Ngày 7/2, tuyên án Phạm Công Danh, Trầm Bê

Phiên xử đã diễn ra gần một tháng với ba vòng đối đáp căng thẳng giữa VKS với các luật sư, bị cáo và người liên quan.
Ngày 7/2, tuyên án Phạm Công Danh, Trầm Bê

Ngày 1-2, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xử vụ Phạm Công Danh (giai đoạn 2), Trầm Bê và 44 đồng phạm cố ý làm trái. Sau một ngày nghỉ dừng ở phần đối đáp giữa VKS và các luật sư (LS), HĐXX quyết định quay lại phần xét hỏi liên quan đến các bị cáo tại BIDV Gia Định và việc tăng vốn điều lệ của Ngân hàng VNCB.

Ngân hàng CB: Chờ kết luận của tòa

Tại tòa, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác định đã có công văn trả lời HĐXX các nội dung liên quan đến việc cho vay. Cụ thể, việc VNCB bảo lãnh cho Công ty Phong Hiệp vay và BIDV cho vay là không vi phạm quy định của Luật Tổ chức tín dụng. Vì Công ty Phong Hiệp là pháp nhân riêng, không phải cho cá nhân ông Trần Hiệp vay.

Theo đại diện này, tại nghị quyết HĐQT của VNCB về việc bảo lãnh cho Công ty Phong Hiệp thì không có điều khoản bắt buộc công ty phải có tài sản đảm bảo cho VNCB thì VNCB mới bảo lãnh. Việc VNCB bảo lãnh cho Phong Hiệp là không sai, vì thế các khoản bảo lãnh, cho vay liên quan công ty này là không vi phạm.

HĐXX đề nghị Ngân hàng CB (trước đây là VNCB) có ý kiến về dòng tiền tăng vốn điều lệ 4.500 tỉ đồng đi đâu, về đâu. Hai đại diện CB cho biết có 22 cá nhân và một pháp nhân đã chuyển tiền này vào ngân hàng khác. Sau đó chuyển về tài khoản của VNCB ở Sở Giao dịch NHNN để tăng vốn điều lệ.

Đại diện này cũng trình bày cụ thể quá trình VNCB làm thủ tục tăng vốn điều lệ từ 3.000 lên 7.500 tỉ đồng. Đến nay, NHNN chưa sửa đổi giấy phép hoạt động cho VNCB theo mức vốn điều lệ 7.500 tỉ đồng nên VNCB vẫn áp dụng mức vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng để tính hạn mức cấp tín dụng tối đa cho một khách hàng không quá 15% vốn điều lệ.

Cũng theo CB, nguồn tiền tăng vốn được xác định là Tập đoàn Thiên Thanh ký hợp đồng hợp tác đầu tư với 22 cá nhân và làm các bản thỏa thuận để góp tiền tăng vốn. Đại diện này xác định 4.500 tỉ đồng đã chi tiêu cho hoạt động ngân hàng.

LS đặt vấn đề: “Tiền của 22 cá nhân nộp vào tăng vốn điều lệ nhưng lại đã chi tiêu cho hoạt động của ngân hàng, ông có ý kiến thế nào?”. Vị đại diện CB đáp: “Chúng tôi vẫn đang chờ kết luận vụ án từ các cơ quan tố tụng”.

VKS kiến nghị xử lý thêm các lãnh đạo ngân hàng

Theo quy định của BLTTHS 2015, hai bị cáo Danh và Phan Thành Mai được quyền đặt câu hỏi với đại diện CB. Hai bị cáo đã hỏi về các khoản trên báo cáo tài chính như thế nào, dư tiền tại các thời điểm trước và sau khi các bị cáo bị bắt. Nhưng đại diện CB cho biết sẽ có văn bản trả lời sau.

Khi HĐXX tuyên bố trở lại phần tranh luận, đại diện VKS đã nói về việc thu hồi tiền của ba ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV để trả về cho Ngân hàng CB. VKS giải thích thêm là tiền của VNCB là tiền huy động từ khách hàng và việc thiệt hại là phải thu hồi. Vì nếu không có hành vi của ông Danh và không có sự giúp sức của các bị cáo tại ba ngân hàng thì Danh không thể gây thiệt hại cho VNCB 6.127 tỉ đồng. Số tiền này là vật chứng vụ án. Các ngân hàng sẽ thu hồi số tiền này từ Danh và các đồng phạm để khắc phục hậu quả.

