Ngày 16/9 tới, mạng xã hội Lotus được đầu tư nghìn tỷ sẽ chính thức ra mắt

Sáng nay (9/9), tại Hà Nội, Lotus - Mạng xã hội "Made in Vietnam" đã được Công ty cổ phần VCCorp chính thức được giới thiệu với báo giới.
Ngày 16/9 tới, mạng xã hội Lotus được đầu tư nghìn tỷ sẽ chính thức ra mắt

Đây là sản phẩm được xây dựng và phát triển trong vòng một năm của 200 kỹ sư công nghệ Việt. Họ là những kỹ sư đã làm chủ được công nghệ để giải các bài toán trên trí tuệ nhân tạo (AI), Big Data, Data mining… Các bài toán nhận dạng hình ảnh, chữ phục vụ việc bảo vệ bản quyền, chống spam, chống gian lận, an ninh mạng, quản trị comments; Lưu trữ, đọc và phân tích dữ liệu siêu lớn.

Theo ông Nguyễn Thế Tân - Tổng giám đốc VCCorp, Lotus ra đời được xây dựng trên 3 trụ chính bao gồm nội dung, sản phẩm, cộng đồng. Để có nội dung ban đầu tốt, ở giai đoạn này Lotus hợp tác với hơn 500 nhà sáng tạo nội dung trong 20 lĩnh vực khác nhau (giáo dục, kinh tế, nhiếp ảnh, viết truyện, blog, vlog, lifestyle, giải trí, âm nhạc, marketing,…) và trên 30 nguồn chính luận. Đã có gần 50 format đa dạng như video giải trí, blog, hình ảnh, video nhanh, tạp chí, nhạc, sách,.. giúp chuyển tải các loại nội dung khác nhau cho nhiều đối tượng như người làm báo, người viết blog, chuyên gia, nhiếp ảnh gia…

Người dùng không kết bạn mà “quan tâm/theo đuổi/làm fan nguồn thông tin”, kết nối với nội dung, các chủ đề cần quan tâm và các mối quan tâm; Thuật toán chú trọng vào việc cung cấp những nội dung phù hợp với từng cá nhân và các cá nhân liên quan. Cùng với đó, người dùng cũng có thể kết nối với nhau xung quanh các nội dung, các chủ đề mà họ quan tâm.

Có 3 cơ chế để đưa thông tin tới người dùng: Dòng tin, Bảng tin, Thư mục/Kênh; Người dùng tích lũy token qua quá trình sử dụng nội dung và tạo ra nội dung. Giá trị token dựa vào “bản vị nội dung”; Người dùng cổ vũ, khích lệ nội dung của user khác thông qua token…

Cũng theo ông Tân, với nền tảng đội ngũ công nghệ của VCCorp, nhiệm vụ chính của đơn vị phát triển mạng xã hội Lotus vẫn trên cơ sở lấy “Nội dung là Vua!”.

Giải thích thế nào là "Nội dung là Vua!", ông Tân lấy ví dụ kênh truyền hình K+ độc quyền phát sóng giải bóng đá Ngoại hạng Anh, như vậy giải bóng đá này chính là nội dung của K+; hay khán giả đến rạp chiếu phim là để xem phim, bộ phim đó chính là nội dung mà khán giả tìm đến.

Ông Nguyễn Thế Tân - Tổng giám đốc VCCorp

Cũng theo ông Tân, Lotus không đi vào thị trường ngách, mà đi vào giải quyết các vấn đề phổ quát, chưa được đáp ứng bởi các sản phẩm khác.

Ngoài ra, Lotus đang xây dựng mô hình kiếm tiền khác dựa trên tương tác, thử thách, hoạt động với độc giả. Với người dùng Lotus, không cần kết bạn mà chỉ cần "quan tâm/theo dõi/làm fan nguồn thông tin", kết nối với nội dung, các chủ đề cần quan tâm và các mối quan tâm. Trong quá trình sử dụng, người dùng Lotus sẽ có thể tích lũy “token” (token không phải tiền ảo mà là một đơn vị phản ánh năng lượng nội dung) được phát sinh ra theo mức tiêu thụ và tương tác với nội dung cho các users.

Đối với các nội dung của nhà sáng tạo nội dung hoặc người dùng khác, người sử dụng Lotus có thể cổ vũ, khích lệ bằng cách ủng hộ thông qua token thay vì like hoặc bày tỏ cảm xúc như Facebook.

Riêng với vấn đề tin giả, đại diện VCCorp cho biết Lotus có thuật toán riêng để những loại tin này không hiển thị. Còn với những loại thông tin nhiều luồng chưa xác minh, Lotus sẽ xử lý bằng cách tăng cường nguồn thông tin chính thống có kiểm chứng, lấy thông tin từ chính người phát ngôn, người trong cuộc.

Theo thông tin VCCorp, dự án mạng xã hội Lotus được thành lập, đầu tư và phát triển với sự tham gia vốn của các doanh nghiệp và cá nhân trong nước, tổng giá trị dự án lên tới 1.200 tỷ đồng.

"Dự án đã huy động được 700 tỷ từ VCCorp và một số nhà đầu tư trong nước. Chúng tôi dự kiến tiếp tục kêu gọi thêm 500 tỷ trong giai đoạn đầu để sẵn sàng nguồn lực cho việc phát triển lâu dài", tổng giám đốc VCCorp cho hay.

Vào ngày 16/9 tới, mạng xã hội Lotus sẽ chính thức ra mắt tại Hà Nội. Tại thời điểm ra mắt, Lotus sẽ được phát hành bản dùng thử trong 3 - 6 tháng và liên tục được cải tiến, nâng cấp dựa trên phản hồi của người dùng.

Có thể bạn quan tâm