Ngành tài chính toàn cầu học được gì từ vụ Lehman Brothers?

8 năm về trước, vào ngày 15/09, “gã khổng lồ” ngành ngân hàng của Mỹ, Lehman Brothers, đệ đơn xin phá sản, gây chấn động các thị trường tài chính toàn cầu. Vậy giờ đây thế giới đã học được gì từ cái n
Ngành tài chính toàn cầu học được gì từ vụ Lehman Brothers?
8 năm về trước, vào ngày 15/09, “gã khổng lồ” ngành ngân hàng của Mỹ, Lehman Brothers, đệ đơn xin phá sản, gây chấn động các thị trường tài chính toàn cầu. Vậy giờ đây thế giới đã học được gì từ cái ngày tồi tệ nhất trong lịch sử ngành ngân hàng ấy?

“Ngành ngân hàng vẫn chưa hồi phục”, David Buik, nhà bình luận thị trường tại Panmure Gordon, nhận định với CNBC.

Sáng sớm ngày 15/9, Ngân hàng Đầu tư Lehman Brothers đệ đơn xin phá sản và ngay chiều hôm ấy, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới bắt đầu cùng nhau đưa ra kế hoạch hành động nhằm ngăn chặn tình trạng “rơi tự do” của các thị trường tài chính. Vào cuối ngày hôm ấy, hơn 25,000 nhân viên của Lehman chuẩn bị tâm thế... thất nghiệp.

“Sự sụp đổ của Lehman Brothers khiến cho các định chế tài chính nhận thấy rằng điều quý giá nhất mà họ được giao phó là sự tín nhiệm – và để có lại được điều ấy, sẽ phải cần đến sự thay đổi cấu trúc và văn hóa mà chỉ vài năm trước đó khó mà có thể tưởng tượng ra được. Kể từ năm 2008, các ngân hàng trên toàn thế giới đã tiến hành củng cố bảng cân đối kế toán, giữ nhiều vốn và tài sản có tính thanh khoản cao hơn. Họ đã đầu tư mạnh vào việc quản lý rủi ro”, Michael Cole-Fontayn, Chủ tịch phụ trách châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA) tại BNY Mellon, cho CNBC biết.

Fontayn cho biết thêm các ngân hàng đã quay trở lại những điều cơ bản, tránh xa các hoạt động rủi ro cao như mua lại tất cả cổ phiếu thông thường bằng các khoản vay có sử dụng đòn bẩy (repackaging) và bán lại các khoản vay.

Tuy nhiên, tình trạng của hệ thống ngân hàng vẫn còn rất “mong manh”. Một số chuyên gia phân tích cho rằng hệ thống ngân hàng Mỹ hiện đang tốt hơn hệ thống ngân hàng châu Âu, vì lục địa già này đang hứng chịu hậu quả của môi trường lãi suất thấp, tăng trưởng kinh tế ì ạch và những bất ổn xoay quanh sự ra đi của Anh khỏi Liên minh châu Âu (EU) – hay còn gọi là Brexit.

Deutsche Bank sẽ là Lehman Brothers thứ hai?

Cổ phiếu của các ngân hàng lớn ở châu Âu như Deutsche Bank và Credit Suisse đã giảm xuống mức thấp kỷ lục sau khi có kết quả Brexit. Dù đà rớt giá của cổ phiếu Deutsche Bank không khác lắm với một số ngân hàng khác như Ngân hàng Trung ương Scotland (mất gần 35% kể từ đầu năm đến nay), nhưng điều đó cũng khiến người ta phải so sánh với trường hợp của Lehman Brothers ngày xưa.

Chi phí bảo hiểm cho các khoản nợ của Deutsche Bank để khỏi bị mất trắng đã tăng mạnh, báo hiệu đó là một tài sản rủi ro, và khiến người ta có những so sánh khác với Lehman Brothers. Theo số liệu của Markit, chi phí bảo hiểm các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) kỳ hạn 5 năm của Deutsche Bank đã tăng lên 235 điểm cơ bản trong tháng trước, và hiện đang ở mức cao nhất trong tất cả các ngân hàng đầu tư, đồng thời đánh dấu bước tăng khổng lồ so với mức 95 điểm cơ bản hồi đầu năm nay.

Các báo cáo cũng cho thấy rủi ro phái sinh toàn cầu của Deutsche Bank đang ở tầm 75 ngàn tỷ USD, gấp hơn 20 lần so với GDP của nước Đức. Giá cổ phiếu của Deutsche Bank đã giảm sâu hơn sau khi chi nhánh ở Mỹ của họ không vượt qua được đợt sát hạch trong năm nay.

Tất cả những điều đó khiến cho giá trị thị trường của ngân hàng này giảm mạnh, hiện còn 18 tỷ USD, chỉ bằng với mạng xã hội Snapchat, khiến cho nhà đầu tư thêm phần lo lắng.

“Không giống như Lehman, Deutsche Bank sẽ không được phép thất bại”, Alastair Winter, kinh tế trưởng tại Daniel Stewart, chia sẻ với CNBC.

Winter cũng giải thích rằng mặc dù triển vọng của ngành ngân hàng hiện đang rất tệ nhưng sẽ không dẫn đến một đợt lao dốc hay sụp đổ trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, ông cảnh báo các ngân hàng châu Âu nên giải quyết vấn đề nợ xấu ngày càng tăng cao và đang ảnh hưởng đến khả năng cho vay của các ngân hàng này. Vấn đề lớn nhất về các khoản nợ xấu ở châu Âu có thể nhận thấy rõ nhất ở các ngân hàng Ý, với tổng giá trị ước tính đến 360 tỷ Euro (401 tỷ USD).

Vậy là tất cả đều u ám?

Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích cho rằng tình hình không hề u ám như cách đây 8 năm. Dù rằng kinh tế toàn cầu sẽ cần thời gian để thoát khỏi khủng hoảng nhưng đã có sự cải thiện ở một số lĩnh vực.

“Chúng ta đã thấy tiếp tục có sự hồi phục ở Mỹ, Anh, Canada và Đức - ở những quốc gia này, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức bằng với trước khủng hoảng”, Andrew Sentance, cựu thành viên Ủy ban Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), phát biểu với CNBC.

Ở mặt trận ngân hàng, các chuyên gia phân tích cho thấy các nhà băng đang có những hành động an toàn hơn để hiểu rõ hơn về rủi ro.

“Nhiều khoản đầu tư vào các tài sản độc hại đã bị cắt giảm hoặc loại bỏ”, Mark Peden, đồng giám đốc của Kames Global Equity Income, cho CNBC biết. Ông liệt kê những món nợ xấu ở Ý và Deutsche Bank là những lĩnh vực có vấn đề nhưng không nghĩ rằng chúng mang tính hệ thống.

Tuy nhiên, các thị trường tiếp tục quan ngại về những bất ổn xoay quanh Brexit và tác động có thể có của vấn đề này lên các ngân hàng đang hoạt động ở Luân Đôn. “Đó là điều hoàn toàn sai lầm. Luân Đôn là trung tâm có tầm ảnh hưởng nhất ở châu Âu và với 70 năm dành cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, thành phố này sẽ không được phép để cho Frankfurt, Paris, Dublin hay bất kỳ nơi nào khác chiếm ngôi được”, Buik nói.

Theo Vietstock

Có thể bạn quan tâm