Ngân hàng tư nhân nào đang hút tiền gửi nhiều nhất?

4 vị trí dẫn đầu về huy động tiền gửi tại Việt Nam thuộc về Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank là điều quá quen thuộc và cũng rất khó thay đổi trong tương lai gần.
Ngân hàng tư nhân nào đang hút tiền gửi nhiều nhất?

Bỏ qua 4 ngân hàng trên, vậy ở khối NHTM CP tư nhân, nhà băng nào đang được người dân gửi tiết kiệm nhiều nhất?

6 tháng đầu năm, trong khi tín dụng có phần chậm lại, tiền gửi của dân cư và doanh nghiệp lại ùn ùn đổ về gửi tại các ngân hàng thương mại. Thống kê tại 22 ngân hàng đã công bố BCTC cho thấy, cuối tháng 6, tổng số tiền gửi của khách hàng đạt gần 5,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,7% so với đầu năm. Trong đó, chỉ có 3 ngân hàng là Eximbank, NCB và PGBank bị sụt giảm huy động tiền gửi, mức giảm cũng khá nhẹ dưới 3%.

Nhóm 3 ngân hàng TMCP có vốn chi phối bởi Nhà nước gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank tiếp tục dẫn đầu về lượng tiền gửi của khách hàng đạt 2,58 triệu tỷ đồng. Lượng tiền gửi tại 3 ngân hàng này lớn tới mức phải cộng 19 ngân hàng còn lại mới có thể sánh bằng.

4 vị trí dẫn đầu về huy động tiền gửi tại Việt Nam thuộc về Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank là điều quá quen thuộc và cũng rất khó thay đổi trong tương lai gần. Bỏ qua 4 ngân hàng trên, vậy ở khối NHTM CP tư nhân, nhà băng nào đang được người dân gửi tiết kiệm nhiều nhất?

SCB và Sacombank đang là 2 ngân hàng bám đuổi suýt sao về vị trí số 1 trong các ngân hàng tư về huy động tiền gửi. Trong đó, SCB có phần nhỉnh hơn, đạt gần 363 nghìn tỷ đồng còn Sacombank cũng đã đạt gần 356 nghìn tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng huy động tiền gửi của Sacombank cao hơn, đạt 11,3% trong khi SCB chỉ đạt 4,8%.

Cả SCB và Sacombank đều là những ngân hàng có các thương vụ M&A đình đám trong quá khứ. Trong đó, SCB được thành lập từ việc hợp nhất 3 TCTD là SCB, Fincombank, Tinnghia Bank năm 2011; Sacombank sáp nhập SouthernBank năm 2015. Sau M&A, quy mô hoạt động của 2 ngân hàng này lớn lên trông thấy, bao gồm cả nhân sự, tổng tài sản và lượng khách hàng gửi tiền dồi dào. Tuy nhiên, đi cùng với việc quy mô phình lớn, 2 nhà băng này cũng phải gồng mình để xử lý nhiều vấn đề tồn đọng, thực hiện tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.

Đó cũng lý do mà dù sở hữu lượng khách hàng lớn, huy động và cho vay thuộc hàng top nhưng lợi nhuận èo uột nhiều năm liền. SCB 6 tháng đầu năm 2018 chỉ có lãi trước thuế 125 tỷ đồng. Còn Sacombank tuy đang tăng trưởng trở lại, song nửa đầu năm cũng chưa thể gia nhập câu lạc bộ ngân hàng lãi nghìn tỷ với 996 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Sau SCB và Sacombank, các ngân hàng có nhiều tiền gửi của khách hàng nhất lần lượt là ACB, MBB, SHB, Techcombank, VPBank. Trong đó, ACB, SHB và VPBank có tốc độ tăng trưởng huy động tiền gửi khá cao trong 6 tháng đầu năm nay, đạt trên 10%.

Thống kê cũng cho thấy, đại bộ phận dân cư và doanh nghiệp vẫn đang ngày càng ưa thích gửi tiền tại các ngân hàng lớn có vốn của Nhà nước hơn là các ngân hàng tư nhân. Trong 6 tháng, tăng trưởng huy động tiền gửi của 3 ngân hàng BIDV, VietinBank, Vietcombank đạt 11,2% trong khi 19 ngân hàng còn lại chỉ tăng 8,2%. Bất chấp lãi suất tiền gửi của các ngân hàng lớn luôn thấp hơn nhiều so với các ngân hàng tư nhân, người dân vẫn thích các ngân hàng lớn vì ngoài yếu tố sinh lời, ngân hàng lớn đang được đánh giá cao hơn về uy tín, an toàn và sự thuận tiện (nhiều chi nhánh, PGD).

Theo Trí thức trẻ

Có thể bạn quan tâm