Nguy cơ từ “người khổng lồ vô hình”

Trẻ em trong trường phổ thông ở Mỹ, Úc, châu Âu được dạy những bài học sơ khai về kinh doanh bằng những câu hỏi: 100 năm trước người ta bán hàng thế nào? Hiện nay ra sao và 10 năm sắp tới, hình thức b
Nguy cơ từ “người khổng lồ vô hình”

Câu trả lời tựu chung đều đi đến nhận định: 100 năm trước là hàng đổi hàng hoặc hàng hóa được quy thành tiền. Hiện nay, xu thế bán hàng online đã lên ngôi và trong vòng 10 năm tới, hình thức kinh doanh online sẽ tiếp tục “bức tử” các hình thức kinh doanh truyền thống.

Đó là một dự báo đáng sợ và không ít thú vị qua góc nhìn của trẻ nhỏ.

Thu hẹp và biến mất

Người Mỹ không còn sốc về những thông tin liên tục được thông báo trên radio, TV và các trang báo về sự phá sản, đóng cửa của các thương hiệu bán lẻ nổi tiếng. Ngày nào họ cũng nhận được những thông báo đó. Hôm nay là Walmart, ngày mai là Walgreens và ngày kia là Toys R Us và Gap…

Họ cũng quá quen với việc tới các trung tâm mua sắm, tìm đến những cửa hàng “bán đổ như cho” vì sắp đến ngày đóng cửa, trả mặt bằng. Một chiếc túi hiệu Guess có giá niêm yết 120 USD, một đôi giày xăng đan hiệu Town 130 USD, một chiếc áo khoác hiệu Calvin Klein giá 110 USD… tất cả đều được bán đổ đồng với giá 19 USD/chiếc. Đó là một ví dụ có thật ở trung tâm thương mại Outlet, vốn rất nổi tiếng ở nhiều quốc gia.

Người ta cũng quen dần với việc nhiều gian hàng trong các trung tâm thương mại, vốn trước đây ngập hàng hóa, nay đóng cửa im lìm mà không hứa hẹn ngày cho thuê… Chủ của các gian hàng còn lại cũng luôn than trời vì giá thuê mặt bằng không giảm mà lượng khách mua cứ ít dần. Không ít người cố bám trụ, hy vọng gỡ gạc được ít nào hay chút đó.

Theo một con số thống kê của Business Insider, năm 2017, các nhà bán lẻ Mỹ đã đóng cửa hơn 6.300 cửa hàng. Trong năm 2018 này, dự báo sẽ có hơn 3.800 cửa hàng thuộc các thương hiệu lớn tiếp tục đóng cửa. Walmart đã đóng cửa 63 cửa hàng Sam's Club vào đầu năm nay. Toys R Us đang trong quá trình thanh lý tất cả 735 cửa hàng tại Mỹ sau một nỗ lực không thành công để tái cơ cấu doanh nghiệp thông qua phá sản…

Ở Việt Nam, đất nước có mật độ dân số cao gấp 5,2 lần mật độ dân số của thế giới (chủ yếu tập trung ở thành phố Hồ Chí Minh: 3.888 người/km2, ở Hà Nội: 2.171 người/km2), nơi mà kinh doanh truyền thống còn tiếp tục chiếm thế thượng phong cũng có sự dịch chuyển đáng kể…

Tràng Tiền Plaza Hà Nội – niềm tự hào suốt thời bao cấp của người dân Thủ đô và sau này là của tỷ phú Jonathan Hạnh Nguyễn – đã phải tạm ngừng để tái cấu trúc lại. Hay như thương hiệu Parson sau hơn chục năm ngự trị trên những tòa nhà sang trọng của Việt Nam đã phải đóng cửa cả 4 khu trung tâm thương mại tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Khá nhiều cửa hàng trong các trung tâm thương mại lớn đã phải dẹp tiệm, tìm về ngõ nhỏ phố nhỏ, kinh doanh một vài mặt hàng thiết yếu nhất để phục vụ bà con lối xóm.

