Nghệ nhân Ngô Thị Tính: Người “giữ hồn” tinh hoa ẩm thực Việt

Kế tục nghề làm bánh kẹo truyền thống từ ông bà để lại, trong suốt 30 năm qua, Nghệ Nhân Ngô Thị Tính không chỉ giữ vững bí quyết gia truyền mà còn mạnh dạn thay đổi các phương pháp làm bánh để tinh h
Nghệ nhân Ngô Thị Tính: Người “giữ hồn” tinh hoa ẩm thực Việt

Nghệ nhân Ngô Thị Tính - Tổng giám đốc Công ty Bánh mứt kẹo Bảo Minh

Rạng rỡ trong tà áo dài tại sự kiện công bố kỷ lục cặp bánh Trung thu lớn nhất Việt Nam do chính công ty tổ chức mới đây, ấn tượng trong tôi đối với chị Ngô Thị Tính – Tổng giám đốc Công ty Bánh mứt kẹo Bảo Minh là một CEO rất dễ gần, thân thiện với nụ cười luôn thường trực trên môi. Chị thoăn thoắt đi lại trong buổi lễ rất đông người tham dự để trò chuyện với người nọ rồi lại ân cần thăm hỏi người kia. Ở chị toát lên một sự nhẹ nhàng, đằm thắm của người phụ nữ đậm chất Hà Nội xưa nhưng cũng đầy cá tính, nhạy bén với những biến đổi của thời cuộc.

Người “tiếp lửa” cho bánh kẹo truyền thống 

Nhạy bén với thời cuộc, nắm bắt được Việt Nam đang vào thời kỳ mở cửa nền kinh tế thị trường, kinh doanh được tự do phát triển, chị Tính với đôi bàn tay khéo léo cùng tình yêu vô tận với bánh kẹo truyền thống mà ông bà để lại đã cho ra đời những mẻ bánh xu xê đầu tiên mang thương hiệu của mình.

Nghệ nhân Ngô Thị Tính cùng con dâu và con trai tại lễ vinh danh và trao bằng chứng nhận xác lập kỷ lục cho “Cặp bánh trung thu lớn nhất Việt Nam" 

Tuy nhiên, cũng như bao doanh nghiệp khác, công ty Bảo Minh gặp nhiều khó khăn lúc mới thành lập. Vào năm 1994, công ty mới chỉ là xưởng sản xuất bánh kẹp nhỏ với vẻn vẹn hơn chục công nhân cùng cơ sở vật chất thiếu thốn. Mãi đến 12 năm sau (2006), Bảo Minh mới chính thức thành lập. Qua một thời gian nỗ lực của đội ngũ lãnh đạo cũng như toàn thể cán bộ công nhân viên, đến nay, công ty đã thực sự vững mạnh với số lượng công nhân lên tới hơn 200 người, xưởng sản xuất cũng đã được đầu tư quy mô hơn, hiện đại hơn với diện tích gần 4.000m2 tại Khu công nghiệp Nam Thăng Long, Hà Nội. 

Không chỉ dừng lại ở các sản phẩm bánh kẹo từ thời ông bà để lại như bánh cốm, bánh phu thê - xu xê, kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo dồi, ô mai, bánh dẻo, bánh nướng…, Nghệ nhân – CEO Ngô Thị Tính còn luôn tìm tòi, học hỏi và trong thời gian qua đã tung ra thị trường nhiều loại bánh có chất lượng ngon hơn, bảo quản tốt hơn mà vẫn giữ được hương vị xưa cũ. Bảo Minh cũng đã cho ra đời nhiều sản phẩm mới được giới trẻ ưa thích như: bánh Pía, bánh cốm phủ dừa, bánh bông nhài… 

Nghệ nhân Ngô Thị Tính và con trai Vương Tuấn Minh - Trưởng ban Truyền Thông của công ty

Đặc biệt, hệ thống phân phối của Bảo Minh hiện đã có mặt tại hầu hết cách tỉnh thành trong cả nước và bắt đầu xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Đáng nói, thương hiệu Bảo Minh xuất hiện trong hầu hết các siêu thị lớn như Big C, AEON, Intimex, FiviMart, LotteMart... 

