Ngành ngân hàng chủ động đối phó với tỷ giá tăng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong và ngoài nước để kịp thời, chủ động thực hiện các giải pháp phù hợp, góp phần ổn định cân đối vĩ mô của nền kinh tế và đạt được mục t
Ngành ngân hàng chủ động đối phó với tỷ giá tăng

Vào ngày 3/5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục phát đi tín hiệu tích cực về nền kinh tế Mỹ, bất chấp tăng trưởng chậm lại trong quý I.

Cụ thể, Fed vẫn lạc quan về sức cầu tiêu thụ tốt, đầu tư tiếp tục tăng trưởng và lạm phát đang tiến gần về mức mục tiêu đề ra. Cơ quan này đánh giá, sự sụt giảm tăng trưởng trong quý I chỉ mang tính chất tạm thời.

Trước đó, số liệu chính thức cho thấy, GDP của Mỹ trong quý I chỉ tăng trưởng 0,7%; thấp hơn đáng kể so với 2 quý liền trước.

Ngay trước khi cuộc họp diễn ra, các quan chức của Fed thể hiện sự tự tin vào dự đoán sẽ có thêm 2 lần nâng lãi suất trong năm nay, không như những dự đoán sai diễn ra trong năm 2016.

Điều này đồng nghĩa với việc Fed đang muốn gửi đi thông điệp rằng, các số liệu kinh tế gây thất vọng cũng không thể khiến Fed thay đổi lịch trình tăng lãi suất vào tháng 6 và tháng 12 tới.

"Với thực tế này, các chuyên gia kinh tế và nhà phân tích đánh giá cao tính chủ động của NHNN trong việc điều tiết, quản lý thị trường"

Sau khi cuộc họp của Fed kết thúc và các quan chức của cơ quan này phát đi những thông tin tích cực, đồng USD trên thị trường thế giới đã tăng mạnh so với đồng euro và Yên Nhật.

Chỉ số USD Index (chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD với rổ 6 loại tiền tệ khác) đóng cửa phiên ngày 3/5 tăng hơn 0,2%, từ mức 98,88 điểm lên mức 99,34 điểm.

Đối với thị trường tiền tệ trong nước, mở cửa sáng ngày 4/5, tỷ giá USD/VND tại nhiều ngân hàng cũng đồng loạt tăng.

Cụ thể, Vietcombank giao dịch ở mức 22.705-22.775 đồng/USD, tăng 25 đồng mỗi chiều giao dịch; VietinBank ở mức 22.700-22.770 đồng/USD, tăng 10 đồng; BIDV ở mức 22.700-22.770 đồng/USD, tăng 30 đồng...

Tỷ giá trung tâm sang ngày 4/5 đã tăng 5 đồng, lên mức 22.344 đồng/USD, với biên độ +/-3%; tỷ giá dao động trong biên độ 22.674-23.014 đồng/USD.

Khả năng Fed tăng lãi suất thêm 1 lần ngay trong tháng 6 được thị trường kỳ vọng ở mức 71% (theo CME Group).

Cùng với đó, cán cân thương mại tháng 4 ước tính thâm hụt 800 triệu USD, nâng thâm hụt thương mại hàng hóa cả nước đến hết ngày 15/4 ở mức 2,8 tỷ USD.

Dựa trên các thông tin hỗ trợ gần đây, nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán, đồng USD sẽ tiếp tục hồi phục trong các phiên sắp tới sau nhịp điều chỉnh kéo dài gần 1 tháng qua.

Ngày 5/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm là 22.353 đồng/USD (giảm 2 điểm so với ngày 4/5), biên độ +/-3%; giá trần là 23.022 đồng/USD; giá sàn là 21.682 đồng/USD.

Tuy nhiên, tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch NHNN tăng cao và lần đầu tiên vượt ngưỡng 23.000 đồng/USD. Cụ thể, Sở này niêm yết tỷ giá USD/VND mua vào ở mức 22.675 đồng/USD và bán ra ở mức 23.006 đồng/USD.

Dẫu vậy, với động thái điều chỉnh giảm tỷ giá trung tâm của NHNN, đầu giờ sáng 5/5, một số ngân hàng thương mại giảm tỷ giá ngoại tệ đồng USD ngày 5/5 so với cuối giờ phiên ngày 4/5, xuống mức phổ biến mua vào-bán ra là 22.700-22.770 đồng/USD.

Theo đó, ở khối các ngân hàng thương mại cổ phần, tỷ giá được ACB niêm yết ở mức 22.700 đồng/USD chiều mua vào và 22.770 đồng/USD chiều bán ra, giảm 20 đồng so với ngày hôm trước. Tại Techcombank, tỷ giá USD/VND hiện ở mức 22.700 VND chiều mua vào và 22.795 VND ở chiều bán ra, giảm 5 đồng chiều bán ra.

Tại khối ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, tỷ giá USD/VND ngày 5/5 được Vietcombank niêm yết tại mức 22.700 đồng/USD chiều mua vào và 22.770 đồng/USD chiều bán ra, giảm 10 đồng so với ngày 4/5.

Tỷ giá USD/VND tại VietinBank mua vào-bán ra được niêm tại mức 22.700-22.780 đồng/USD. Cũng trong xu thế giảm, BIDV niêm yết tỷ giá ở mức 22.700 đồng/USD chiều mua vào và 22.770 VND chiều bán ra, giảm 5 đồng cả 2 chiều.

Với thực tế này, các chuyên gia kinh tế và nhà phân tích đánh giá cao tính chủ động của NHNN trong việc điều tiết, quản lý thị trường.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, bên cạnh yếu tố thuận lợi từ tiền đề kết quả của năm 2016, thì điều hành chính sách vĩ mô nói chung và điều hành chính sách tiền tệ nói riêng tiếp tục đối mặt với những thách thức và áp lực trong năm 2017.

Trên thế giới, bối cảnh kinh tế diễn biến phức tạp với dự báo tăng trưởng kinh tế chưa có nhiều cải thiện, giá hàng hóa tiếp tục xu hướng tăng, đồng USD tăng giá...

Những diễn biến này có tác động không thuận lợi đến tăng trưởng, xuất khẩu, cũng như sức ép đến kiểm soát lạm phát, thị trường tiền tệ, ngoại tệ trong nước.

“Trong quá trình điều hành, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong và ngoài nước để kịp thời, chủ động thực hiện các giải pháp phù hợp, với thời điểm, liều lượng hợp lý, góp phần ổn định cân đối vĩ mô của nền kinh tế và đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ”, bà Hồng nhấn mạnh.

Theo Nhuệ Mẫn/ĐTCK

>> Lỗ tỷ giá gần 10.000 tỷ đồng, EVN muốn tính vào giá điện

Có thể bạn quan tâm