Thủ phạm đẩy ngành kinh doanh truyền thống tới bờ vực phá sản, không ai khác, chính là thương mại điện tử. Là Amazon.com, Alibaba.com, Bestbuy.com, eBay.com… Các hãng bán lẻ đã phải chống chọi với mối đe dọa từ thương mại điện tử bằng cách phân tích dữ liệu, tìm ra giải pháp tối ưu nhất để lôi kéo khách hàng, tổ chức các chương trình khuyến mãi, tặng thẻ VIP…

Tuy nhiên, những cố gắng của họ dường như vẫn chỉ là ngọn lửa nhỏ nhoi, yếu ớt bên dòng thác thương mại điện tử. Một ví dụ đáng lưu ý: Hệ thống cửa hàng Finish Line, Foot Locker nơi mà có tới 68% doanh thu đến từ sản phẩm giày thể thao của hãng Nike, hiện đang rất căng thẳng vì doanh thu sụt giảm đáng lo ngại.

"Người ta cũng quen dần với việc nhiều gian hàng trong các trung tâm thương mại, vốn trước đây ngập hàng hóa, nay đóng cửa im lìm mà không hứa hẹn ngày cho thuê…

Tỷ lệ khách hàng mua giày Nike không chỉ tăng đáng kể trên trang mạng Amazon mà còn trên website riêng của hãng Nike. Nghĩa là, bản thân hãng sản xuất giày thể thao này cũng đã tìm cách đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa đến tay người tiêu dùng – điều trước đây hoàn toàn xa lạ vì nhiều năm họ đã thực hiện quy trình sản xuất tại các xưởng và phân phối thông qua các đại lý… 

Lớp những người trẻ tuổi giờ đây cũng rất thích thú với việc mua sắm hàng hóa qua Amazon.com, Alibaba.com hoặc thông qua các website của doanh nghiệp, facebook cá nhân, Zalo, Viber… Tất cả đều hết sức tiện lợi, từ việc đặt mua vé máy bay, các loại hàng hóa tiêu dùng… đến thanh toán điện tử - thông qua ngân hàng điện tử hoặc các trang mạng thanh toán trung gian như Paypal, Google Play…

Họ có thể ngồi tại một nước nào đó tận châu Âu nhưng cũng có thể đặt một cái khăn lụa của Ấn Độ với chi phí vận chuyển không đáng kể. Thậm chí có cậu sinh viên lười, ngồi ở Mỹ mà đặt mua một thùng kẹo Kitkat tận Nhật Bản để nhấm nháp dần…

Các hãng sản xuất ở Trung Quốc thì khỏi nói. Thông qua Alibaba, họ có thể bán một cỗ máy, đồ nội thất, đèn chùm hay đơn giản chỉ là một chiếc áo, điện thoại, hộp bút cho khách hàng ở tận nước Mỹ xa xôi…

Không chỉ các hãng taxi truyền thống bị thu hẹp thị phần bởi Uber, Grap… mà ngay đến các khách sạn vốn được các website “chống lưng” cộng hưởng như Agoda.com, Booking.com… để bán phòng nay cũng bị đe dọa thị phần bởi trang mạng Airbnb. Đây là một trang mạng dành cho khách book phòng lẻ trong các Home stay, Apartment với giá rất hợp lý. Vì thế, nó đã lôi kéo một tỷ lệ đáng kể khách hàng mà lẽ ra sẽ tìm đến các khách sạn để nghỉ ngơi.

Người viết bài này khi chưa là tín đồ mua hàng trên mạng từng rất ngạc nhiên khi thấy nhân viên của mình - giữa buổi trưa nắng gắt, ngồi tại văn phòng gọi điện đặt cơm, bánh piza hoặc có khi chỉ là vài cốc chè đậu đen… Còn việc nhấp chuột, chọn lựa mẫu mã quần áo, tìm thương hiệu laptop… với họ từ lâu đã là chuyện vô cùng lặt vặt.

Cuộc chiến chủ quyền

Có một vấn đề hiện đang là mối quan ngại đặc biệt cho những quốc gia đang cần vốn để phát triển, trong đó có Việt Nam. Đó là việc cho thuê đất để lấy đổi lấy đồng vốn, là sự bành trướng của các ông chủ người Trung Quốc lên toàn thế giới. Họ đã đặt chân đến các quốc gia châu Phi xa xôi, thuê đất nông nghiệp tại Australia, Pháp, Nga… đến cảng biển ở Sri Lanka, các đặc khu kinh tế tại Lào và nay là các dự án đã và đang thực hiện tại Việt Nam. Điều khiến cho các quốc gia có sự hiện diện của các ông chủ người Trung Quốc đều phải “nhảy sếch” lên là hiệu quả kinh tế chưa thấy đâu nhưng những xáo trộn về xã hội, về quyền lợi của người dân sở tại… là nhãn tiền.

