Năm 2016 FPT lãi trước thuế 3.014 tỷ đồng, tổng nợ phải trả 18,4 nghìn tỷ

Công ty cổ phần FPT (mã: FPT) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2016. Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế chỉ vừa xấp xỉ kế hoạch đề ra, đạt 3.014 tỷ đồng.
Năm 2016 FPT lãi trước thuế 3.014 tỷ đồng, tổng nợ phải trả 18,4 nghìn tỷ

Khối Viễn thông đóng góp doanh thu 6.666 tỷ đồng và lãi trước thuế 1.198 tỷ đồng

Theo BCTC hợp nhất, trong quý 4/2016, FPT ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng, cung cấp dịch vụ tăng khá lên mức 12.399 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 2.787 tỷ đồng. Song các chi phí tăng rất mạnh, đơn cử: chi phí bán hàng tăng lên 840 tỷ đồng (tăng hơn 200 tỷ đồng); chi phí tài chính tăng lên 279 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước là 161 tỷ đồng), mà chiếm quá nửa là chi phí lãi vay.

Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến hơn 50% lên 930 tỷ đồng.

Do đó quý 4 lợi nhuận thuần từ kinh doanh chỉ còn lại 986 tỷ đồng. Nhờ có thêm lợi nhuận khác nên tổng lợi nhuận trước thuế quý 4 tăng lên 1.002 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 831 tỷ đồng.

Luỹ kế cả năm 2016, tổng doanh thu hợp nhất đạt mức 40.545 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước. FPT đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm là 3.151 tỷ đồng, tăng 10,5%, song thực hiện chỉ đạt 3.014 tỷ đồng, tăng 6% và chưa đạt mục tiêu.

Lãi sau thuế còn 2.575 tỷ đồng, trong đó lãi của cổ đông công ty mẹ là 1.990 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 3.925 đồng/CP.

Hai mảng chính là công nghệ và Viễn thông đóng góp lớn nhất, chiếm tỷ trọng 76% lợi nhuận trước thuế của cả tập đoàn. Cụ thể, doanh thu từ khối Công nghệ đạt 9.952 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 1,102 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 16% và 19% so với năm 2015.

Khối Viễn thông ghi nhận doanh thu tăng 22%, đạt 6.666 tỷ đồng, lãi trước thuế tăng 15%, đạt 1.198 tỷ đồng.

Khối Phân phối và Bán lẻ có sự tăng trưởng doanh thu tới 35% và lợi nhuận trước thuế tăng 44%.

Lĩnh vực Giáo dục tiếp tục ghi nhận số lượng sinh viên mới nhập học ở tất cả các hệ tăng 18% so với năm 2015, trong đó khối đại học tăng mạnh nhất với mức tăng 36% so với năm trước.

Đáng chú ý, thị trường nước ngoài của FPT đem về tới 6.121 tỷ đồng doanh thu (tăng 26%) và 936 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 40% so với cùng kỳ năm trước). Doanh thu toàn cầu hóa chủ yếu đến từ hai mảng là xuất khẩu phần mềm; giải pháp phần mềm và dịch vụ.

Tại thời điểm 31/12/2016, tổng tài sản của FPT tăng đáng kể 14,8% lên 29.912 tỷ đồng so với đầu năm. Lượng tiền và các khoản tương đương tiền giảm nhẹ còn 5.530 tỷ đồng. Tổng tài sản ngắn hạn chiếm tới 22.082 tỷ đồng, còn tài sản dài hạn chiếm 7.830 tỷ đồng.

Quy mô nợ phải trả của FPT cũng tăng nhanh chóng từ mức 15.863 tỷ đồng cuối năm 2015, lên tới 18.464 tỷ đồng cuối năm 2016. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm tới 94% tổng nợ, tương ứng 17.472 tỷ đồng, mà chiếm quá nửa là các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn lên tới 9.175 tỷ đồng.

Nợ dài hạn ở mức 992 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm trước, trong đó, hơn 764 tỷ đồng là vay và nợ thuê tài chính dài hạn.

Đến cuối năm 2016, vốn chủ sở hữu của FPT tiếp tục tăng lên mức 11.445 tỷ đồng, vốn điều lệ đạt 4.594 tỷ đồng. Tập đoàn đang có 4.671 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.

Thu Hằng

>> FPT bất ngờ bán cổ phần tại FPT Shop?

Có thể bạn quan tâm