Nên hay không tiếp tục thực hiện hợp đồng BT?

Những lình xình gần đây của các dự án xây dựng - chuyển giao (BT) đã khiến nhiều ý kiến đề nghị, không cho tiếp tục đầu tư theo hình thức này. Nhưng có nên như vậy?
Nên hay không tiếp tục thực hiện hợp đồng BT?

Dừng BT sẽ “gây sốc”?

Nên hay không nên tiếp tục thực hiện dự án BT là một trong những câu hỏi khiến Ban soạn thảo Luật PPP băn khoăn nhất, và cho đến nay, khi Dự thảo lần thứ nhất Luật PPP đã hoàn thành, thì đây vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), khi xây dựng Luật PPP, Ban soạn thảo vẫn đưa ra hai phương án. Một là, dừng triển khai đầu tư theo hình thức hợp đồng BT. Hai là, vẫn tiếp tục đầu tư theo hình thức này.

“Trên thực tế, số lượng dự án BT chiếm hơn một nửa tổng số các dự án PPP. Nếu dừng triển khai thì sẽ gây sốc cho hệ thống”, ông Trương nói. Theo ông, có lẽ, cũng vì thế mà khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi xin ý kiến của các cơ quan, thì hầu hết các bộ, ngành đều ủng hộ tiếp tục thực hiện đầu tư theo hình thức BT, chỉ có Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị dừng triển khai BT.

Tại phiên họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập Luật PPP mới đây, tiếp tục có những ý kiến phản đối việc đầu tư theo hình thức BT. Đại diện Bộ Ngoại giao thẳng thắn rằng “không ủng hộ tiếp tục coi BT là PPP”.

“Bản chất của PPP là phải chia sẻ rủi ro và lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư, nhưng BT thực chất vẫn là Nhà nước đầu tư, đổi đất để cho nhà đầu tư thực hiện dự án. Trong dự án BT, chỉ nhà đầu tư được hưởng lợi”, vị này nói.

Trong khi đó, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, nên bỏ hình thức BT ra khỏi Luật PPP. Nếu vẫn thực hiện BT, thì nên được điều chỉnh bởi một nghị định của Chính phủ. “Hiện nay, Chính phủ vẫn khuyến khích đầu tư BT, nhưng phải công bằng, minh bạch, đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật. Bộ Tài chính đang soạn thảo một nghị định riêng về BT”, vị này cho biết.

Trên thực tế, những vấn đề liên quan đến các dự án BT khiến dư luận bức xúc trong thời gian qua chủ yếu là do không giải quyết được vấn đề chênh lệch địa tô trong quá trình thực hiện dự án. Chênh lệch này xuất hiện, theo ông Trương, chủ yếu là do quỹ đất thực hiện dự án được chuyển từ đất nông nghiệp sang đất thương mại dịch vụ, hoặc do thay đổi quy hoạch của Nhà nước. Nhưng vấn đề là, lâu nay, chênh lệch địa tô đó chủ yếu nhà đầu tư được hưởng, còn Nhà nước thì không.

“Chúng ta cứ nói xác định theo giá thị trường, nhưng giá thị trường là bao nhiêu thì không ai biết. Khi giao đất, giá trị thường tính rất thấp. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, chênh lệch địa tô bị đẩy lên rất cao, nhà đầu tư hưởng lợi rất lớn. Nếu không giải quyết được mâu thuẫn này, thì cũng không nên thực hiện BT”, ông Trương nói.

Trên thực tế, kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, rất ít quốc gia triển khai loại hợp đồng BT, đặc biệt không có quốc gia nào thanh toán dự án BT hoàn toàn bằng quỹ đất hoặc tài sản công như ở Việt Nam.

