Người nâng niu hồn gốm

Cố nhiên không phải tự dưng mà gốm được người ta say mê, ưa chuộng đến vậy. Thứ nghệ thuật nhào nặn từ đất, nung qua lửa và tạo tác bởi bàn tay tài hoa của con người; tựa như sự hòa hợp trọn vẹn giữa con người với thiên nhiên và cội nguồn sự sống vậy.
Người nâng niu hồn gốm

Hà Nội mùa trở gió. Xen giữa những ngày thu vàng ươm lá rơi thềm nắng, thành phố vẫn đón những cơn mưa tầm tã ướt vai áo người đi đường. Nhiều người tất bật bước đi, nhiều người ghé lại những cửa tiệm trên phố, tìm một góc bình yên khô ráo xóa đi biết bao là u ám trong lòng mình. Tôi tìm được Hồ Gươm Ceramics trong một ngày như vậy.

Người đàn bà đẹp nâng niu hồn gốm

Ở Hồ Gươm Ceramics, tôi gặp cô Thảo, người đàn bà duyên dáng với tiếng cười nhẹ nhàng như chuông gió bên tai. Cô Thảo mở cửa hàng gốm trên đường Tràng Tiền như một điểm hẹn thanh nhã cho những tâm hồn yêu gốm. Còn tôi thì là kẻ vãng lai vô tình ghé thăm vào một ngày mưa, khi mặt phố ướt nhẹp và vắng bóng người qua lại.

Hồ Gươm Ceramics - 39 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Hồ Gươm Ceramics - 39 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Mặt tiền Hồ Gươm Ceramics rộng và thoáng, cách bài trí cổ điển, e ấp thêm chút tinh tế duyên dáng níu chân người qua kẻ lại ghé thăm. Tôi trộm nghĩ thật may mình đến vào một ngày mưa. Giả như vào một ngày nắng đẹp, có lẽ cửa tiệm sẽ tấp nập du khách ra vào và tôi sẽ chẳng còn là kẻ duy nhất tìm tòi hồn gốm, tỉ mẩn ngó nghiêng từng chiếc bình gốm sữa, chạm tay cảm nhận cái mát lạnh từ lọ gốm sơn mài hoa sen đẹp tuyệt. Chao ôi là thích.

Gốm ở Ceramics Hồ Gươm được cô Thảo tận tay lựa chọn từ làng gốm Bát Tràng, đặt làm bởi những nghệ nhân lâu đời danh tiếng. Những mẫu bình gốm vì thế mà độc đáo và rất tinh, không gây cảm giác choáng ngợp và pha tạp. Khách đến có thể bắt gặp ở đây từ những chiếc bình gốm men rạn giả cổ thanh cảnh cho đến lọ đứng in tranh Đông Hồ dân gian màu sắc tươi sáng hay bát gốm men ngọc thả hoa - thú chơi của dân Hà Thành tao nhã.

Cô Thảo kể, từ hồi thanh niên, tức khoảng 3 thập niên về trước, cô đã rong ruổi khắp các cửa hàng gốm sứ Hà Nội cho đến làng gốm Bát Tràng chỉ để săn lùng những món gốm xinh xắn. Nghiện gốm cũng như nghiện một thức gì khó bỏ, làm mình say mê, mãn nguyện và cả nhung nhớ. Thật vậy, với những kẻ trót yêu gốm, chỉ vài đường nét đắp nổi phóng khoáng cũng đủ khiến mình thao thức, lạ lùng làm sao. Cứ như thế, đam mê gốm tích lũy ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, cho đến một ngày, cô Thảo tự nhủ: mình phải làm một cái gì đó. Và cô bắt tay vào làm, một cửa hàng gốm với những món gốm rất nghệ mà cô ao ước bấy lâu. Những thứ con người ta làm bằng đam mê thường rất đẹp, nhất là khi đam mê ấy lại được đắp nặn hình hài trong 30 năm có lẻ.

Chúng tôi nói chuyện không nhiều, những câu chuyện vụn vặt vô tình thoáng qua khi tôi chăm chăm khám phá những món gốm tinh xảo, còn cô Thảo tỉ mẩn sắp xếp lại vài món hàng lên kệ gỗ. Trong dăm ba câu, cô Thảo ngỏ ý muốn mở một workshop cắm hoa trên bình gốm Bát Tràng, như một cách thỏa mãn thú chơi gốm, cũng là một cách kết nối những người chung niềm đam mê gốm vậy. Cũng là một thú vui tao nhã.

Cô Phương Thảo - người phụ nữ "nâng niu hồn gốm".
Cô Phương Thảo - người phụ nữ "nâng niu hồn gốm".

Thảng hoặc, vài du khách thoáng qua, dừng chân chụp ảnh hoặc ghé vào thăm thú rồi lặng lẽ rời đi. Lớp cửa kính mờ ngăn cách một thế giới tĩnh mịch bên trong Hồ Gươm Ceramics với thanh âm loáng thoáng xô bồ của phố thị ngoài kia dội về.

Chợt nhớ đến câu chuyện tưởng đã lãng quên từ xa lắc. Rằng có ông bác họ nhà tít Hải Phòng, một dịp gần Tết cách đây chục năm nhất định bắt anh con giai cả chở xuống làng gốm Bát Tràng, lựa được một bộ đồ thờ gốm ưng ý lắm. Năm nay phỏng chừng ông đã ngoài 90, vẫn khỏe mạnh, mắt sáng lấp lánh và cười toe toét mỗi khi ai đó khen bộ đồ thờ sao mà đẹp quá.

