Năm 2018, BIDV lãi 9.625 tỷ, không để nợ xấu mới phát sinh trong năm tới

BIDV cho biết năm 2018, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 9.625 tỷ đồng và đặt mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản trong Phương án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 sớm 1 năm.
Năm 2018, BIDV lãi 9.625 tỷ, không để nợ xấu mới phát sinh trong năm tới

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV phát biểu tại hội nghị (Nguồn: BIDV) 

Ngày 14-15/1, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID) tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ và kế hoạch kinh doanh năm 2019.

Theo thông tin từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tính tới cuối năm 2018, tổng tài sản của BIDV đạt trên 1.283.000 tỷ đồng, tăng trưởng 9,1% so với năm trước, giữ vững vị thế là ngân hàng thương mại có quy mô tài sản lớn nhất Việt Nam.

Tổng quy mô tín dụng và đầu tư của BIDV đạt trên 1.214.000 tỷ đồng, tăng trưởng 6,8% so với năm 2017. Trong đó, BIDV thực hiện cho vay nền kinh tế hơn 977.000 tỷ đồng, tăng trưởng 13,3%, chiếm khoảng 13% quy mô tín dụng toàn ngành ngân hàng.

Về hoạt động huy động vốn, tổng nguồn vốn của BIDV đạt trên 1.202.000 tỷ đồng, tăng trưởng gần 9% so với năm trước. Trong đó, tiền gửi tổ chức kinh tế và dân cư hơn 1.036.000 tỷ đồng (tăng trưởng 11%) và chiếm khoảng 12,5% huy động vốn toàn ngành ngân hàng.

Kết quả hoạt động kinh doanh của BIDV năm 2018 cũng có nhiều điểm tích cực khi lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 9.625 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch của Đại hội đồng cổ đông và đảm bảo tỷ lệ chi trả cổ tức theo cam kết với các cổ đông.

Trong đó, khối ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế đạt 8.959 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với cùng kỳ.

Các công ty, liên doanh, liên kết của BIDV hoạt động ổn định, đóng góp 666 tỷ đồng vào lợi nhuận chung của toàn hệ thống, với phần đóng góp lớn từ: Ngân hàng Liên doanh Lào Việt, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC).

Năm 2018, BIDV cũng đạt được những thành công vượt bậc trong xử lý nợ xấu theo tinh thần của Nghị quyết 42 của Quốc hội.

Bên cạnh đó, BIDV đã thực hiện nhiều thương vụ lớn, mở rộng các quan hệ hợp tác như: phát hành thành công 4.586 tỷ đồng Trái phiếu; Ký hợp đồng tín dụng 300 triệu USD với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và thiết lập quan hệ đại lý mới với 8 ngân hàng nước ngoài, đưa tổng số định chế tài chính có quan hệ đại lý với BIDV lên con số 2.300 tại 177 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Tại hội nghị, ông Phan Đức Tú (Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV) cho biết ngân hàng xác định mục tiêu hoàn thành sớm trước 1 năm các chỉ tiêu cơ bản trong Phương án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Mục đích nhằm tạo tiền đề phát triển bứt phá thực chất, bền vững của toàn hệ thống từ năm 2020.

Năm 2019 cũng là thời điểm BIDV đặt mục tiêu hoàn thành bán cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài. Được biết, đây là mục tiêu trọng tâm để nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng.

Ngoài ra, người đứng đầu BIDV cũng đặt ra một mục tiêu tham vọng khác là áp dụng và thực thi hiệu quả các biện pháp xử lý nợ xấu cũ, không để nợ xấu mới phát sinh.

Có thể bạn quan tâm