Ngành ngân hàng vẫn khó tuyển nhân sự do đâu?

Mức lương và chế độ đãi ngộ chưa cạnh tranh là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ nghỉ việc trung bình hàng năm ngành ngân hàng không hề nhỏ mặc dù mức lương, thưởng ngành này có cao hơn những ngành khác.
Ngành ngân hàng vẫn khó tuyển nhân sự do đâu?

Áp lực, cạnh tranh cao

Mới đây, tập đoàn Navigos công bố báo cáo khảo sát về thực trạng tuyển dụng và nhân sự tại các ngân hàng. Khảo sát này được thực hiện trên 2 nhóm đối tượng là nhà tuyển dụng tại các ngân hàng gồm giám đốc, trưởng phòng và chuyên viên nhân sự. Đối tượng thứ 2 là các ứng viên làm việc tại ngân hàng từ mới vào cho đến nhiều năm kinh nghiệm.

Theo kết quả khảo sát, gần 90% các ngân hàng có mức thu nhập trung bình của nhân viên từ 10-30 triệu đồng. Những con số này cũng trùng khớp với kết quả trên số liệu kinh doanh năm 2017 của các ngân hàng. Theo thống kê, Vietcombank hiện là ngân hàng đứng đầu với mức bình quân mỗi nhân viên tới hơn 32 triệu đồng/tháng. Những ngân hàng ở vị trí thấp nhất cũng có con số từ 12-16 triệu đồng/tháng.

Cũng theo số liệu của Navigos, 62% ứng viên cho biết tại ngân hàng họ đang làm việc, trung bình họ được thưởng từ 1-3 tháng lương. 7% nhận từ 5-7 tháng lương và 5% nhận trên 7 tháng lương. Bên cạnh đó, trung bình mức tăng lương hàng năm của các ứng viên tham gia khảo sát cũng tương đối cao. 40% ứng viên khảo sát có mức tăng lương hàng năm trên 10%.

Cụ thể hơn 54% ứng viên khảo sát cho biết được tăng lương hàng năm dưới 10%, 28% cho biết tăng lương từ 10-15%, 8% tăng lương từ 15-20%. Còn lại có 4% ghi nhận mức tăng lương trên 20%.

Theo đó 16% nhà tuyển dụng cho biết ngân hàng mình có tỷ lệ nghỉ dưới 5%, 32% cho biết tỷ lệ này ở nơi mình công tác là từ 5-10%. Thậm chí 43% ngân hàng cho biết con số nghỉ việc ở mức khá cao từ 11-20%. Có 11% ngân hàng có tỷ lệ nghỉ việc trên 20%.

Đứng từ góc độ người làm trong nghề ngân hàng cũng không khó hiểu về tỷ lệ nhảy việc cao. Khảo sát Navigos cho biết ngân hàng là nghề áp lực căng thẳng khá cao. Cụ thể 65% ứng viên cho biết mặc dù cảm thấy căng thẳng và áp lực nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. 25% ứng viên thường xuyên thấy căng thẳng và áp lực trong công việc, 8% không cảm thấy căng thẳng và áp lực trong công việc.

Ngoài ra 3 nguyên nhân lớn nhất khiến nhiều người e ngại khi làm việc tại ngân hàng bao gồm khối lượng công việc nhiều (26% ứng viên khảo sát cho biết), áp lực do chỉ tiêu doanh số cao (25%), ngành có độ rủi ro cao về pháp lý (18%).

Bên cạnh đó tỷ lệ nghỉ việc còn được giải thích là để chuyển đổi môi trường sang làm cho các ngân hàng nước ngoài. Cụ thể 50% ứng viên tham gia khảo sát cho biết họ muốn làm việc tại ngân hàng/chi nhanh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. 31% ứng viên mong muốn làm việc cho các ngân hàng thương mại cổ phần, 11% lựa chọn ngân hàng thương mại quốc doanh và 3% lựa chọn ngân hàng thương mại liên doanh.

Sở dĩ các ngân hàng nước ngoài được ưa chuộng bởi các ứng viên mong muốn được đối xử công bằng và môi trường làm việc lành mạnh, mức lương cao và nhiều cơ hội thăng tiến, được sử dụng tiếng Anh trong công việc và làm việc với đồng nghiệp, quản lý người nước ngoài, cơ cơ hội đào tạo để phát triển kỹ năng và nghiệp vụ.

Thiếu ứng viên chất lượng cao

Mặc dù là nghề hot các nhà tuyển dụng ngân hàng hiện cũng đang gặp 3 thách thức lớn gồm: Mức lương và chế độ đãi ngộ chưa cạnh tranh, tỷ lệ nghỉ việc cao và thiếu ứng viên chất lượng cao.

Có tới 26% nhà tuyển dụng cho rằng mức lương và chế độ đãi ngộ chưa cạnh tranh hiện đang là khó khăn nhất trong công tác tuyển dụng. 37% cho biết để tăng hiệu quả trong tuyển dụng, ngân hàng nên cân nhắc áp dụng những chế độ đãi ngộ về tài chính để thu hút ứng viên. Trên một nửa ngân hàng tham gia khảo sát cho biết họ có những chính sách đãi ngộ cơ bản và hợp lý dành cho nhân viên, tuy nhiên có thể đa dạng và mở rộng những chính sách này hơn để thực sự hấp dẫn nhân viên.

Để giải quyết vấn đề này, 78% nhà tuyển dụng tham gia khảo sát cho rằng để giữ chân người tài, ngân hàng cần có lộ trình thăng tiến nghề nghiệp rõ ràng. 37% những người khảo sát tuyển dụng cho biết họ đang cân nhắc áp dụng những chế độ đãi ngộ về tài chính để thu hút ứng viên.

Về phía người làm ngân hàng thì 3 chính sách đãi ngộ được họ đánh giá hấp dẫn nhất bao gồm: Hỗ trợ cho vay với lãi suất thấp, các khoản thưởng (thưởng giữa ký, thưởng cuối kỳ, lương tháng 13), bảo hiểm sức khỏe và hảo hiểm nhân thọ dành cho nhân viên.

Có thể bạn quan tâm