Nghề gốm Thanh Hà trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

"Nghề gốm Thanh Hà" vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghề gốm Thanh Hà trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Gốm Thanh Hà nằm bên dòng sông Thu Bồn thuộc phường Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, cách khu phố cổ Hội An 3 km về phía tây. Gốm Thanh Hà có nguồn gốc từ Thanh Hóa, được hình thành từ cuối thế kỷ 15; tiếp thu những tinh hoa của xứ Quảng và đã phát triển rực rỡ vào thế kỷ 16, 17 cùng đô thị Hội An. Gốm Thanh Hà từng là một mặt hàng được mua bán trao đổi khắp các tỉnh miền trung.

Gốm Thanh Hà nguyên gốc có đặc điểm là gốm mộc, không phủ men; đây là một nét riêng, nét duyên của gốm Thanh Hà. Các sản phẩm truyền thống của Thanh Hà đa phần là để phục vụ đời sống như chum, vại, nồi niêu, bình, lọ… và gạch ngói sử dụng trong xây dựng. Về sau, khi đô thị Hội An suy thoái, không còn là thương cảng chính của miền trung nữa thì làng gốm Thanh Hà cũng bị ảnh hưởng, nghề gốm cũng mai một dần.

Với hơn 500 năm hình thành và phát triển, hiện làng nghề có 33 hộ sản xuất với khoảng 80 lao động, trong đó có 5 nghệ nhân ưu tú và 1 thợ giỏi. Sản phẩm có hai dòng là gốm sành nâu (đồ xanh), được nung với độ lửa cao từ 800 đến hơn 1.000 độ C và dòng gốm đỏ (đồ đỏ), được nung với nhiệt độ thấp từ 300 độ C trở xuống.

Ngày nay, sản phẩm làng gốm chủ yếu phục vụ dân dụng và du lịch với các sản phẩm nhỏ gọn, tinh xảo. Ngoài ra, một số sản phẩm cũng được sản xuất để phục vụ xây dựng kiến trúc và các công trình khách sạn, nhà hàng…

Ngày mùng 10 tháng 7 âm lịch hằng năm, giỗ tổ nghề gốm Thanh Hà đã trở thành một sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc của người dân trong làng và du khách.

Với những giá trị đặc sắc đó, mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã ký chứng nhận "Nghề gốm Thanh Hà - phường Thanh Hà - thành phố Hội An - tỉnh Quảng Nam" được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Có thể bạn quan tâm