Nguyên Phó giám đốc Eximbank ôm 245 tỷ đồng bỏ trốn, ngân hàng nói gì?

Khách hàng Chu Thị Bình (Tp.HCM) đang khiếu nại ngân hàng Eximbank về số tiền gửi 245 tỷ đồng của mình bỗng dưng “bốc hơi”. Còn một phó giám đốc chi nhánh ngân hàng liên quan vụ việc này cũng “biến mấ
Nguyên Phó giám đốc Eximbank ôm 245 tỷ đồng bỏ trốn, ngân hàng nói gì?

Phó giám đốc Eximbank CN TP.HCM đã "ôm" 245 tỷ đồng cao chạy xa bay  

Theo phản ánh, từ năm 2007, bà Chu Thị Bình - khách hàng thân thiết của Eximbank cùng nhiều thành viên đã mở sổ tiết kiệm tại Eximbank chi nhánh TP.HCM với giá trị sổ từ vài tỷ đến hàng trăm tỷ đồng. Thời hạn gửi tiền tiết kiệm là 12 tháng, lãi tất toán cộng tiền gốc gửi tiếp vào năm sau.

Trong thời gian này, ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM nhiều lần cùng nhân viên của Eximbank đến nhà riêng của bà Bình để thực hiện những khoản đã tất toán dựa theo kỳ hạn gửi của bà Bình.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 2 năm 2017, bà Bình nghi ngờ mình bị lừa đảo nên đã yêu cầu ngân hàng tiến hành đối chiếu số dư sổ tiết kiệm thì phát hiện hơn 245 tỷ trong các tài khoản đã “bốc hơi” từ lâu.

Thực tế ông Lê Nguyễn Hưng đã chỉ đạo nhân viên Eximbank lập chứng từ giả để rút tiền từ tài khoản chưa đến hạn tất toán của bà Bình rồi gửi vào tài khoản đã đến hạn tất toán. Hai cá nhân là Nguyễn Thị Hồng Lê và Nguyễn Minh Huân đã đứng tên trên Giấy uỷ quyền để rút tiền từ tài khoản của bà Bình nhưng bà Bình cho biết hoàn toàn không biết hai cá nhân này là ai, có những giấy uỷ quyền đã bị làm giả cả chữ ký của bà Bình. Từ đây, ông Hưng chiếm đoạt được số tiền rất lớn của bà Bình trong quãng thời gian dài mà ngân hàng không phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Sau khi sự việc bị phát giác, ông Lê Nguyễn Hưng đã “biến mất” cùng với số tiền 245 tỷ đồng chưa rõ tung tích.

Bà Chu Thị Bình đã làm việc với Tổng Giám đốc EximBank và trình báo với Cơ quan Cảnh sát Điều tra Phía Nam (C44B - Bộ Công An). Đầu tháng 2/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Eximbank, chi nhánh TP.HCM.

Liên quan đến vụ việc “bốc hơi” 245 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng, phía ngân hàng Eximbank cũng đã thông tin diễn biến sự việc lừa đảo nghiêm trọng này. Theo Eximbank, toàn bộ các giao dịch với khách hàng Chu Thị Bình từ trước đến thời điểm khách hàng tố giác đều do ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó Giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM trực tiếp theo dõi, liên hệ khách hàng cũng như phê duyệt trên chứng từ giấy và trên hệ thống Korebank của Eximbank.

Khi phát hiện ra sự việc trên, ngày 6/3/2017, Eximbank đã chủ động gửi Đơn tố giác hành vi có dấu hiệu tội phạm của ông Lê Nguyễn Hưng đến Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C44), đề nghị C44 xem xét, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, ngân hàng cũng có nhiều đơn gửi Cơ quan CSĐT – Bộ Công an (C44) để xin ý kiến về việc giải quyết các yêu cầu rút tiền của bà Chu Thị Bình và một số khách hàng có liên quan.

Ngày 12/6/2017, Cơ quan CSĐT – Bộ Công an (C44) cũng đã có Thông báo gửi Eximbank với nội dung: chữ ký của bà Chu Thị Bình trên các chứng từ có liên quan đến việc rút tiền là thật. Nhưng cũng có chữ ký là giả…

Ngân hàng tiếp tục có đơn gửi C44 đề nghị khởi tố vụ án, điều tra làm sáng tỏ vụ việc và sớm giải quyết các yêu cầu của khách hàng.

Ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank cũng lên tiếng trấn an rằng: “Quyền lợi hợp pháp của khách hàng luôn là ưu tiên hàng đầu của Eximbank. Eximbank khẳng định sẽ tuân thủ theo phán quyết có hiệu lực pháp lý của toà án có thẩm quyền nhằm đảm bảo quy trinh xử lý khiếu nại của khách hàng theo đúng pháp luật. Eximbank mong muốn các bên liên quan gồm ngân hàng, người gửi tiền, và cơ quan cảnh sát điều tra phối hợp tích cực để vụ việc nhanh chóng được Tòa án có thẩm quyền phán quyết nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên liên quan”.

Hiện, Eximbank vẫn chưa công bố thông tin trả lời về hướng xử lý khiếu nại gửi bà Chu Thị Bình.

>> Vì sao 4 Phó tổng giám đốc Eximbank nghỉ việc?

Có thể bạn quan tâm