Người Nhật ăn “cá bé”, người Thái nuốt “cá lớn” khi thâu tóm doanh nghiệp Việt

Thống kê cá thương vụ mua bán sáp nhập ở Việt Nam cho thấy các tập đoàn Nhật Bản ưa thích các công ty quy mô vừa và nhỏ trong khi nhiều thương vụ quy mô lớn do các tập đoàn Thái Lan thực hiện.
Người Nhật ăn “cá bé”, người Thái nuốt “cá lớn” khi thâu tóm doanh nghiệp Việt

Mới đây, thị trường sản phẩm thuốc nhuộm, chăm sóc tóc ở Việt Nam gây chú ý khi Ngữ Á Châu – công ty Việt hiếm hoi thành công trên thị trường này bị Takara Belmont của Nhật Bản thâu tóm. Bỏ ra 900 triệu yên (hơn 180 tỷ đồng), Takara Belmont đã sở hữu 97% cổ phần tại Ngữ Á Châu.

Người tiêu dùng trong nước có thể sẽ cảm thấy tiếc nuối vì mất đi một thương hiệu Việt, nhưng với các nhà đầu tư Nhật Bản, việc thâu tóm các doanh nghiệp Việt Nam đã là hành động hết sức bình thường và đều đặn trong gần 1 thập kỷ qua.

Thống kê của StoxPlus từ năm 2011 đến nay, trung bình hàng năm các doanh nghiệp Nhật Bản đều tiến hành từ 15 – 20 thương vụ thâu tóm và sáp nhập (M&A) các doanh nghiệp Việt.

Nhật Bản cũng là quốc gia có số vụ M&A doanh nghiệp Việt nhiều nhất tính theo số lượng. Năm 2016, có tổng cộng 22 thương vụ mua lại doanh nghiệp Việt được phía Nhật Bản thực hiện, với tổng giá trị đạt 608,7 triệu USD. Trong đó, khẩu vị của các doanh nghiệp Nhật thường tập trung vào nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Việc đầu tư vào Việt Nam của Nhật Bản cũng một phần để chuyển hướng sang thị trường mới nổi, trong bối cảnh thị trường tiêu dùng của quốc gia này đã suy giảm. Chẳng hạn, thương vụ Bunka Shutter, nhà sản xuất cửa kéo của Nhật Bản mua lại 30% cổ phần của Eurowindow cũng nhắm tới việc xuất khẩu sản phẩm của mình sang Việt Nam.

Nếu các thương hiệu cỡ nhỏ và vừa đang trong tầm ngắm của người Nhật, thì những thương hiệu lớn của Việt Nam đang bị quốc gia láng giềng nằm ngay cạnh nhòm ngó. Năm 2017, ước tính tổng giá trị M&A tại Việt Nam đạt 8,4 tỷ USD, cao nhất trong lịch sử. Trong đó, đi đầu là các thương vụ của doanh nghiệp Thái Lan thâu tóm doanh nghiệp Việt, mà điển hình là ThaiBev mua lại 53% cổ phần bia Sài Gòn (Sabeco) với giá lên tới 4,8 tỷ USD.

Nếu tính tổng các khoản đầu tư của riêng người Thái vào Việt Nam từ năm 2011 đến nay, con số này đạt khoảng gần 9 tỷ USD. Các doanh nghiệp Thái không dấu giếm tham vọng bánh trướng của mình, khi thường nhắm vào những doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trên từng lĩnh vực.

Có thể dẫn chứng ra hàng loạt thương vụ như SCG mua lại gạch men Prime, Berli Jucker mua lại Metro, Central Group mua lại BigC, Singha đầu tư vào Masan Consumer, ThaiBev thông qua F&N đầu tư vào Vinamilk hay mới đây nhất là thương vụ mua lại Sabeco. Bán lẻ, bất động sản và hàng tiêu dùng nhanh là những mục tiêu hàng đầu của người Thái khi lựa chọn đầu tư.

Ngoài Thái Lan và Nhật Bản, nhiều thương vụ M&A khác vào Việt Nam cũng được các quốc gia như Hàn Quốc, Pháp, Singapore, Mỹ, Philippines... thực hiện. Kết quả, Việt Nam đã đánh mất dần dần hết thương hiệu vào tay người nước ngoài. Có thể kể ra hàng loạt cái tên "vang bóng một thời" như bánh kẹo Kinh Đô, bia Sài Gòn, dầu gội đầu X-Men, gạch men Prime hay phở 24, cà phê Highland,... nay đã về tay khối ngoại.

Trên góc độ kinh doanh, "bán được" cho đối tác nước ngoài là minh chứng cho một mô hình kinh doanh thành công, tuy nhiên, nó cũng đồng thời phản ánh tiềm lực còn yếu kém của các doanh nghiệp Việt.

Ở chiều ngược lại, có rất hiếm các thương vụ mà doanh nghiệp Việt Nam thâu tóm các doanh nghiệp nước ngoài. Trong giai đoạn từ năm 2012 đến nửa đầu năm 2017, Việt Nam chỉ có vỏn vẹn 13 thương vụ thâu tóm doanh nghiệp ngoại, với tổng giá trị chỉ đạt khoảng 315 triệu USD.

Một tín hiệu đáng mừng hơn, đó là Việt Nam đã xuất hiện những tập đoàn lớn mạnh không thua kém các tập đoàn đa quốc gia, đủ sức thâu tóm lại các doanh nghiệp khác trong nước. Cụ thể, riêng năm 2016, đã có 208 thương vụ doanh nghiệp Việt thâu tóm lẫn nhau, với tổng giá trị đạt 5,23 tỷ USD, trong đó đa phần đến từ lĩnh vực bất động sản.

Từ năm 2017 đến nay, hoạt động thâu tóm tiếp tục diễn ra tích cực hơn khi lan sang nhiều lĩnh vực khác nhau. Một số thương vụ ở nhiều lĩnh vực khác nhau như điện máy, dược phẩm hay nông nghiệp. Những thương vụ điển hình đó là Thế Giới Di Động thâu tóm lại chuỗi điện máy Trần Anh, chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang hay việc Vingroup mua lại thủy sản Việt Thắng từ tay Hùng Vương.

Theo The Leader

Có thể bạn quan tâm