Nam Định dừng Lễ hội khai ấn đền Trần trước dịch bệnh corona

UBND thành phố Nam Định đã có thông báo về việc dừng tổ chức Lễ hội Khai ấn đền Trần (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định) xuân Canh Tý 2020, để tập trung ưu tiên cao nhất cho phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp corona.
UBND thành phố Nam Định dừng tổ chức Lễ Khai ấn đền Trần 2020 để tập trung ưu tiên cao nhất cho phòng, chống dịch bệnh corona. (Trong ảnh là Lễ Khai ấn đền Trần năm 2017)
UBND thành phố Nam Định dừng tổ chức Lễ Khai ấn đền Trần 2020 để tập trung ưu tiên cao nhất cho phòng, chống dịch bệnh corona. (Trong ảnh là Lễ Khai ấn đền Trần năm 2017)

Ban tổ chức Lễ Khai ấn đền Trần 2020 cho biết, đến thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị cho lễ hội đã được hoàn tất, chu đáo, công phu, trang trọng. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, UBND thành phố Nam Định đã quyết định dừng tổ chức Lễ Khai ấn đền Trần 2020 để tập trung ưu tiên cao nhất cho phòng, chống dịch bệnh.

Đền Trần là khu đền thờ các vị vua đời Trần tọa lạc tại đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định (sát quốc lộ 10). Đền Trần được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1962. 

Lễ Khai ấn đền Trần bắt đầu từ giờ Tý (giữa đêm) ngày rằm tháng Giêng hàng năm. Thời gian gần đây, ngày càng nhiều người tới hành lễ tại đền Trần vào dịp lễ hội để xin, mua được tờ ấn với mong ước sẽ được thăng tiến trong nghề nghiệp. 

Lễ Khai ấn trước hết là một tập tục văn hóa có từ thế kỷ XIII, chính xác là vào năm 1239 của triều đại nhà Trần thực hiện nghi lễ tế tiên tổ. Tại phủ Thiên Trường, vua Trần Nhân Tông, sau khi chiến thắng giặc Nguyên Mông cho mở tiệc mừng suốt ba ngày liền gọi là “Thái bình diên yến”. Trần Quang Khải đã sáng tác điệu múa mừng chiến thắng mang tên múa “Bài bông”. Vũ công là những cô gái xinh đẹp mặc quần áo dân tộc, mỗi người đặt một chiếc đòn gánh ngắn trên vai, hai đầu quẩy hai chiếc giỏ xếp đầy hoa hoặc hai chiếc đèn lồng bằng giấy. Người múa cầm chiếc quạt phụ hoạ. Múa “bài bông” chia thành bát dật, lục dật, tứ dật đến thời Nguyễn đã thành quy củ. Đến nay phường Phương Bông, ngoại thành Nam Định vẫn hình thành đội múa có trình độ điêu luyện. Còn hát văn có người cho rằng bắt nguồn từ một lối hát chầu thời Trần được phổ biến và hoàn chỉnh ở thời Lê Mạt. 

Những năm kháng chiến chống Nguyên - Mông sau đó, Lễ Khai ấn bị gián đoạn cho tới năm 1262 được Thượng hoàng Trần Thánh Tông cho mở lại. 

Trải bao thế kỷ, ấn cũ không còn. Năm 1822, vua Minh Mạng cho khắc lại ấn. Ấn cũ khắc là "Trần triều chi bảo", ấn mới khắc là "Trần triều tự điển" để nhắc lại phong tục tốt đẹp cũ. Dưới đó có thêm câu "Tích phúc vô cương". 

Và từ đây, Lễ Khai ấn trở thành một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ Trời, Đất, Tiên tổ thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông. Và cũng là "tín hiệu nhắc nhở" chấm dứt ngày Tết, thực sự bắt tay vào công việc. Tương truyền các vua Trần nghỉ tết âm lịch hàng năm đến rằm tháng Giêng thì Khai ấn trở lại quốc sự. 

Có thể bạn quan tâm