Nếu bị Bắc Kinh "áp luật", vị thế của Hồng Kông bị ảnh hưởng như thế nào?

Mối quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Hồng Kông sẽ chịu tác động đáng kể nếu thuế quan bắt đầu được áp đặt.
Nếu bị Bắc Kinh "áp luật", vị thế của Hồng Kông bị ảnh hưởng như thế nào?

Vị thế đặc biệt của Hồng Kông đối với Hoa Kỳ hiện đang bị đe doạ, trong thời điểm căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục leo thang sau khi Bắc Kinh đề xuất luật an ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông. 

Một đạo luật được Mỹ ban hành vào năm ngoái, yêu cầu Hồng Kông giữ quyền tự chủ để có thể đạt đủ điều kiện cho mối quan hệ thương mại thuận lợi với Hoa Kỳ. Cho đến nay, Hồng Kông đã nhận được nhiều ưu đãi miễn thuế đối với mức thuế quan mà Mỹ đã áp đặt lên Trung Quốc như một phần của cuộc chiến thương mại giữa hai nước. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, một khi Hồng Kông mất đi vị thế đặc biệt với Hoa Kỳ, sẽ có rất nhiều tác động xảy đến với kinh tế và thương mại song phương. 

Cụ thể, thương mại Hồng Kông - Hoa Kỳ sẽ chịu tác động đáng kể nếu thuế quan được áp dụng. 

Thương mại hàng hoá và dịch vụ của Hoa Kỳ với Hồng Kông đạt tổng mức 66 tỷ USD trong năm 2018, theo Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR). Dữ liệu xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Hồng Kông là 50.1 tỷ USD, trong khi nhập khẩu là 16,8 tỷ USD.

Hồng Kông là thị trường lớn thứ 3 của Hoa Kỳ về xuất khẩu rượu vang, thị trường lớn thứ 4 của mặt hàng thịt bò và lớn thứ 7 của các sản phẩm nông nghiệp trong năm 2018. Bên cạnh đó, những sản phẩm hàng hoá hàng đầu được nhập khẩu từ Hồng Kông sang Hoa Kỳ bao gồm có máy móc và nhựa. 

“Một trong những rủi ro lớn chính là việc Hoa Kỳ sẽ hạn chế việc bán các công nghệ ‘nhạy cảm’ cho các công ty Hồng Kông. Các sản phẩm chuyên sâu về tri thức từ Hoa Kỳ chỉ chiếm khoảng 5% tổng sản lượng nhập khẩu, tuy nhiên việc này sẽ khiến Hồng Kông mất đi một trong những lợi thế khác biệt so với những nơi khác,” Mark Williams, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Capital Economics cho biết.

Không chỉ công ty Hồng Kông mà cả các công ty Hoa Kỳ cũng có thể chịu thiệt hại đáng kể. Có hơn 1.300 công ty Hoa Kỳ hoạt động tại Hồng Kông, cũng như 85.000 người Mỹ sống tại đây, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết. 

“Các cuộc khảo sát gần đây của Phòng Thương mại Hoa Kỳ cho thấy các công ty của nước này đã có kế hoạch thu nhỏ những khoản đầu tư tại Hồng Kông. Phần lớn thành công trong kinh tế của Hồng Kong dựa trên khả năng thu hút vốn FDI và hưởng cổ tức năng suất đến từ việc tổ chức các công ty cạnh tranh quốc tế,” Capital Economics lưu ý. 

Trong một tuyên bố được đưa ra vào thứ Ba (26/5), Phòng thương mại Hoa Kỳ cho biết: “Quyền tự trị của Hồng Kông dưới chính sách "một quốc gia, hai hệ thống" từ lâu đã là một trong những ‘tài sản’ lớn nhất của Hồng Kông trong việc hình thành nền kinh tế dựa trên các quy tắc minh bạch.” 

“Ý kiến và quyết định của Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ ‘mở ra’ một cánh cửa thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Hồng Kông và hạn chế thị thực đối với công dân hai bên… Trung Quốc trước đó cảnh báo sẽ trả đũa Hoa Kỳ nếu tiếp tục can thiệp vào‘việc của họ,” ông Rodrigo Catril của Ngân hàng Quốc gia Úc nhận xét. 

Tuy nhiên, việc này không gây tác động trực tiếp đến vị thế quốc tế của Hồng Kông. Hồng Kông vẫn sẽ được Tổ chức Thương mại Thế giới, Quỹ tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới… coi là một lãnh thổ hải quan độc lập và là một thực thể riêng biệt. Tất nhiên, rất khó để các quy tắc của WTO có thể ngăn cản Hoa Kỳ nếu nước này xem xét việc áp thuế đối với Hồng Kông trong tương lai. 

Nguồn: CNBC 

Có thể bạn quan tâm