Mức độ chuyển giao công nghệ của khu vực FDI: Chưa đạt như kỳ vọng

Không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của khu vực FDI trong suốt hơn 30 năm qua tại Việt Nam (1987- 2017), song, một trong những kỳ vọng mà khu vực FDI chưa đạt được, đó là chuyển giao công nghệ
Mức độ chuyển giao công nghệ của khu vực FDI: Chưa đạt như kỳ vọng

Không như mong đợi

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 9/2017, Việt Nam thu hút được 24.199 dự án FDI đến từ 116 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với tổng vốn đăng ký đạt 310,19 tỷ USD. Mặc dù là một trong những quốc gia có sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhưng theo đánh giá, mức độ CGCN của khu vực FDI đến với khu vực kinh tế trong nước còn rất thấp so với các quốc gia trong khu vực và thậm chí ngày càng giảm. Cụ thể, năm 2009, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 57 trên thế giới về hiệu quả CGCN, nhưng đến năm 2014 đã tụt xuống vị trí thứ 103, giảm 46 bậc so với năm 2009. Thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Malaysia xếp thứ 13, Thái Lan xếp thứ 36, Indonesia xếp thứ 39 và Campuchia xếp thứ 44.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết: Các DN FDI đầu tư vào Việt Nam mục đích để sản xuất, kinh doanh và tìm kiếm lợi nhuận, họ tận dụng những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, nhân công giá rẻ, thị trường tiêu thụ rộng lớn… để tăng doanh thu, chứ không phải mục đích CGCN cho DN trong nước. Do đó, việc CGCN từ DN FDI rất hạn chế.

TS. Lê Thị Khánh Vân - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ và Khởi nghiệp cho hay: Đa số các DN FDI đầu tư vào Việt Nam bằng hình thức 100% vốn nước ngoài chứ không phải bằng hình thức liên doanh, liên kết, do đó họ không có trách nhiệm phải CGCN cho các DN Việt Nam. Cũng không có một điều khoản nào quy định các DN FDI phải có trách nhiệm CGCN cho DN trong nước.

Cần cơ chế, chính sách

Thừa nhận vấn đề CGCN từ các DN FDI là rất hạn chế, song, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để thúc đẩy CGCN từ khu vực DN FDI, bên cạnh sự chủ động của các DN trong nước, cần thêm các chính sách từ các cơ quan chức năng.

Theo ông Lê Duy Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, các DN trong nước cần chủ động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, tạo cơ chế thu hút người lao động từng làm việc tại các DN FDI, tạo cơ chế thuận lợi tiếp nhận công nghệ nước ngoài. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần đưa ra những chính sách khuyến khích và điều kiện bắt buộc đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam. Ví dụ, DN FDI đầu tư vào Việt Nam cần phải đạt tỷ lệ nội địa hóa 60%, đây sẽ là cơ sở để DN FDI liên kết với các DN trong nước chặt chẽ hơn nữa, thúc đẩy CGCN.

Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - cho rằng: Cần nêu cao vai trò của các hiệp hội DN trong việc thúc đẩy CGCN khu vực FDI. Trong đó, các hiệp hội sẽ đóng vai trò thúc đẩy, tạo ra các mối liên kết dọc, ngang giữa các DN FDI và DN trong nước, tạo thêm những cơ hội để khu vực DN trong nước tăng cường kết nối, tiếp cận với khoa học -công nghệ và chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng: Luật CGCN 2017 vừa giúp quản lý tốt, tránh Việt Nam trở thành “bãi rác” công nghệ của thế giới, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam.

Theo Báo Công Thương

Có thể bạn quan tâm