Người đứng đầu HĐQT từ nhiệm, ghế Chủ tịch BIDV ‘nóng càng thêm nóng’

Trong khi ghế Chủ tịch HĐQT BIDV vẫn là ẩn số thì người phụ trách HĐQT BIDV Trần Anh Tuấn lại vừa chính thức từ nhiệm.
Người đứng đầu HĐQT từ nhiệm, ghế Chủ tịch BIDV ‘nóng càng thêm nóng’

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa được công bố Nghị quyết số 255/NQ-BIDV ngày 2/5/2018 về việc từ nhiệm chức vụ thành viên HĐQT của ông Trần Anh Tuấn.

Theo đó, HĐQT BIDV thông qua việc từ nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng quản trị BIDV nhiệm kỳ 2017-2022 của ông Trần Anh Tuấn.

Được biết, trước khi từ nhiệm, ông Trần Anh Tuấn là người phụ trách HĐQT BIDV trong thời gian Ngân hàng Nhà nước chưa bổ nhiệm ai giữ chức Chủ tịch HĐQT BIDV, từ khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu hồi tháng 9/2016. Ông Trần Anh Tuấn hiện đã đến tuổi nghỉ hưu.

Trong một diễn biến mới đây, đại hội đồng cổ đông BIDV đã chính thức bầu bổ sung ông Phạm Quang Tùng làm Thành viên HĐQT.

Ông Phạm Quang Tùng sinh năm 1971, công tác tại BIDV từ năm 1996, tham gia hoạt động kinh doanh bảo hiểm từ tháng 11/2005 với vị trí Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Bảo hiểm Việt Úc (BIDV-QBE). Sau đó, ông Tùng được giao quản lý và điều hành Bảo hiểm BIDV trên cương vị Giám đốc công ty từ tháng 1/2006.

Ngày 1/10/2010, ông Tùng đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc BIC. Từ tháng 11/2010, ông cũng kiêm giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc BIDV. Từ 1/6/2016, ông Tùng chuyển sang làm Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).

Tuy nhiên chỉ một năm rưỡi sau, ông Phạm Quang Tùng đã thôi giữ chức Chủ tịch VDB để chuyển công tác về làm việc tại BIDV theo quyết định của Thủ tướng.

BIDV mới đây cũng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2018. Theo đó, ngân hàng này ghi nhận tới 8.498 tỷ đồng lợi nhuận thuần trong quý I/2018, tăng tới 84% so với cùng kỳ năm 2017.

Tuy nhiên, chi phí dự phòng lên đến 6.013 tỷ đồng (gấp 2,6 lần quý I/2017) khiến lợi nhuận trước thuế quý I/2018 của BIDV chỉ tăng 9,1%, lên 2.485 tỷ đồng.

Tính đến hết ngày 31/3/2018, tổng tài sản của BIDV đạt 1.226.942 tỷ đồng, tăng 2,1% so với hồi đầu năm; trong đó dư nợ tín dụng đạt 878.752 tỷ đồng, tăng 1,4%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 1,62%.

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu đến hết ngày 31/3/2018 của BIDV ở mức 50.803 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng ở mức 910.053 tỷ đồng, tăng 5,8%; trong đó tiền gửi không kỳ hạn chiếm 17%.

Theo Vietnamfinance

Có thể bạn quan tâm