của trời đất cho dân về trồng cấy… Rồi một trại phong nhân ái nằm ngay dưới những vạt thông vắng vẻ.

Tôi từng thoả sức tưởng tượng trong “Chần trần” về một thành phố mơ ước với rừng thông vẹn nguyên vẻ khởi sinh cùng những con người còn sót lại của một thời “Bà Chúa Sao Sa” khát học mà chăm cấy cầy gặt hái…

Tôi cứ tưởng mình đã biết khá nhiều về Chí Linh và yêu cũng đã đủ. Tôi thích về chùa Côn Sơn vào ngày không phải hội, tự thấy lòng mình cũng tĩnh lặng an yên,  thích leo lên những nơi vắng vẻ ở Côn Sơn, thấm lòng mình cái mong ước của Ức Trai tiên sinh thật nhã và đầy da diết:

 “Bao giờ làm được nhà dưới gió mây

Để múc nước khe nấu trà và gối đá ngủ”

Gần trưa, qua con đường đất hai bên nhấp nhô những vạt thanh hao xanh vàng dưới nắng, một góc rừng thưa như òa ra trước mắt tôi. Tầng trên là những cây thông xanh trầm mặc giờ cũng như rạng rỡ tươi vui dưới nắng…Ngay bên dưới gốc thông là những lớp lớp thanh hao rộn ràng, quấn quýt thơm hăng hăng, ngòn ngọt. Tôi đờ người trước bức tranh thiên nhiên tuyệt sắc. Nắng cuối thu vàng sánh hanh hao màu mật rót xuống giữa những tán cây. Tôi bước trên tấm nệm dệt bằng những sợi thông khô xôm xốp lòng chùng xuống. Nhớ thời sơ tán về Anh Chuối, bên con đường rợp hai hàng phi lao, vẫn nguyên hình ảnh hai đứa bé kéo lê chiếc thúng thi nhau vơ lá khô đầy gốc. Thằng bé dường như đã chán, hếch mắt nhìn lên cao, môi đỏ thưỡi ra - về nấu cơm đi chị! Như có tiếng cười đâu đó ngay bên – xưa hay nay - tiếng cười thân thương thế!

Cô bạn đi cùng khẽ động vào vai - chụp ảnh đã chị ơi, nắng đẹp nhất trong ngày đấy… Tôi sà vào giữa bãi thanh hao, nghe mùi hăng thơm ướp vào trong phổi, thấy cả chân tay đầu tóc mình cũng thơm nức mùi dầu khuynh diệp. Những chiếc lá hình kim chọc cả vào má như đánh thức tuổi nghịch ngợm ngày nào. Người ta bảo rằng cây thanh hao có sức sống bền bỉ, chẳng cần chăm sóc gì nhiều. Khi thanh hao đã trưởng thành người ta cắt cành phơi khô làm chổi (gọi là chổi rễ). Cái chổi quen thuộc với tôi từ tấm bé – nâu nâu, thơm thơm, quơ đâu sạch đấy. Gốc thanh hao già, cứng cáp, to gộc chờ mùa xuân tới, chờ những hạt mưa và gió xuân ấm áp là bật cành vụt dậy. Chả mấy mà những cành thanh hao, dài nhỏ đã thành từng búi um tùm và lại bắt đầu một hành trình mới…

Nhà văn Đỗ Thị Hiền Hòa quê ở đây đã kể với tôi rằng chị thường chân trần vượt qua bãi thanh hao đến trường suốt những năm thơ ấu. Ngay cả những người cao tuổi trong làng cũng không biết bãi thanh hao có từ bao giờ, từ khi họ lớn đã thấy xanh tốt mênh mông mỗi mùa như thế…Theo truyền thuyết dân gian thì Tư đồ Trần Nguyên Đán sau sự nghiệp hiển hách chốn quan trường, những năm cuối đời đã cáo quan lui về Côn Sơn. Ông tự tay trồng những cây thông và vợ ông trồng thanh hao hoa trắng dưới chân những gốc thông, tạo ra những Bãi Rễ (tên địa phương gọi thanh hao). Để đến tận bây giờ vẫn còn câu “ông trồng thông, bà trồng rễ” là vậy. Trong dân gian cũng lưu truyền cách chữa bệnh bằng thanh hao. Nhà có người đau bụng, cho nằm lên võng thưa và đốt cành thanh hao khô xông khói. Tôi nhớ bà ngoại những ngày cuối năm sau khi quét tước dọn dẹp sạch sẽ trong nhà ngoài sân bèn lấy chổi rễ thanh hao đã cùn, đốt cùng đống lá khô “cho quang quẻ cửa nhà, không khí thanh sạch đón năm mới… “Tôi còn nghe nói nhiều bà nhiều chị xưa vẫn hái thanh hao đặt vào tủ quần áo cho thơm sạch hay ủ vào chum vại đựng đỗ, lạc để tránh nhậy và sâu bọ…

Ngồi dưới gốc thông già, tôi mơ màng thật lâu. Những vui buồn đã trải trên chặng đường dài chợt lướt qua, những khao khát lâu nay bị chìm lấp dường như sống dậy và trên hết là lòng biết ơn, với tạo hóa, với cuộc đời, tất cả… bởi chỉ trong một góc rừng nhỏ này tôi biết thêm một vẻ đẹp được gìn giữ bởi thiên nhiên và con người, có thêm nhiều điều để nhớ, giữ nguyên vẹn cho tôi khoảng trời ướp đầy hương trong tâm trí…

Gần đến lúc ra xe tôi gặp người chủ khu Bãi Rễ - anh là cựu chiến binh đã đấu giá khu rừng này để “tập làm doanh nghiệp”: “Cô viết về Bãi Rễ giúp tôi. Tôi chỉ thu hoạch rễ từ góc xa đằng kia, còn góc rừng đẹp nhất này cố dành đến Tết cho mọi người về thưởng thức…”

Tôi mang theo lời nhắn gửi của con người chân chất ấy cùng một bó thanh hao hoa trắng về tận Hà Nội. Bên tôi giờ lúc nào cũng dịu mùi thơm mát. Ngay cả trên mấy đầu ngón tay cũng phảng phất hương thanh hao đến nao lòng.

Có thể bạn quan tâm