 Cải tiến để lưu giữ

Ấp ủ tâm nguyện “lưu giữ và phát huy nghề làm bánh truyền thống của ông bà để lại”, thế nhưng, Nghệ nhân Ngô Thị Tính cũng hiểu rằng nếu muốn các sản phẩm truyền thống tồn tại lâu dài thì phải đổi mới. “Truyền thống mà không thay đổi thì sẽ cũ kỹ và lạc hậu” – Nghệ nhân Bảo Minh khẳng định. Vì thế, Bảo Minh luôn luôn xác định “phải phát triển truyền thống trong xã hội hiện đại” để có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và làm cho họ ngày càng nhớ và yêu quý các sản phẩm truyền thống nhiều hơn.

“Chúng tôi chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên chúng tôi cũng không quên việc đầu tư cho sản phẩm càng ngày càng đẹp, phong phú, đa dạng hơn và sang trọng hơn. Bởi chúng tôi không chỉ muốn sản phẩm được sử dụng trong cuộc sống đời thường mà chúng tôi còn muốn các sản phẩm này sẽ trở thành những món quà biếu trong các dịp lễ, Tết…” –  Nghệ nhân, Tổng giám đốc Ngô Thị Tính chia sẻ.

CEO Bảo Minh Ngô Thị Tính cùng các nghệ nhân làm nên chiếc bánh Trung thu lớn nhất Việt Nam

Trong các sản phẩm do Bảo Minh sản xuất có một số loại bánh như bánh cốm có thời gian sử dụng ngắn đã khiến Nghệ nhân Tính phải mất nhiều đêm suy nghĩ để tìm cách khắc phục, để làm sao hương vị truyền thống Bảo Minh không chỉ đến với người dân Hà Nội, mà còn có thể lan tỏa đến mọi miền Tổ quốc và có thể tự tin để xuất khẩu - đúng như sứ mệnh đặt ra khi xây dựng thương hiệu Bảo Minh: “Trao cơ hội yêu thương qua vị ngọt truyền thống”. 

Đau đáu với nỗi niềm đó, bà đã tìm đến sự giúp đỡ của Hội Khoa học Việt Nam nhằm đưa công nghệ hiện đại vào dây chuyền sản xuất. Nhờ vậy, bánh cốm Bảo Minh thay vì có hạn sử dụng 5 ngày như trước, nay đã có hạn sử dụng lên tới 12 ngày. Đây là một kỷ lục bởi suốt hơn 15 năm nay chưa có một đơn vị sản xuất bánh kẹo truyền thống nào làm được điều đó.

Nghệ nhân Ngô Thị Tính cùng con dâu Văn Nguyễn Hồng Trân - Thư Ký TGĐ và đảm nhiệm mảng Thương mại (ngồi thứ 3 từ trái sang) chụp ảnh cùng các nhân viên

Tổng Giám đốc Bảo Minh tâm sự: “Để đạt được thành công này, chúng tôi đã phải chấp nhận nhiều tổn thất về kinh tế khi có nhiều lô hàng đã phải đổ đi trong quá trình thử nghiệm, chưa kể đến việc bỏ ra một khoản tiền lớn để đầu tư vào việc xây dựng nhà máy cũng như mua sắm trang thiết bị, máy chuyên dụng. Tuy nhiên trời không phụ lòng người, mọi sự cố gắng của chúng tôi đã được đền đáp”.

Bảo Minh cũng đang phấn đấu để trong thời gian sớm nhất các sản phẩm của mình sẽ là sự lựa chọn số một của lãnh đạo thành phố Hà Nội và Việt Nam sử dụng làm món ăn hoặc là làm món quà trao tặng các đối tác nước ngoài như một niềm tự hào của dân tộc. 

Không ngừng tìm tòi, học hỏi, không ngừng tự trau dồi, cập nhật, đổi mới công nghệ, đổi mới tư duy kinh doanh, đó là những yếu tố tiên quyết để đi đến thành công của “nữ tướng” Ngô Thị Tính – người dành cả đời “tô đẹp” nét văn hóa ẩm thực truyền thống của người Việt.

>> Vinh danh và trao bằng chứng nhận xác lập kỷ lục cho “Cặp bánh trung thu lớn nhất Việt Nam”

Có thể bạn quan tâm