Chẳng riêng ông cụ, cứ mỗi dịp Tết, người ta nườm nượp đổ về Bát Tràng như trẩy hội; mua nào lọ cắm hoa ngày Tết, bình phong trưng bày, đồ gốm thờ cúng… Hiếm hoi sẽ tìm được những bộ đắp phù điêu nổi độc đáo hoặc chất men ngọc mịn như nhung rất đẹp. Mỗi nghệ nhân có một phong cách làm gốm khác nhau, có bức tỉ mỉ công phu, lại có bức phóng khoáng khỏe khoắn; do đó mà tạo nên những tác phẩm hình hài, kiểu dáng riêng biệt khác nhau. Ngoài ra, một số bình phong chữ được các cụ già nhất làng Bát Tràng đích thân điểm tự, loại này thường được thế hệ cao niên ưa chuộng hơn cả.

Hẳn trong suốt 30 năm có lẻ, cô Thảo cũng hàng trăm lần ghé Bát Tràng, dạo từng cửa tiệm, từng góc đường làng mòn vẹt, bới tung hàng ngàn món đồ để lựa ra một món ưng ý. Và cũng hẳn nhiên, chừng ấy thời gian là đủ để cô thấm trọn hồn gốm Việt, yêu trọn nghề gốm Bát Tràng. Thế cho nên nói đến Bát Tràng, cô cười tươi như hoa rồi nhắc đến với giọng nghe chừng thân thuộc và âu yếm lắm.

Gốm kể chuyện người

Giới ngoạn cổ có thể nhìn đồ gốm từng niên đại mà đọc vanh vách những nét văn hóa riêng biệt của thời đại, từ triều Lý - Trần - Lê - Nguyễn cho đến đương đại, từ phong tục tập quán cho đến mỹ thuật đương thời. Chẳng hạn, gốm hoa văn Long - Lân - Quy - Phụng thường là vật dụng trong hoàng tộc, còn Tùng - Cúc - Trúc - Mai là vật dụng dành cho giới nho sĩ và Ngư - Tiều - Canh - Mục được sử dụng phổ biến trong dân gian. Mỗi họa tiết, hoa văn trên gốm đều mang những hàm ý, câu chuyện khác nhau: khắc họa cuộc sống sinh hoạt đời thường của người dân quê Việt Nam hay răn dạy đạo ký tốt đẹp của dân tộc.

Cố nhiên không phải tự dưng mà gốm được người ta say mê, ưa chuộng đến vậy. Thứ nghệ thuật nhào nặn từ đất, nung qua lửa và tạo tác bởi bàn tay tài hoa của con người; tựa như sự hòa hợp trọn vẹn giữa con người với thiên nhiên và cội nguồn sự sống vậy. Nghề gốm bắt đầu nở rộ từ thời Lý - Trần, khoảng một nghìn năm về trước, với thức gốm men nâu đặc trưng. Dần dà, qua nhiều thế kỷ, nghề gốm Việt phát triển đa màu sắc, mỗi thời kỳ mang một dấu ấn mỹ học khác biệt. Cho tới ngày nay, Bát Tràng được xem là một trong những làng nghề gốm duy nhất còn giữ được tinh hoa nghề gốm truyền thống.

Tên làng Bát Tràng, dân làng truyền lại rằng chữ Bát gồm bên trái là bộ Kim, ý chỉ sự giàu có thịnh vượng, bên phải là bộ Bản, ý chỉ cội nguồn. Dùng chữ Bát này mang ý nghĩa khuyên răn con cháu làm ăn phát đại không quên gốc rễ tổ tiên. Còn chữ Tràng được định nghĩa là cái sân lớn, là mảnh đất ươm mầm làng nghề gốm. Hiện nay, tại nhiều đình, đền và chùa ở làng Bát Tràng vẫn còn các chữ Bát Tràng được theo tiếng Hán là 鉢場như vậy.

Gốm không phải thú chơi quá xa xỉ, trừ hội ngoạn cổ ưa chuộng sưu tầm gốm sứ cổ. Bởi vậy mà lâu nay, thú chơi gốm vẫn không ngừng nở rộ, thu hút từ người trẻ cho đến cao niên, từ doanh nhân cho đến bà nội trợ. Và trong một thời đại mà các kỹ thuật tạo hình, ép khuôn, nung gốm đã phát triển vượt bậc hỗ trợ nghệ nhân chế tác gốm đến trình độ sắc sảo nhất, thì người ta vẫn ưa chuộng hơn cả lối sáng tác thủ công kết hợp với tư duy và chất liệu đương đại. Tính thủ công tạo ra những tác phẩm gốm có hồn, mang phong cách và mỹ cảm riêng biệt của từng nghệ sĩ, từng làng nghề, từng vùng miền khác nhau. Người chơi gốm nhờ đó cũng được thỏa mãn cảm quan nghệ thuật với những cung bậc khác nhau, không sao chép và khuôn mẫu.

Nếu ví Bát Tràng là một kho báu thô hàng trăm ngàn bảo vật, thì Hồ Gươm Ceramics của cô Thảo chính là bảo tàng thu nhỏ, nơi gạn lọc những tinh túy nhất của làng gốm, sắp xếp trong một không gian duy mỹ thuần túy nghệ thuật. Và Hà Nội bây giờ, hiếm tìm được góc trú chân nào dịu dàng như vậy cho những tâm hồn yêu gốm.

Có thể bạn quan tâm