Tại Việt Nam, từ năm 1997 đến nay, quy định pháp lý có 4 lần thay đổi lớn về hình thức thanh toán, bằng tiền, quỹ đất, tài sản công và quyền kinh doanh khai thác công trình. Theo cơ chế hiện hành, nguồn lực công đối ứng được xác định ngang giá với giá trị công trình. Nhưng thực tế, sau khi triển khai BT thì mới thấy, việc xác định giá trị đất đối ứng chưa phản ánh theo giá thị trường.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, công bố vào cuối tháng 9/2018 cũng nhận định rằng, việc xác định giá trị tài sản công trong dự án BT theo cơ chế Hội đồng Thẩm định giá thẩm định, UBND cấp tỉnh phê duyệt mà không thông qua đấu giá là “chưa thể hiện được sự công khai, minh bạch khi thanh toán cho nhà đầu tư”.

Như vậy, sẽ là lợi bất cập hại nếu tiếp tục BT, dừng BT thì sẽ “gây sốc” hệ thống.

Gỡ vướng bằng cách nào?

Trao đổi với báo giới cách đây chưa lâu, PGS-TS. Võ Trí Hảo (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, vướng mắc lớn nhất hiện nay của các dự án BT là xác định cơ chế chọn và thanh toán cho nhà đầu tư. “Nhà nước có thể tính đến phương thức phát hành trái phiếu công trình để làm các dự án BT”, ông Hảo đề xuất.

Trong khi đó, Ban Soạn thảo Dự thảo Luật PPP đề xuất 2 phương án khác nhau, trong trường hợp tiếp tục áp dụng hình thức hợp đồng BT.

Phương án thứ nhất, sẽ đấu thầu dự án BT. Nhà đầu tư ứng trước tiền giải phóng mặt bằng; sau khi thu hồi đất và giải phóng mặt bằng, thực hiện đấu giá khu đất để thanh toán dự án BT. Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thu được sau khi có kết quả đấu giá sẽ được thanh toán trực tiếp cho nhà đầu tư BT, phần còn lại nộp vào ngân sách nhà nước. Trường hợp chậm thanh toán, nhà đầu tư vẫn được tính chi phí lãi vay trong thời gian chậm thanh toán.

Phương án thứ hai, kết hợp đồng thời đấu giá đất và đấu thầu công trình BT. Theo đó, nhà đầu tư sẽ chào đồng thời giá trị quỹ đất thanh toán và giá trị công trình BT. Giá trị quỹ đất được xác định trong hợp đồng. Tại thời điểm giao đất, cho thuê đất, không phải xác định lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nhà đầu tư phải nộp.

“Tuy nhiên, với cả hai phương án này, đều phải sửa đổi các luật có liên quan”, ông Trương cho biết.

Với phương án thứ nhất, cần sửa đổi nội dung tương ứng của Luật Ngân sách là tiền đấu giá khu đất được sử dụng để chi trả trực tiếp cho dự án BT, mà không hòa vào ngân sách chung. Nếu không ghi thu, ghi chi, thì sẽ lại quay trở về với dự án đầu tư công, không hợp lý.

Với phương án thứ hai, cần sửa đổi Luật Đất đai, đó là thời điểm xác định giá trị tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với khu đất thanh toán cho dự án BT là khi ký kết hợp đồng với nhà đầu tư được lựa chọn thông qua đấu thầu.

“Nếu chúng ta muốn làm dự án nhanh thì có thể thanh toán đối trừ luôn, đảm bảo đất vẫn đấu giá theo Luật Đất đai, dự án vẫn được đấu thầu công khai, minh bạch”, ông Trương nói.

Ủng hộ các đề xuất này, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó tổng thanh tra Chính phủ cho rằng, cần thiết phải sửa đổi các luật liên quan, nhất là Luật Đất đai.

The Hà Nguyễn/Báo Đầu Tư

baodautu.vn/nen-hay-khong-tiep-tuc-thuc-hien-hop-d https://baodautu.vn/nen-hay-khong-tiep-tuc-thuc-hien-hop-dong-bt-d100047.html

Có thể bạn quan tâm