Mỹ sẽ đòi hỏi gì để quay lại TPP?

Ông Trump liên tục nhấn mạnh rằng, Mỹ quay lại TPP nếu có một thỏa thuận tốt hơn. Vậy ông Trump sẽ muốn tái đàm phán điều khoản nào nếu quay lại?
Mỹ sẽ đòi hỏi gì để quay lại TPP?

Trong phiên bản sửa đổi của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà 11 nước thành viên vừa ký kết, có 20 điều khoản đã được "đóng băng" so với thỏa thuận ban đầu.

Trong số đó có điều khoản về tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm hóa sinh, kéo dài thời hạn bản quyền và giảm các rào các cho các công ty vận chuyển. Có 18 trang đã bị bỏ qua là chương về sở hữu trí tuệ. Đây đều là các nội dung Washington cho là rất quan trọng và cũng là một trong những điều khoản khó đàm phán nhất. Như vậy, nếu quay lại TPP, rất có thể Mỹ sẽ muốn mở lại các điều khoản "treo" này.

Ngoài ra, khả năng Mỹ quay lại với hiệp định có thể sẽ dẫn đến việc mở lại các vòng đàm phán về một số vấn đề khó khăn với cả các thành viên còn lại, như vấn đề thuế xe tải hay mức độ mở cửa ngành công nghiệp ô tô trong nước của Nhật Bản. Tokyo mong muốn vẫn tiếp tục được nhập phụ tùng từ các nước không nằm trong hiệp định, chẳng hạn như Thái Lan.

Ngoài ra, Washington sẽ đòi hỏi thêm các nhượng bộ cho cho nông sản Mỹ, chủ yếu được sản xuất tại các bang mà ông Trump thắng được nhiều phiếu nhất trong cuộc bầu cử Tổng thống 2016. Gạo, sản phẩm mà Nhật Bản xem là vấn đề quan trọng của an ninh quố gia, có thể là một trong những điều khoản “khó nhằn” nhất trong danh sách đàm phán. Các thành viên của TPP ban đầu quyết định gạt ra để “chiều ý” Nhật Bản.

Như vậy, về mặt kỹ thuật, việc khôi phục các điều khoản bị đình chỉ sẽ không khó. Củng cố các điều khoản này mới là vấn đề. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, sẽ không dễ dàng để đàm phán lại khi 11 thành viên còn lại đã thay đổi các thỏa thuận.

Ông Stephen Olson, Hinrich Foundation - tổ chức nghiên cứu thương mại quốc tế đặt tại Hongkong nhận định, Washington vẫn cho rằng, họ sẽ được chào đón trở lại TPP nhưng vấn đề chính yếu là phản ứng của các nước thành viên TPP-11.

Nhà nghiên cứu tại Hồng Kông cho rằng, các nước TPP-11 đã trải qua vòng đàm phán đầy cam go và thách thức để đạt được sự đồng thuận bước tiếp sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định. Vì vậy, không chắc 11 nước có hào hứng khơi lại các vấn đề gây tranh cãi và tham gia vào một cuộc đàm phán khó khăn khác để đưa Mỹ trở lại thỏa thuận hay không.

Mỹ sẽ chỉ được chào đón trở lại nếu chấp nhận nội dung hiệp định thương mại tự do như hiện nay. Hiện vẫn chưa rõ các nước thành viên TPP-11 sẽ linh động đến mức độ nào nếu Mỹ muốn đàm phán các điều khoản quan trọng, ông Olson nói thêm
Charles Finny, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Wellington, từng là chuyên gia đàm phán của chính phủ New Zealand cho biết: "Nhiều khả năng sẽ không có chuyện đàm phán lại văn bản hiện tại hay chuyện Mỹ bước đến và yêu cầu khôi phục lại các điều khoản bị đóng băng”.

"Có thể sẽ là một cuộc đàm phán kéo dài và có lẽ nó sẽ được gọi là cái gì đó khác và có lẽ nó sẽ khác hẳn với TPP", ông Finny dự báo.

CPTPP dự kiến sẽ được phê chuẩn vào đầu năm tới, đây là thời điểm sớm nhất Mỹ có thể chính thức bắt đầu đàm phán tái gia nhập. Nhưng tất cả 11 quốc gia đều phải đồng ý chấp nhận một thành viên mới.

Có thể bạn quan tâm