Ở Việt Nam trong những ngày này, dự luật đặc khu kinh tế, an ninh mạng còn đang là chủ đề nóng hôi hổi trong dư luận. Nó thể hiện sự lo ngại của người dân đối với các nhà đầu tư mà ai cũng biết rằng, chủ yếu đến từ Trung Quốc. Nhưng chính trong thời gian đặc biệt nhạy cảm này, nhiều người đã nhận ra rằng, cuộc chiến chủ quyền không chỉ ở các đặc khu kinh tế, trên biển mà còn trên chính những trang mạng và thanh toán điện tử.

Rất nhiều bài báo trước đó đã phản ánh về các “tour du lịch 0 đồng” đến từ Trung Quốc do người Trung Quốc tổ chức tour trên đất Việt Nam, mua hàng ở các cửa hàng dành riêng cho người Trung Quốc, thanh toán bằng tiền Nhân dân tệ hoặc thanh toán qua hệ thống máy PoS và qua QR Code, được phát hành từ Trung Quốc.

Báo Nhân dân online ngày 24/5/2018 có bài phản ánh của tác giả Hồng Anh về vụ việc tại thành phố Hạ Long, khách hàng chuyển hơn 200 nghìn nhân dân tệ (tương đương với 700 triệu đồng Việt Nam) tiền bán hàng cho khách về Trung Quốc qua hệ thống máy POS. Ðáng chú ý, các giao dịch này đều được thực hiện bằng máy POS đưa trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam.

Việc thực hiện các giao dịch cũng khá dễ dàng khi các máy POS này có thể thực hiện giao dịch chuyển tiền, thanh toán ở bất kỳ vị trí nào chỉ với một chiếc sim điện thoại 3G, không cần thông qua hệ thống ngân hàng Việt Nam. Máy POS "chui" có thể thực hiện giao dịch nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi, thậm chí cả khi đang di chuyển.

Nếu không bắt quả tang khi đang thực hiện giao dịch qua máy POS, lực lượng chức năng không thể xử lý các đối tượng vi phạm. Ở nước ta, các địa phương có hoạt động du lịch sôi động, số lượng du khách nhiều, nhất là du khách Trung Quốc, đều có nguy cơ bị các đối tượng lợi dụng thanh toán "chui" qua máy POS. Việc làm này khiến địa phương thất thu thuế, việc kiểm soát hoạt động cơ sở kinh doanh trở nên khó khăn hơn. đây là hình thức xuất khẩu tại chỗ nhưng không thu được tiền về Việt Nam. Trong khi đó, những gì tệ hại nhất của họ để lại trên các điểm tham quan du lịch, cho môi trường, cho xã hội…thì phía ta lãnh đủ.

"Chính trong thời gian đặc biệt nhạy cảm này, nhiều người đã nhận ra rằng, cuộc chiến chủ quyền không chỉ ở các đặc khu kinh tế, trên biển mà còn trên chính những trang mạng và thanh toán điện tử.

Trên trang cá nhân của mình, nhà báo Vũ Kim Hạnh cũng chia sẻ nỗi lo lắng: “Trong cuộc chiến công nghệ, Việt Nam thật khó khăn để đương cự với “ông thần gian lận” Trung Quốc. Ngay đến cả các chuyên gia tài chính Singapore cũng từng phải lắc đầu: Với ca đặc biệt khó là Trung Quốc thì công nghệ dù khó nhưng “vũ khí” này vẫn chỉ là một phần, quan trọng hơn là... dũng khí!”.

Mạnh vì gạo, bạo vì tiền và vì nhiều thứ khác nữa. Như vậy, vấn đề chủ quyền ở đây rõ ràng là không chỉ ở những hòn đảo, quần đảo trên biển, ở đặc khu kinh tế mà còn là cuộc chiến tranh hàng hóa, tiền tệ trên mạng. Vấn đề là Việt Nam chống đỡ ra sao và với “dũng khí nào?!

Có thể bạn quan tâm