Với trường hợp bị cáo Trầm Bê, VKS nói rằng lãnh đạo ba ngân hàng TPBank, BIDV và CB liên quan đến việc ký hàng loạt hợp đồng tín dụng cho VNCB vay nhưng không xử lý. VKS cho biết đã kiến nghị tiếp tục điều tra lãnh đạo các ngân hàng, nếu có hành vi sai trái câu kết với nhóm bị cáo Danh trong hoạt động cho vay gây thất thoát 6.127 tỉ đồng thì sẽ xử lý theo pháp luật.

Cuối cùng, HĐXX cho rằng phần đối đáp của VKS có thể chưa hoàn toàn thỏa mãn các câu hỏi của các vị LS, bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nhưng cho đến nay thì đối đáp đã đi đến vòng thứ ba và không có gì mới nên ai có kiến nghị gì khác thì làm văn bản gửi lên HĐXX để xem xét toàn diện.

Dự kiến HĐXX sẽ tuyên án vào ngày 7-2.

Phạm Công Danh nghẹn ngào, Trầm Bê ngập ngừng

Nói lời sau cùng trước khi HĐXX bước vào phần nghị án, bị cáo Danh cảm ơn HĐXX, VKS và trại giam đã tạo điều kiện cho bị cáo dù sức khỏe đang rất yếu. Ông Danh mong muốn HĐXX xem xét các dòng tiền, đặc biệt là tiền tăng vốn điều lệ để cấn trừ vào tiền sai phạm cho bản thân và các bị cáo khác.

Bị cáo Danh nói: “Bị cáo không sử dụng những đồng tiền nhà đầu tư nộp vào tăng vốn điều lệ cho mục đích gì của riêng cá nhân cả... Bị cáo bây giờ không còn cái gì cả. Tập đoàn Thiên Thanh cũng không còn cái gì ngoài mảnh đất thuê dù đây là tập đoàn đã có 60 năm rồi và cả mấy ngàn nhân viên. Tôi mong HĐXX xem xét cho tôi để chỗ nào tôi gây thiệt hại, chỗ nào có thể xem xét dòng tiền cấn trừ để Tập đoàn Thiên Thanh có cơ hội sống và những nhân viên của tập đoàn có công ăn việc làm, làm người có ích cho xã hội”.

Bị cáo Trầm Bê thì nói lời sau cùng trong ngập ngừng: “Trước hết tôi gửi lời cảm ơn VKS đã xem xét đề nghị giảm nhẹ cho bị cáo. Tôi gửi lời xin lỗi HĐQT Sacombank và toàn bộ nhân viên vì hành vi sai sót của mình đã ảnh hưởng đến ngân hàng, nhân viên”.

Giọng bị cáo Bê khá nhỏ và chậm rãi, ông khẳng định mình không cố ý làm trái gây hậu quả. “Vì một chút sơ suất mà bị cáo gây ra hậu quả. Khi bị bắt, đứng trước tòa thì tôi cũng thấy rằng sơ suất của tôi đã gây ra hậu quả không thể ngờ đến. Điều này có thể một phần cũng do hệ thống pháp luật khiến tôi không thể biết hết được những luật liên quan” - ông Bê lý giải.

Bị cáo Bê nói tuy không phải là người có công với cách mạng nhưng nếu nói rằng đóng góp cho xã hội thì rất nhiều. Bị cáo đã lao động rất nhiều năm và là người coi trọng pháp luật. Theo bị cáo, lỗi sai thì nhận nhưng ông không cố ý gây ra sai phạm và diễn biến phiên tòa thấy rõ điều đó. “Bị cáo vì sự phát triển ngân hàng chứ không vì vụ lợi cá nhân, xin xem xét cho hưởng một mức án thấp nhất, hòa nhập xã hội sớm. Nếu luận tội năm năm như VKS là quá nặng, mong HĐXX xem xét cho tôi mức án thuyết phục, không phải chống án” - ông Bê nói chậm.

 Theo Báo Pháp Luật TPHCM

Có thể bạn quan tâm