Nét đẹp Việt Nam: Rộn ràng mùa gặt!

Không chỉ doanh nhân, Thương Gia còn muốn theo bước chân của cả những người nông dân – những con người làm ra của cải vật chất để chia sẻ, lắng nghe những lo lắng, vui buồn và ghi nhận những thành côn
Nét đẹp Việt Nam: Rộn ràng mùa gặt!

Năm nào mà chẳng có 2 mùa gặt. Năm nay gặt vụ mùa sau tiết trời nhuận hai tháng sáu thì đến tháng Ngâu, không đúng tiết “vào mùng Ba ra mùng Bảy” mà mưa ngâu kèm bão, lũ đổ về. Đồng bằng mà đến mùa gặt vẫn nhiều vùng ngập nước thì không thể quên câu ca dao:

“Cày đồng đang buổi ban trưa

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày

Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”

Thánh thót của mồ hôi hay thánh thót của giọt mưa thu của Thế Phong trong bài hát “Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi….” đều mang sức nặng biểu cảm nhưng quả là khác biệt quá.

Theo chân nông dân thu hoạch mùa năm nay với một cảm xúc đặc biệt hơn nhiều! Làm nông nghiệp, nhất là xứ mình thì sao lại không phụ thuộc thời tiết!

Có những vùng, những thửa ruộng lúa chím chìm trong nước, qua bão đổ nghiêng ngả. Nông dân lội ngang thắt lưng đi túm từng khóm lúa buộc dựng lên kẻo hỏng hết, đợi vài hôm nữa là đã gặt được. Có vùng cả cánh đồng vàng sắp gặt chuyển sang màu nâu do lúa ngập trong nước quá lâu.

Ra tận ruộng nhìm nét mặt người cấy trồng nhìn thành quả cả nửa năm trời mà đau quặn cả lòng, thương xót công sức của cải và sự vất vả của nông dân xứ mình thắt ruột.

Mang chậu, mang xăm ô tô, mang thùng xốp ra ruộng ngập ngang hông hoặc sâu hơn để cắt từng khóm lúa chìm đưa vào bờ. Nước ruộng sình lầy đen ngòm không khỏi rùng mình khi thấy toàn đàn bà ngâm mình trong đó gặt lúa.

Có bộ quần áo cho lội bùn mà sao bà con không sắm dùng cho khi ngập lụt đi làm đồng thế này? Hỏi ra thì một phần do ngại tốn kém nhưng phần lớn là do chủ quan, thiếu kiến thức bảo vệ sức khỏe của nông dân mình khi làm việc độc hại mà hậu quả cũng lại tự mình chịu!

Vẫn ruộng khoanh vùng, chia thửa nhỏ, ngoằn nghèo thì việc tưới tiêu khó chủ động hơn. Gặt những vùng này có khá hơn cũng chỉ đến máy cắt cỏ lia là đã lý tưởng rồi. Rồi sau đó lại có người theo sau gom và bó lúa lại, mang lên bờ. Đó là những thửa cũng phải ráo nước hay ngập chút xíu thôi!

Nhưng không thể không kể đến sự tiến bộ của nhiều vùng đã có qui hoạch bờ vùng bờ thửa để dễ tưới tiêu và cấy máy, gặt máy. Để có được công cuộc này dẫn theo cả đường nội bộ ra ruộng cho máy gặt lăn theo. Cả một qui hoạch vùng nông thôn, đầu tư cần có bàn tay của nhà nước.

Bao năm trời tỷ lệ gặt máy vẫn còn thấp đa phần do qui hoạch ruông đồng chưa đưa được công nghiệp hóa vào nhiều. Đây là cái khó của ai? Có của chúng ta hay chỉ là của nông dân? Phổ biến nhất là máy tuốt lúa đưa đến gần ruộng và tuốt luôn tại bờ. Bà con dùng mọi phượng tiện chở về phơi và tìm mọi chỗ có thể phơi được ngoài sân nhà. Vẫn còn lúa phơi trên đường quốc lộ và khói rơm đốt đồng khi chiều về vì rơm không dùng để đun hay cho trâu bò ăn nhiều như khi xưa, chỉ lấy làm phân bón. Không biết còn bao xứ người làm nông nghiệp như ta và ở đâu nông dân vất vả hơn xứ ta nữa nào?

Nhiếp ảnh thì vẫn ghi lại những mùa vàng khắp chốn quê từ vùng cao đến đồng bằng. Vẫn gặt tay, gánh lúa, đưa lúa vào bồ đa phần bằng thủ công. Mùa vàng đẹp trong nghệ thuật, bao người ngợi ca, nhớ nhà vì đa phần dân ta nguồn gốc nông dân và cuộc sống nông thôn không xa lạ gì nhưng sau bao năm mà nông nghiệp của đất lúa nước vùng bắc bộ vẫn chưa cải tiến, phát triển nhiều so với các ngành khác. May chăng cày ruộng giờ có máy to, máy nhỏ, máy cày tay nên trâu bò giờ chỉ nuôi lấy thịt, ít vùng còn dùng trâu bò cày!

Lúa bắt đầu vào vụ gặt, sớm muộn mỗi vùng có du di trong tiết thu này nhưng năm nay quả là vất vả hơn mọi năm vì thời tiết. Tầm này rồi, lập thu đến cả tháng mà trời cứ xầm xì, chốc lại đổ mưa. Ta còn lại gì cảnh chạy mưa khi phơi lúa, toàn sức đàn bà, con nhỏ là chủ yếu. Đàn ông đi kiếm ăn xa, đi làm công nhân cũng nhiều, không đỡ việc nông vất vả cho vợ con. Mồ hôi có rơi thánh thót mà được mùa, mà lúa vào được bồ thì mọi vất vả cũng được xua đi. Cầu trời mây tan, nắng lên cho thu vàng, mùa vàng và bà con không bị mất mùa vì lúa nảy mầm. Chỉ còn biết cầu trời thôi!

Bài: Nguyễn Thúy Vân
Ảnh: Trần Xuân Thiều - Bảo Gia Hân 

Có thể bạn quan tâm