Ngân sách dự chi 124.800 tỷ đồng trả nợ lãi vay năm 2019

Theo Kiểm toán Nhà nước, số chi trả nợ lãi năm 2019 là 124.800 tỷ đồng, chiếm 7,6% tổng chi NSNN, tăng 12.300 tỷ đồng so với dự toán năm 2018.
Ngân sách dự chi 124.800 tỷ đồng trả nợ lãi vay năm 2019

Đường sắt đô thị Hà Nội được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA hiện đang đội vốn hàng chục nghìn tỷ đồng (Ảnh minh họa)

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) mới đây đã gửi báo cáo ý kiến đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2018, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 gửi tới Ủy ban thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội Khóa XIV.

Hà Nội, TP.HCM ước hụt thu 2 năm liên tiếp

Trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2018, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, cơ quan này dẫn dự kiến thu ngân sách năm nay của Chính phủ là trên 1.358 tỷ đồng, vượt 39.00 tỷ đồng so với dự toán (tăng 3% so với dự toán).

Tuy nhiên, phía Kiểm toán Nhà nước cho rằng, đây là mức thấp nhất so với kết quả thực hiện dự toán trong các năm gần đây (quyết toán năm 2014, năm 2015 đều tăng 9,6% so với dự toán; năm 2016 tăng 9,2% so với dự toán; năm 2017 tăng 6,2% so với dự toán).

Bội chi ngân sách giai đoạn 2008 - 2015 (Ảnh: I.T)

Số thu vượt dự toán chủ yếu từ các nguồn thu về nhà, đất và dầu thô, trong đó nhà, đất tăng 35,9%, đạt 38.705 tỷ đồng; dầu thô tăng 53,2%, đạt 19.100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước nêu lên vấn đề là thu từ đất không ổn định trong khi thu từ dầu thô chủ yếu do giá dầu lập dự toán thấp hơn thực tế.

Nguồn thu từ 3 khu vực kinh tế cũng không đạt dự toán. Cụ thể, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 2,9% (4.908 tỷ đồng), thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 15,1%, (33.646 tỷ đồng), thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh giảm 2,2% (4.855 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, số liệu báo cáo đánh giá thực hiện dự toán thu ngân sách trên địa bàn của các địa phương cho thấy, có 22/57 địa phương dự kiến không đạt dự toán thu trên địa bàn. Một loạt cái tên được nhắc tới là TP.HCM 97%, Hà Nội 94,1%, Vĩnh Phúc 88,8%, Bình Dương 90,5%, Hải Phòng 94% so với dự toán. Trong đó, TP.HCM, Hà Nội và Vĩnh Phúc ước hụt thu 2 năm liên tiếp, năm 2017 đạt 80,5% và năm 2018 đạt 88,8% dự toán giao.

Với thuế, phí, theo cơ quan kiểm toán, tỷ lệ huy động từ thuế, phí dự kiến đạt 20,7% GDP thấp hơn so với mục tiêu đề ra 21% GDP.

Ngoài ra, qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước thấy rằng, tình trạng phổ biến kê khai thuế không đầy đủ, nguồn thu từ cổ tức, lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước còn chưa nộp kịp thời vào ngân sách 516 tỷ đồng.

“Việc quản lý phần thu ngân sách từ tiền sử dụng đất, nhất là giao đất thực hiện dự án chủ yếu theo hình thức chỉ định nhà đầu tư, không qua đấu giá nên việc xác định do các địa phương lựa chọn tùy tiện dẫn đến nhiều bất cập, hạn chế và làm thất thoát ngân sách Nhà nước. Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu, giảm chi 3.856 tỷ đồng,” báo cáo của ngành kiểm toán nêu lên.

Bội chi ngân sách 204.000 tỷ đồng

Về bội chi ngân sách năm 2018, Chính phủ dự kiến bội chi NSNN năm 2018 là 204.000 tỷ đồng, bằng khoảng 3,67% GDP ước thực hiện, tương ứng với tỷ lệ bội chi kế hoạch Quốc hội đã quyết định 204.000 tỷ đồng (3,7% GDP).

Theo KTNN, bội chi NSNN có thể giảm nếu Chính phủ rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2018 phù hợp với khả năng giải ngân đạt 88,2% dự toán (vốn ngoài nước chỉ đạt 78% dự toán).

Cơ cấu thu ngân sách 7 tháng đầu năm 2018 (Ảnh: TTXVN).

Đường sắt đô thị Hà Nội được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA hiện đang đội vốn hàng chục nghìn tỷ đồng (Ảnh minh họa)

Dự kiến bội chi NSNN năm 2019 là 222.000 tỷ đồng, gồm bội chi NSTƯ và NSĐP, tương ứng 3,6%GDP, trong khi dự toán năm 2017 là 3,7%. Mặc dù vậy, số bội chi tuyệt đối vẫn tăng khoảng 18.000 tỷ đồng so với dự toán năm 2018.

Theo kế hoạch bội chi và phương án vay trả nợ của NSĐP còn 11 địa phương dư nợ vay cuối năm 2019 vượt hạn mức dư nợ vay theo quy định.

Chi trả nợ lãi năm 2019 là 124.800 tỷ đồng, chiếm 7,6% tổng chi NSNN, tăng 12.300 tỷ đồng so với dự toán năm 2018, chưa kể dự kiến trả nợ gốc năm 2019 là 197.000 tỷ đồng, trong đó nghĩa vụ trả nợ gốc của Chính phủ khoảng 182.000 tỷ đồng gây áp lực lớn của ngân sách năm 2019, mặc dù nghĩa vụ nợ trực tiếp/tổng thu NSNN theo báo cáo vẫn trong giới hạn cho phép.

Theo Hoàng Nhật/Dân Việt

>> Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI và nghịch lý liên quan ngân sách nhà nước

Có thể bạn quan tâm